Khai phá tiềm năng đào tạo nhân lực trình độ cao

Thông tin Tập đoàn Vingroup tham gia đào tạo phi công nhằm cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới khiến một lần nữa, vấn đề đào tạo nhân lực trình độ cao được đặt ra với ngành giáo dục, với các trường đại học và cơ sở đào tạo nghề.

Mạnh dạn vươn tầm

Chú thích ảnh
Các học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội là một trong những trường có những chương trình đào tạo tinh hoa trong lĩnh vực kỹ thuật như chương trình tài năng, chương trình tiên tiến, đào tạo kỹ sư chất lượng cao, chương trình đào tạo song ngữ (AUF)... Việc đào tạo tập trung vào các ngành như: Công nghệ thông tin, điều khiển tự động hoá, lĩnh vực khoa học vật liệu, cơ điện tử. Một số chương trình đào tạo sinh học thực phẩm, vật lý kỹ thuật... cũng đang có cơ hội phát triển.

Chương trình đào tạo kỹ thuật chất lượng cao từ năm 1997 của Pháp mở tại ĐH Bách khoa Hà Nội đến nay đã cho ra đời những lứa sinh viên có bằng cấp tương đương với bằng tốt nghiệp tại Pháp như: Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, Kỹ sư chất lượng cao của Việt Nam theo chuẩn của Pháp. Chương trình kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội khi tốt nghiệp là nhân lực giảng dạy cho các trường đại học, viện nghiên cứu, hoặc làm việc tại Mỹ hoặc châu Âu.

“Mỗi năm, ĐH Bách khoa Hà Nội cung cấp 4.000 nhân lực chất lượng cao ra thị trường lao động Việt Nam. Những đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ rất ưa thích sinh viên Bách khoa Hà Nội do nền tảng vững chắc”, PGS TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết.

Một số trường ĐH tốp đầu của Việt Nam cũng có các chương trình đào tạo chất lượng cao, tập trung vào các ngành như: Công nghệ thông tin, khoa học máy tính, điện tử viễn thông, kỹ thuật xây dựng, công nghệ nano; tâm lý học lâm sàng, xã hội học, quốc tế học; hoá dược, công nghệ sinh học. Những ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính,điện tử viễn thông, kỹ thuật xây dựng, 100% sinh viên ra trường có việc làm trong nước và một số nước tiên tiến. Tâm lý học lâm sàng là một ngành học khá mới nhưng lại rất "hot" được đào tạo theo chuẩn quốc tế và sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được công việc cả trong nước và thế giới.

Riêng trong lĩnh vực đào tạo phi công, một số trường ĐH ở Việt Nam có khoa hàng không: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, những ngành này đào tạo ở mức khiêm tốn về các lĩnh vực liên quan đến ngành hàng không. Việc đào tạo phi công là chưa thực hiện được.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo đại học và sau đại học, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Hiện nay, Việt Nam muốn đào tạo phi công phải cử đi nước ngoài với chi phí khá tốn kém. Việc Vingroup đào tạo phi công tại chỗ sẽ là cú hích để cho ngành hàng không Việt Nam phát triển. Việt Nam hướng tới có một trung tâm đào tạo phi công trong khu vực với chuẩn quốc tế sẽ nâng tầm thương hiệu của Việt Nam về việc đào tạo nhân lực ngành này”.

Chưa hết khó khăn

Tuy nhiên, đào tạo nhân lực trình độ cao cũng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về điều kiện phòng thí nghiệm, thực hành và đánh giá theo chuẩn quốc tế. Những năm gần đây, ĐH Bách khoa Hà Nội trung bình mỗi năm bỏ ra 40 - 50 tỷ đồng để xây dựng phòng thí nghiệm. “Tuy nhiên, để xây dựng đồng bộ và quốc tế hoá thì trường cũng cần từng bước”, PGS TS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Phạm Hoàng Tú Linh, Học viện Quản lý giáo dục cho biết: Đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi phải đầu tư tốn kém. Do đó, các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phải bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thậm chí của từng vùng miền, từng địa phương. Với đào tạo nhân lực hàng không, cụ thể là phi công, GS TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: Để đào tạo được phi công cần có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, có phòng tập 3D, có máy bay bay thử, sân bay tập phải được sự cho phép cơ quan có thẩm quyền hoặc thuê sân bãi bay. Chưa kể đội ngũ giáo viên sẽ được tập huấn ra sao, đảm bảo chuẩn quốc tế.

“Với tiềm lực kinh tế của Vingroup, điều này có thể thực hiện được”, GS TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định, nhưng ông cũng bày tỏ băn khoăn về việc kiểm định ngành này tại Việt Nam: “Đơn vị nào sẽ kiểm định chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất... Ngành phi công khá đặc thù, ít nhất muốn kiểm định ngành này thì như hình dung của tôi phải là Hiệp hội nghề nghiệp quốc tế”.

Đứng trước cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo hay những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu lao động sẽ gây ra sức ép lớn cho ngành giáo dục. TS Ngô Thái Hà, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Các cơ sở giáodục đại học không thể dự đoán được kỹ năng mà thị trường lao động cần trong tương lai gần, do tốc độ thay đổi công nghệ quá nhanh. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều sinh viên giỏi của các trường đại học sau quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước sẽ học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ, đặc biệt khối ngành khoa học kỹ thuật, tự động hoá, công nghệ sinh học, khoa học môi trường, công nghệ vật liệu mới... ở các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và phần lớn không trở về phục vụ đất nước. Thực tế này đòi hỏi ngành giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng với những thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải”, TS Ngô Thái Hà cho biết.

Còn PGS. TS Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, bất cập lớn nhất hiện nay của các cơ sở đào tạo là thiếu những liên kết cơ bản với nơi sử dụng, nguyên nhân là do thiếu thông tin, thiếu động lực kết nối và thiếu năng lực kết nối. Tính hội nhập và sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 cũng chưa đáp ứng được.

Mô hình đại học doanh nghiệp

Trong số nhiều giải pháp được đặt ra với việc đào tạo nhân lực nói chung và đào tạo nhân lực trình độ cao thì sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp hoặc mô hình đại học doanh nghiệp là một giải pháp tất yếu.

Tại Việt Nam, một số trường đại học đã phát triển theo mô hình đại học - doanh nghiệp như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Tài chính kinh tế TP Hồ Chí Minh, một số trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề.

TS Phạm Hoàng Tú Linh đề xuất: Trong thời gian tới, cần giữ vững và tiếp tục phát triển mô hình đào tạo giữa trường đại học - doanh nghiệp bằng cách huy

động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng, đánh giá chương trình đào tạo và xây dựng chuẩn đầu ra, hỗ trợ trong việc bố trí thực tập và tuyển dụng cho sinh viên tốt nghiệp. Triển khai tích cực việc ký kết các hợp đồng, thoả thuận đào tạo, sử dụng nhân lực. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề giữa doanh nghiệp và sinh viên theo chuyên ngành các em theo học. Đồng thời, mở rộng các hình thức, nội dung liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng nhân lực và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

“Nhưng để giải quyết bài toán về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội như hiện nay là rất khó và cũng không thể một sớm một chiều. Để làm được điều này cần phải đồng bộ ở nhiều phương diện khác nhau: Đơn vị đào tạo nghề, người học nghề, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và còn cần tới một cơ chế, một sự hỗ trợ lớn từ phía nhà nước, các tổ chức quốc tế và tầm nhìn của các doanh nghiệp trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, TS Phạm Hoàng Tú Linh chia sẻ.

Ở khía cạnh vĩ mô, TS Phạm Quang Tiến, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Việc đổi mới mô hình giáo dục đại học ở nước tay hiện nay cần được tiến hành theo hướng: Chuẩn hoá theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đa dạng hoá nhà trường với cơ cấu đào tạo đa dạng về trình độ và ngành nghề theo hướng hàn lâm hoặc nghề nghiệp và công nghệ chú trọng thực hành. Tư nhân hoá để tăng hiệu quả đào tạo và thu hút nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Bảo đảm chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh, chuyển đổi văn bằng, chứng chỉ, trao đổi sinh viên. Tập đoàn hoá các trường đại học.

“Cần phát triển mạng lưới các đại học nghiên cứu để trở thành trung tâm sản xuất, sử dụng phân phối, xuất khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ đào tạo nhân lực quốc tế và khu vực. Các trường đại học cần trở thành mạng lưới các cơ sở dịch vụ đào tạo nhân lực thu hút vốn đầu tư vào đào tạo từ nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển có nhu cầu tiếp cận với công nghệ hiện đại”, TS Phạm Quang Tiến chia sẻ.

Lê Vân/ Báo Tin tức
‘Hiến kế’ phát triển nhân lực trình độ cao, chất lượng cao: Nhà trường và doanh nghiệp đều cần thay đổi tư duy
‘Hiến kế’ phát triển nhân lực trình độ cao, chất lượng cao: Nhà trường và doanh nghiệp đều cần thay đổi tư duy

Nhiều nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN