Dạy và học ở Trường Tiểu học Pù Nhi, ở bản Na Tao, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Trong đó, có trường có tới 50% giáo viên xin thuyên chuyển như: Trường Tiểu học Trung Lý 1( huyện Mường Lát) có 12/24 giáo viên xin chuyển trường, Trường Tiểu học Tây Tiến (Mường Lý, huyện Mường Lát) có 7 giáo viên xin chuyển trường. Việc các giáo viên xin điều chuyển đồng loạt sẽ ảnh hưởng đến công tác dạy và học trên địa bàn.
UBND huyện Mường Lát đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa về việc 63 giáo viên trên địa bàn huyện có đơn xin chuyển trường trước thời điểm năm học mới 2017-2018 bắt đầu.
Sau khi tiếp nhận báo cáo của huyện Mường Lát, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Nội vụ Thanh Hóa phối hợp với ngành chức năng nghiên cứu để giải quyết nguyện vọng của các giáo viên; đồng thời, đảm bảo việc dạy học trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường, không để việc thiếu giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong năm học mới.
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Nguyện vọng của các giáo viên xin chuyển trường đều rất chính đáng, bởi hầu hết các trường hợp này đều là người ở các huyện khác lên Mường Lát công tác. Một số giáo viên đã có gần 20 năm công tác tại Mường Lát, trong khi gia đình đều ở dưới xuôi.
Những năm trước đây, tỉnh Thanh Hóa quy định thời hạn công tác tại miền núi là 5 năm đối với giáo viên nam, 3 năm đối với nữ. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, cơ quan chức năng rất khó thực hiện quy định này. Huyện Mường Lát đã đưa ra nhiều phương án như: Giải quyết nguyện vọng trước cho người có thâm niên công tác nhiều nhất (gần 30 người có trên 10 năm công tác tại Mường Lát), xét theo số năm công tác để giải quyết dần …
Trong những lần tuyển giáo viên hợp đồng, huyện Mường Lát ưu tiên tuyển người địa phương. Tuy nhiên, để giải quyết nguyện vọng xinh chuyển trường của 63 giáo viên cùng lúc là rất khó, bởi hiện tại huyện Mường Lát vẫn đang thiếu 49 giáo viên ở cả 3 cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở.