Theo Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, sau gần 5 năm triển khai, dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực đã mang lại những hiệu quả tích cực, đổi mới toàn diện chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa dựa trên năng lực thực hành nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế. Đối với sinh viên, thay vì phải học 2 năm đầu tiên chỉ toàn những môn khoa học cơ bản hoàn toàn bằng lý thuyết thì gần đây, sinh viên ngành bác sĩ Đa khoa - Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã được học lâm sàng và được thực hành cụ thể.
Cụ thể, ngay khi vào năm nhất, sinh viên đã được tiếp cận với bệnh nhân để hỏi bệnh sử, ghi nhận các triệu chứng bệnh... Ngoài ra, sinh viên cũng được học với các trang thiết bị hiện đại, các mô hình mới để sinh viên được tiếp cận gần nhất với xu hướng của thế giới. Đây là một phần trong chương trình đổi mới đào tạo mà Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh xây dựng lại với sự hỗ trợ của Dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế.
Sau khi được áp dụng hiệu quả tại Khoa Y, dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế mở rộng được nhân rộng ra các khoa Khoa Điều dưỡng, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền… của Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và nhận được phản hồi tích cực không chỉ của sinh viên mà cả đội ngũ giảng viên.
PGS.TS Ngô Thị Quỳnh Lan, Chủ nhiệm Khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết chương trình tích hợp mới đã đưa ngay chuyên môn răng hàm mặt vào năm đầu tiên thông qua những ca lâm sàng. Tại đây, các em đã được tiếp xúc trực tiếp với các ca bệnh thực tế, từ đó xây dựng niềm hứng khởi cho sinh viên đối với ngành răng hàm mặt, giúp các em hình dung tốt hơn về ngành nghề của mình sau này.
Cũng theo TS. Quỳnh Lan, chương trình đào tạo trước đây khá rời rạc, các em chỉ học được cách điều trị riêng lẻ từng loại bệnh lý trên một ca bệnh, nhưng nay được tích hợp, sinh viên có thể điều trị tất cả các bệnh lý liên quan đến khu vực răng hàm mặt. Với sự đổi mới này, sinh viên ra trường có thể tự mình lập toàn bộ kế hoạch điều trị cho từng bệnh nhân mà không cần sự hỗ trợ, phối hợp với bác sĩ khác.
TS.Nguyễn An Nghĩa, Trưởng nhóm Tính chuyên nghiệp, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Y đức, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, chương trình mới giúp cho sinh viên tự học, tự nâng cao bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thấu cảm, quản lý thời gian, có thể nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc sau khi ra trường. Ngoài ra, chương trình còn có những khóa học để các ngành nghề khác nhau như điều dưỡng, vật lý trị liệu… cùng học chung với nhau. Đây là lúc các em được học cách làm việc theo nhóm, phối hợp với nhau cùng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Tính từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có khoảng 400 sinh viên của Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh được thụ hưởng lợi ích từ chương trình đạo tạo đổi mới này. Việc đổi mới chương trình đào tạo là điều tất yếu để đảm bảo sinh viên ra trường đáp ứng các chuẩn năng lực của Bộ Y tế đã ban hành và bắt kịp khu vực và thế giới. Sau khi dự án kết thúc, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục sử dụng chương trình đổi mới đã xây dựng để triển khai đào tạo cho các năm học tiếp theo.
Dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” do Bộ Y tế là cơ quan chủ quản được triển khai tại 28 trường đại học, cao đẳng và khoa Y trên cả nước. Bên cạnh đó, dự án cũng có các hoạt động can thiệp được triển khai tại 15 tỉnh và 62 huyện nghèo. Đến nay, có 5 trường y dược thực hiện đổi mới toàn diện chương trình đào tạo này như: Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y dược Thái Bình, Trường Đại học Y dược Hải Phòng, Trường Đại học Y dược Huế, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên. Với những kết quả của đổi mới đào tạo nhân lực y tế dựa trên năng lực sẽ góp phần tăng cường chất lượng đầu ra của đội ngũ chăm sóc sức khỏe, tăng cường hiệu quả khám chữa bệnh phục vụ người dân, gia tăng niềm tin và sự yêu mến của nhân dân vào đội ngũ thầy thuốc cũng như ngành y tế.