Tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học 2017 – 2018 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày ngày 15/8, Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam cho biết, thành phố hiện có 17 trường mầm non tại 15 khu chế xuất, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các trường này hoạt động chưa hết công suất là do khu ở của công nhân xa nơi làm việc, nhiều công nhân có nhà cách xa nơi làm việc 10km nên họ gửi con ở những trường gần nhà để tiện đưa đón.
Công nhân thường gửi con ở gần nhà để tiện đưa đón nên vẫn chưa mặn mà với trường mầm non gần khu chế xuất. |
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hóc Môn Trần Thị Yến Ngọc cho biết, dù huyện quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp, phát triển hệ thống giáo dục nhưng vẫn không theo kịp thực tế do tốc độ đô thị hóa nhanh. Số học sinh hàng năm tăng khá cao, sĩ số học sinh/lớp còn cao ở bậc học mầm non và tiểu học làm hạn chế việc đổi mới phương pháp dạy học và chưa đáp ứng được nhu cầu học bán trú của học sinh.
Bà Yến Ngọc cũng chia sẻ thêm, đến thời điểm hiện tại, huyện đã giải quyết dứt điểm các nhóm trẻ không phép hoạt động trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hệ thống trường mầm non công lập vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về trường lớp trên địa bàn huyện. Số lượng các trường mầm non và các nhóm lớp trẻ ngoài công lập trên địa bàn huyện nhiều và tăng nhanh, thường xuyên có biến động, thay đổi về nhân sự gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Còn trên địa bàn quận 7, do nhu cầu gửi trẻ cao nên số cơ sở giữ trẻ hoạt động không phép cũng nở rộ, trong đó có cả cơ sở mầm non có yếu tố nước ngoài. Theo bà Phạm Hạnh Tư, Phó Chủ tịch UBMTQ quận 7, qua quá trình khảo sát, hiện trên địa bàn quận 7 có 34 hộ giữ trẻ, 8 cơ sở mầm mon hoạt động không phép với 186 trẻ, trong đó cơ sở mầm non có yếu tố nước ngoài hoạt động không phép ở phường Tân Phong.
Qua giám sát, hầu hết những cơ sở hoạt động không phép này đều không đủ điều kiện giữ trẻ, người giữ trẻ không có kiến thức nuôi dạy trẻ, cơ sở vật chất không đảm bảo, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Bà Phạm Hạnh Tư cũng kiến nghị, đối với những hộ giữ trẻ gia đình không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, có nguy cơ không an toàn cho trẻ thì nên ngưng hoạt động những cơ sở này và tạo điều kiện cho trẻ đang học ở những cơ sở này đến trường học trên địa bàn của phường.
"Đối với các cơ sở giữ trẻ không phép có yếu tố nước ngoài trên địa bàn phường Tân Phong, chúng tôi đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở phải tiếp tục cải tạo cơ sở vật chất, hoàn thiện hồ sơ pháp lý gửi các cơ quan chức năng để được cấp phép thành lập và hoạt động. Còn đối với những cơ sở không đủ điều kiện cấp phép thì cũng cho ngưng hoạt động", bà Tư đề xuất.
Nói về công tác chuẩn bị cho năm học mới, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết đến nay việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất cho năm học 2017 – 2018 đã cơ bản hoàn thành. Đến ngày 1/8, Sở đã hoàn tất công tác tuyển dụng viên chức cho các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên công lập trực thuộc.
Riêng các trường mầm non, tiểu học, THCS đã thực hiện cơ chế phân cấp cho Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện phối hợp Phòng Nội vụ các quận, huyện thực hiện tuyển dụng.