Theo Luật Giáo dục đại học, Hội đồng trường là một mắt xích quan trọng trong việc xác lập quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường Đại học. Tuy nhiên, đến nay, Hội đồng trường ở nhiều trường vẫn chưa có thực quyền. Việc xây dựng mối quan hệ đủ rõ ràng trong hoạt động lãnh đạo quản lý giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường và hiệu trưởng (cùng bộ máy quản lý) còn gặp khó khăn.
Hội đồng trường chỉ để … làm cảnh
Trong năm 2020, sự việc xảy ra tại ĐH Tôn Đức Thắng đã tốn nhiều giấy mực của báo chí. Trong khá nhiều vấn đề của ngôi trường này, có một thực tế là một thời gian dài Hội đồng trường và Ban Giám hiệu chưa được kiện toàn theo quy định của pháp luật. Không có Hội đồng trường thì không bổ nhiệm được Hiệu trưởng, và hàng ngàn sinh viên của ĐH Tôn Đức Thắng đã phải ra trường mà… không có bằng tốt nghiệp, bởi không có ai ký.
PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Theo quy định, các trường đại học phải thành lập hội đồng trường. Bởi nếu không thành lập hội đồng trường, các trường sẽ không có căn cứ cơ sở để hoạt động. Ai là người phê duyệt cho kế hoạch về nhân sự, bổ nhiệm hiệu trưởng, ai phê duyệt quyết toán hàng năm…? Vì vậy, buộc các trường muốn hoạt động thì phải thành lập hội đồng trường”.
Trong khi đó, tại một trường ĐH khác, dù đã có Hội đồng trường, nhưng vai trò của Hội đồng trường lại rất mờ nhạt. PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, dẫn chứng: “Theo Luật định, Hội đồng trường sẽ đưa ra các quyết định, còn Ban Giám hiệu sẽ triển khai các quyết định này cho đúng với các tiêu chí mà Hội đồng trường đưa ra. Nhưng tại trường ĐH này, Chủ tịch Hội đồng trường lại do một trưởng phòng làm, không thể đủ năng lực, khả năng bao quát để đưa ra các quyết sách để Ban giám hiệu triển khai. Vì thế, quy trình hoạt động tại đây khá “ngược”: Ban giám hiệu đưa ra các quyết sách trong nhà trường, sau đó, đưa về để Hội đồng trường thông qua. Như vậy, Hội đồng trường chỉ là hợp pháp hoá hoạt động của Ban giám hiệu. Mà tình trạng này lại diễn ra khá phổ biến".
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến ngày 30/10, có hơn 50 Hội đồng trường đã được thành lập, trên tổng số 175 trường đại học công lập. Bộ GD&ĐT đang tiếp tục đốc thúc các cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục để tiếp tục hoàn thiện thủ tục này.
Về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Thiết chế hội đồng trường hiện nay mới chỉ mang tính hình thức. Các trường thực hiện tự chủ tuân thủ quy định của pháp luật và theo điều lệ nhà trường. Trên thực tiễn, các cơ sở giáo dục đại học vẫn ít được trải nghiệm trong việc tự điều hành hoặc theo đuổi các mục tiêu riêng biệt bởi Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát gần như toàn bộ đối với các cơ sở giáo dục đại học cả trong vấn đề chuyên môn, học thuật cho tới tổ chức, nhân sự và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản trong nhà trường. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học còn chưa được thực hiện đầy đủ và thiếu đồng bộ”.
Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 về tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ đạo cần “nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học”, và quy định cụ thể “Bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch Hội đồng trường”.
Tuy nhiên, nhiều trường vẫn chưa triển khai được chủ trương này. Số lượng trường thực hiện quy định này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo GS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ ĐH Thái Nguyên: “Mặc dù không xuất hiện mâu thuẫn lớn giữa Hội đồng trường và Đảng ủy nhưng có hai xu hướng: Các Nghị quyết của Đảng ủy được Hội đồng tuân thủ tuyệt đối nên ý kiến khác của các thành viên khác sẽ khó được tiếp thu. Ngược lại, có nội dung của nghị quyết Hội đồng trường chưa “khớp” vào định hướng của Đảng, do vậy chưa có sự “đối thoại” trực tiếp giữa Hội đồng trường và Đảng ủy. Trên thực tế, tính chất chỉ đạo và phản biện, tham gia và quyết định từ 2 chiều giữa Đảng ủy và Hội đồng trường tuy đồng nhất nhưng chưa thực sự thống nhất cao. Ví dụ, cấp ủy cấp trên quản lý nhân sự đến cấp phó cơ sở (hồ sơ, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm...) theo quy định của Đảng, trong khi Luật quy định cấp phó hiệu trưởng do Chủ tịch hội đồng trường bổ nhiệm…”.
Sự phân vai là một thách thức lớn
Mặc dù Nghị quyết 19 phát huy vai trò của Hội đồng trường bằng cách chỉ ra “Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” nhưng nhiều trường đại học vẫn chưa triển khai được.
Trong đó, có nguyên nhân từ phía cơ quan chủ quản. Ông Vũ Ngọc Hoàng, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: “Cơ quan chủ quản vẫn còn, trong khi tự chủ là tự nhà trường làm chủ. Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng trên thực tế thì chưa được (do cơ quan chủ quản và hiệu trưởng chi phối). Xem xét đúng sai của nhà trường thì trên cơ sở những quy định cũ, khi chưa tự chủ. Hội đồng trường quyết định ai là hiệu trưởng nhưng thực chất thì ngược lại, hiệu trưởng quyết định Hội đồng trường. Luật pháp quy định việc chọn hiệu trưởng hay cách chức, cho thôi chức hiệu trưởng là việc của Hội đồng trường, nhưng có cơ quan chủ quản vẫn tự quyết định thôi chức, cách chức hiệu trưởng và bổ nhiệm người khác thay thế, bất chấp pháp luật, nhưng cũng chẳng thấy các cơ quan hành pháp và bảo vệ pháp luật can thiệp gì. Lại có tình trạng song song tồn tại hai cơ chế, tự chủ và không tự chủ. Sau khi có chủ trương thì Chính phủ đã cho thí điểm tự chủ”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các trường công lập. Với yêu cầu này, Hội đồng trường sẽ phải có thực quyền. Để đạt được điều này, không chỉ có Bộ GD&ĐT, mà chính cơ quan chủ quản của các đơn vị này phải thay đổi nhận thức. Phải xây dựng được quy chế hoạt động của hội đồng trường trong mỗi cơ sở đại học. Quy chế xây dựng phải có chất lượng, phản ánh đúng thực quyền của hội đồng trường. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản trị cho hội đồng trường, hội đồng trường am hiểu về quản trị đại học, có năng lực tư vấn thì mới có những quyết sách đúng và trúng. Đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường. Đứng ở vị trí này phải là người thực sự có đủ năng lực, đủ trách nhiệm. Và sẽ là chuyên trách chứ không kiêm nhiệm như trước kia”.
Như vậy, sự phối hợp trực tiếp giữa Hội đồng trường và Đảng ủy trong quá trình quản trị đại học là rất quan trọng. Nếu không có sự “phân vai” hợp lý thì sẽ dẫn đến việc triển khai Nghị quyết không trúng.
Bài 2: Đổi mới tư duy quản trị đại học