'Giữ chân' giáo viên kỹ thuật trường nghề

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập, chất lượng đào tạo kỹ năng nghề phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên, nhất là dạy thực hành kỹ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo điều kiện của nhà trường, yếu tố thu nhập để giữ chân các giáo viên trường nghề đang là bài toán khó.

Nỗ lực vươn lên, truyền đạt kiến thức cho sinh viên

Cô Lưu Trà My, giáo viên trường Cao đẳng Dầu khí Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: Trường thường xuyên mời doanh nghiệp đối tác đến trường cập nhật những kỹ thuật mới, bổ sung kiến thức về thực tế tại doanh nghiệp để giáo viên có thông tin kịp thời tới sinh viên. Bên cạnh đó, hàng năm, giáo viên cũng phải đi thực tế, thực hành tại doanh nghiệp trong tập đoàn để cập nhật thông tin. 

Chú thích ảnh
Cô Lưu Trà My trong buổi lên lớp.

Còn cô Đinh Thị Duyên (Trường trung cấp nghề Cao Bằng) luôn đối mặt với thiếu mô hình giảng dạy để truyền đạt sao cho dễ hiểu đến học sinh. Do đó, việc tự làm thiết bị đào tạo để giảm chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả được cô Duyên trăn trở. Từ khó khăn thiết bị mô phỏng, cô Duyên đã tự làm mô hình thiết bị điện tử gia đình (mô hình tự động và bằng tay) và dàn trải trên một mặt phẳng. Thiết bị thông minh còn khó khăn nên phải có mô hình để học sinh dễ tiếp thu.

"Việc sáng tạo thiết bị đào tạo tự làm đã trở thành cầu nối hữu hiệu giữa thực tiễn và đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để vừa sáng tạo, ứng dụng với thực tế địa phương và bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ" cô Đinh Thị Duyên chia sẻ.

Trong khi đó, để đáp ứng tiêu chuẩn nghề quốc tế trong hội nhập, cô Phan Thị Anh Tú, trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) cũng thường xuyên học, xây dựng giáo án từ lý thuyết, thực hành, nhà xưởng với các chuyên gia Đức.

Chú thích ảnh
Cô Phan Thị Anh Tú lên lớp thực hành theo tiêu chuẩn Đức.

“Tôi tham gia các khoá học với các chuyên gia của Đức từ năm 2014 đến nay. Các tiêu chuẩn và kiến thức, kỹ năng khá cao và phải cố gắng hoàn hiện. Từ sự nỗ lực của bản thân, tôi đạt điểm số tuyệt đối trong kỳ thi tiêu chuẩn giảng viên của Đức nghề cắt gọt kim loại CNC và đạt chứng chỉ giảng viên đạt tiêu chuẩn của Đức.”, cô Phan Thị Anh Tú cho biết.

Giữ chân đội ngũ giáo viên dạy nghề

Thầy Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) cho biết: Để giữ chân được giáo viên giỏi về kỹ năng, nhất là giáo viên kỹ thuật, dạy thực hành là cả bài toán khó vì thu nhập thấp. Tính bình quân lương và phụ cấp, giáo viên của trường được khoảng 8 triệu đồng/tháng nhưng doanh nghiệp bên ngoài trả lương gấp 3 lần thu nhập trên. Chính vì vậy, hiện tại trường có khá nhiều giảng viên nữ bởi nhiều cô muốn sự ổn định.

Trong khi đó, thầy Phạm Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: Giáo viên khối trường kỹ thuật lương và phụ cấp theo quy định. Trung bình thu nhập giáo viên trường từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/tháng; trong khi sinh viên đi thực tập thu nhập cũng đã được 6-7 triệu đồng/tháng. Còn kỹ sư công nghệ doanh nghiệp đang trả từ 10-15 triệu đồng/tháng. Cho nên giữ chân giáo viên trường nghề rất khó.

“Mới đây trường thống kê làm báo cáo theo yêu cầu của Sở Nội vụ cho thấy trong 5 năm gần đây, có 20 giáo viên xin nghỉ. Từ năm 2019 đến nay không tuyển được giáo viên kỹ thuật mới vì không có người thi”, thầy Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc giữ chân giảng viên kỹ thuật đang là bài toán khó. Hiện nay, cả nước có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trung cấp, 1.052 trung tâm với 83.959 giảng viên, giáo viên dạy nghề. Khoảng 70% nhà giáo đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành. Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu nhà giáo ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp…) hiện nay còn thiếu đội ngũ có trình độ kỹ năng nghề cao, thiếu nhà giáo giảng dạy ở các ngành nghề chuyển giao cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN.

Để khắc phục tình trạng này, trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 đến năm 2030, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định thực hiện công nhận kỹ năng, trình độ đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ ở ngành nghề khác chuyển sang làm giáo viên, giảng viên trong các trường nghề; Phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực tham gia đào tạo; Triển khai hiệu quả các cộng đồng, mạng lưới kết nối đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề trong các trường cao đẳng.

“Trong đó, các trường đẩy mạnh chế độ tự chủ toàn phần theo đúng nghĩa để từ đó mới tăng thu nhập cho giáo viên”, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết.

 

Bài, ảnh, clip: Xuân Minh/Báo Tin tức
Lao động có chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp
Lao động có chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp

Nguồn lao động giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Dưới tác động của chuyển đổi số, cơ cấu lao động Việt Nam đang có sự thay đổi, trong đó đòi hỏi nguồn lao động có kỹ năng tay nghề. Dù vậy, theo các khảo sát mới đây, nguồn lao động Việt Nam có chuyên môn kỹ thuật vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN