Hà Nội ngăn chặn những cơ sở trông trẻ không phép

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã nêu những giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tối đa sự việc tương tự trẻ 17 tháng bị bạo hành tới tử vong tại một nhóm lớp độc lập ở huyện Thường Tín.

Chú thích ảnh
Thành phố Hà Nội có tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp cao hơn tỷ lệ chung của cả nước, nhất là ở độ tuổi nhà trẻ. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản hướng dẫn, đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm học, xác định việc bảo đảm an toàn cho trẻ.

Theo ông Trần Thế Cương, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2024 - 2025, giáo dục mầm non Hà Nội xác định chủ đề năm học là “Trường mầm non xanh – an toàn – hạnh phúc”. Rất nhiều giải pháp đã được triển khai từ đầu năm học tới nay, trong đó có việc tăng cường đầu tư để nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80% - 85% vào năm 2025; đổi mới hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; xây dựng nhóm trẻ, lớp mầm non điểm tại các xã, phường, lan tỏa các mô hình tốt, cá nhân điển hình có nhiều đóng góp cho chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, công khai nhóm trẻ, lớp mầm non được cấp phép để cha mẹ trẻ biết, lựa chọn...

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND quận, huyện, thị xã đề nghị quan tâm nhiều hơn tới công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là công tác quản lý các nhóm lớp mầm non độc lập cho cán bộ UBND xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, chủ cơ sở về các văn bản quy định và nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, tình thương, trách nhiệm đối với trẻ.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thế Cương, các nhóm lớp độc lập tư thục thường phát triển nhanh ở những địa bàn đông dân cư, khó kiểm soát và hoạt động không ổn định. Vì vậy, rất cần sự chung tay phối hợp giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng trong việc nâng cao chất lượng ở những cơ sở đã được cấp phép, và kịp thời phát hiện những cơ sở chưa được cấp phép.

Hằng năm, ngành GD&ĐT Hà Nội và các địa phương đều công bố danh sách các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã được cấp phép tại từng địa bàn. Ông Trần Thế Cương cho rằng, việc này nhằm tăng cường sự giám sát của nhân dân, cũng là căn cứ để phụ huynh trẻ biết được địa điểm gửi con bảo đảm an toàn. Để hạn chế các sự việc đáng tiếc, cha mẹ trẻ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, kiên quyết không gửi con ở những nơi chưa được cấp phép, không biển hiệu, điều kiện cơ sở vật chất sơ sài, thiếu an toàn... Ngành Giáo dục và Đào tạo và UBND cấp quận, cấp xã và các đoàn thể tại địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở để kịp thời ngăn chặn các sai phạm.

Hà Nội có 1.147 trường mầm non, trong đó 807 trường công lập (tăng 5 trường so với năm trước), 340 trường ngoài công lập. Hà Nội còn có 2.461 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, nhóm trẻ tư. Tổng số trẻ mầm non đang được chăm sóc tại các cơ sở này là hơn 510.000.

LV/Báo Tin tức
Khởi tố, bắt tạm giam 2 bảo mẫu bạo hành tử vong bé trai 17 tháng
Khởi tố, bắt tạm giam 2 bảo mẫu bạo hành tử vong bé trai 17 tháng

Ngày 5/3, Công an huyện Thường Tín (TP Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai bảo mẫu Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi, cùng trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) để điều tra vụ bạo hành bé trai 17 tháng tuổi tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN