Sau gần 2 tháng thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD - ĐT về việc không chấm điểm đối với học sinh bậc tiểu học, đến nay, nhiều thầy cô cho biết, bên cạnh những ưu điểm: giảm áp lực cho học sinh, khuyến khích tinh thần học tập...thì quy định này đang gây khó trong phân loại học sinh. Khó đánh giá học sinhCô Đặng Thị Liễu, giáo viên trường Tiểu học Kỳ Bá, thành phố Thái Bình cho biết, trước đây chỉ dừng lại chấm điểm chứ ít khi giáo viên nhận xét và sửa lỗi cho học sinh. Với Thông tư 30, khi đánh giá, nhận xét vào vở cho học sinh, giáo viên cần chỉ rõ lỗi để học sinh khắc phục lỗi đó. Học sinh được điểm cao thì được giáo viên khen ngợi, còn học sinh chưa được điểm cao thì giáo viên chỉ lỗi khắc phục - đây là việc cần làm để giúp các em tiến bộ.
Cô giáo hướng dẫn học sinh học môn Địa lý trên bản đồ Việt Nam, giúp các em tiếp thu bài học nhanh. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN. |
Bên cạnh những điểm tích cực, trong quá trình triển khai Thông tư 30 của Bộ GD - ĐT cũng bộc lộ những hạn chế. Cô Bùi Thị Thuyết, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thăng Long, huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho biết, trường hiện có 345 học sinh với 21 cán bộ, giáo viên.
Khi bắt đầu triển khai Thông tư, trường đã cử các thành viên trong Ban giám hiệu và tổ trưởng các bộ môn tham gia tập huấn cho giáo viên. Sau quá trình tập huấn, giáo viên đã cơ bản nắm chắc nội dung Thông tư. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn. Điểm tích cực của Thông tư 30 là không đánh giá học sinh bằng điểm số, giảm áp lực cho học sinh nhưng chính điều này sẽ khó phân loại học sinh.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Thăng Long (Thái Bình) cũng bày tỏ băn khoăn: “Nếu như trước đây, đánh giá học sinh bằng điểm số cụ thể, cả học sinh và phụ huynh đều đánh giá được. Tuy nhiên, cách đánh giá mới hiện nay là khá trừu tượng và khó phân định học sinh. Bản thân các giáo viên cũng còn lúng túng khi tìm lời nhận xét. Bởi lẽ, mỗi học sinh có quá trình nhận thức, rèn luyện khác nhau, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, giáo viên phải quan tâm đến tất cả các học sinh để có những lời nhận xét khách quan, đánh giá đúng thực lực của học sinh.
Một giáo viên (đề nghị giấu tên) ở Thạch Thất, Hà Nội, tâm sự: “Triển khai Thông tư 30 đã gần 2 tháng nhưng những áp lực của giáo viên mới chỉ thuyên giảm phần nào sau những đợt tập huấn và có những đoàn kiểm tra của Bộ xuống tận nơi hướng dẫn. Nhưng tình trạng ngày nào cũng “ôm ông 30” đi đi về về để nhận xét vẫn diễn ra.
“Nhiều lúc tôi cảm thấy khá căng. Sĩ số lớp đông, giáo viên còn phải thu xếp thời gian nhận xét học sinh sao cho không bị trùng lắp và so sánh giữa các học sinh với nhau. Trong khi phụ huynh lại thường xuyên hỏi: “Với nhận xét này thì con tôi được bao nhiêu điểm?”. Do đó, đành phải tự phiên nhận xét ra điểm để phụ huynh yên tâm”, vị giáo viên này nói.
Thầy Nguyễn Thiện Lợi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kỳ Bá, thành phố Thái Bình cho biết, Trong quá trình đánh giá kết quả học tập, rèn luyện năng lực, phẩm chất học sinh bậc tiểu học, cha mẹ học sinh cũng đóng vai trò quan trọng, tích cực hợp tác với nhà trường trong giáo dục học sinh. Nhưng Thông tư 30 mới được áp dụng vì vậy nhiều phụ huynh học sinh vẫn chưa quen với việc nhận xét thay vì việc chấm điểm như trước đây.
Linh hoạt trong cách nhận xétTheo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD - ĐT Thái Bình, Thông tư 30 của Bộ GD - ĐT góp phần tăng cường trách nhiệm của giáo viên với học sinh, là khâu đột phá trong đổi mới kiểm tra, đánh giá của giáo dục tiểu học hiện nay. Nhưng việc bớt dùng điểm số đã tạo ra áp lực đối với cán bộ, giáo viên. Trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ giáo viên và nâng cao nhận thức của nhân dân về việc nhận xét, đánh giá thay hình thức cho điểm.
Với những nhận xét của giáo viên, phụ huynh học sinh có thể đưa ra những nhận xét để từ đó tăng cường sự liên kết giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh. Bên cạnh đó, học sinh có thể tự đánh giá và đánh giá, nhận xét các bạn trong lớp để tăng cường sự giao tiếp, hợp tác, tạo hứng thú trong học tập và rèn luyện để cùng nhau tiến bộ.
Trong hướng dẫn cụ thể đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 mà Sở GD - ĐT mới ban hành, có ghi: giáo viên được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, nhận xét bằng “lời nói” đối với kết quả học sinh thực hiện trong quá trình bài học, trả lời câu hỏi. Còn đối với các hoạt động giáo dục khác đã đạt chuẩn kiến thức kỹ năng thì không nhất thiết phải ghi nhận xét. Đồng thời, khi viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hàng tháng. Nhận xét từ 2 - 3 tháng/học kỳ.
Nhận định về thực trạng này, một chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT cho biết: “Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, chúng tôi đã được nghe rất nhiều phản ánh của giáo viên.Tuy nhiên, chúng tôi cũng góp ý rằng không cần nhận xét bằng lời quá nhiều. Cụ thể, nếu tháng này học sinh vẫn như tháng trước, chưa tiến bộ thì vẫn không cần nhận xét nữa.
Miễn sao một học kỳ nhận xét 2 - 3 lần. Chẳng hạn trong vở Tập viết, không cần ghi lời, chỉ chữa nét sai cho học sinh, vở Toán yêu cầu học sinh phải tự sửa lỗi bằng bút chì, giáo viên có bút tích chữ đỏ “Đ” hoặc “S” là được. Vở Chính tả phải sửa lỗi cho học sinh. Bạn nào viết quá bẩn thì nhận xét vở bẩn quá.
“Lâu nay, phụ huynh, cũng như giáo viên vẫn quen với cách làm cũ là chấm điểm. Nhưng ở đây nhận xét giảm áp lực cho học sinh, đồng thời khuyến khích học sinh tiến bộ. Kết thúc học kỳ vẫn kiểm tra, đánh giá. Như vậy tính phân loại thể hiện rất rõ”, vị chuyên viên này nhấn mạnh.
Thu Hoài - Lê Vân