Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Giảng viên là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của trường đại học

Đội ngũ giảng viên có trình độ cao là yếu tố đặc biệt quan trọng, đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học, đồng thời trực tiếp đóng góp vào nhiều tiêu chí để các trường đại học thăng hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà khoa học 3 năm liên tiếp góp mặt trong danh sách 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, về những chính sách để thu hút nhân tài làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các học trò say sưa nghiên cứu khoa học dưới sự dìu dắt tận tình của GS Nguyễn Đình Đức. Ảnh: NVCC

Là một trong 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, Giáo sư chắc nhận được không ít lời mời từ các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước. Theo ông, những yếu tố nào giúp các cơ sở giáo dục đại học thu hút được người tài?

Theo tôi, những người có năng lực rất dễ để xin việc tại các cơ sở giáo dục đại học cũng như các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vì vậy, một trường đại học không có chính sách đãi ngộ tốt và có mức lương thấp, không đủ để đảm bảo cuộc sống cho giảng viên sẽ rất khó thu hút những người trẻ có năng lực về làm việc.

Bên cạnh vấn đề tiền lương, môi trường nghiên cứu rất quan trọng. Trên thực tế, nhiều trường đại học hiện nay có nguồn lực để hỗ trợ nhân tài nhưng lại vấp phải những chồng chéo về thể chế, chính sách của Nhà nước nên chưa thực hiện được. Ví dụ, một Tiến sĩ đang làm việc tại nước ngoài, có thể có quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài, các trường muốn mời họ về nước làm việc phải có chế độ hợp đồng làm việc. Nhưng để ký được hợp đồng làm việc còn nhiều chính sách quá cồng kềnh, phức tạp.

Về phía các trường đại học, chính sách thu hút nhân tài phải rất năng động. Hiện nay, môi trường làm việc không còn biên giới nữa, nhiều nhà khoa học ở nước ngoài có thể làm việc với các cơ sở đại học trong nước và các nhà khoa học trong nước vẫn có thể làm giáo sư thỉnh giảng, giáo sư kiêm nhiệm ở các trường đại học nước ngoài. Vì vậy, lãnh đạo cơ sở đào tạo phải ý thức được, nguồn lực hiện nay không phải là tài nguyên thiên nhiên mà chính là nhân tài. Các trường đại học nếu không sớm đổi mới, không sớm tự chủ sẽ có nhiều trường đại học mới năng động hơn thu hút được người tài về làm việc cho họ.

Vậy Giáo sư có thể chia sẻ, vì sao ông lại lựa chọn gắn bó với Đại học Quốc gia Hà Nội?

Tôi tốt nghiệp Tiến sỹ từ khi còn trẻ, có cơ hội để làm việc ở nước ngoài. Ngành nghiên cứu của tôi là ngành về vật liệu mới composite, có ứng dụng rất lớn không chỉ trong khoa học mà cả trong quốc phòng. Với tuổi đời còn rất trẻ, có ước mơ, hoài bão, khi ấy, việc ở lại nước ngoài hay trở về với tôi là một sự dùng dằng.

Nhìn từ tấm gương của các Giáo sư lỗi lạc, tôi nhận thấy để thành công được, họ không chỉ có tài năng mà còn có lý tưởng cống hiến cho đất nước. Những điều đó ảnh hưởng sâu sắc đến cá nhân tôi. Vì vậy, tôi mong muốn những kiến thức mà mình tích lũy sẽ đóng góp được cho đất nước, để xây dựng được đội ngũ, xây dựng được ngành của mình.

Trong quá trình trưởng thành, đã gần 40 năm theo nghề, trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua được nhưng với sự đam mê, lòng quyết tâm, kiên trì, đến ngày hôm nay, tôi đã trở thành một nhà giáo có nhiều học trò giỏi giang. Cùng với đó, tôi đã xây dựng được phòng thí nghiệm vật liệu kết cấu tiên tiến, thành lập ngành đào tạo Kỹ sư khoa học kỹ thuật, thành lập ngành Kỹ thuật Hạ tầng, ngành Tự động hóa… tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Cho đến giờ, tuy còn những điều chưa được như kỳ vọng nhưng tôi cảm thấy không hối hận với quyết định của mình.

Tôi cho rằng, việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước rất quan trọng để thế hệ trẻ có thêm niềm tin, động lực cống hiến. Thế hệ của chúng tôi luôn được giáo dục tràn đầy lý tưởng và lòng yêu nước. Tôi đã từng đi rất nhiều nước, nhưng khi ở nước ngoài, tôi thấy mình chỉ là khách thôi, về quê hương mới là trở về nhà của mình. Vì vậy, qua đây, tôi muốn gửi gắm với các bạn trẻ, nếu chúng ta có niềm đam mê cháy bỏng, có hoài bão, khi về nước, mặc dù có thể có những khó khăn nhưng giờ thời cuộc đã khác, các bạn có rất nhiều cơ hội để phấn đấu, chứng minh, khẳng định mình nhanh hơn, cống hiến nhiều hơn, tốt hơn cho đất nước so với thế hệ của chúng tôi.

Tôi cũng hy vọng, trong thời gian tới, với chính sách đổi mới và chính sách tự chủ đại học, các trường sẽ có nhiều cơ hội để thu hút nhân tài. Các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội để làm việc tại các trường đại học ở Việt Nam mà không thua kém gì môi trường ở nước ngoài, với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực được xếp trong nhóm 500-600 của thế giới.

Câu chuyện “chảy máu chất xám” và việc cử giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài nhưng không về nước làm việc là câu chuyện không mới nhưng luôn khiến dư luận băn khoăn. Giáo sư bình luận gì về vấn đề này?

Không chỉ riêng Việt Nam, tình trạng “chảy máu” chất xám vẫn thường xảy ra ở những nước có trình độ phát triển và mức thu nhập chưa cao. Chúng ta phải chấp nhận điều này, coi đó là quy luật đương nhiên trong quá trình phát triển, vận động.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần nhìn nhận lại “thế nào là chảy máu chất xám”. Bởi đã là người Việt Nam, dù ở đâu nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc bằng cái tâm và lòng nhiệt tình, đều có thể đóng góp cho đất nước. Ví dụ, một bạn trẻ tốt nghiệp Tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng xin được làm việc tại một phòng thí nghiệm danh giá tại một đất nước có điều kiện tốt hơn Việt Nam, nên chăng, chúng ta cần tạo điều kiện để bạn trẻ đó thực hiện được ước mơ của mình và có những cách khác để cống hiến cho đất nước.

Hiện nay, một bộ phận trí thức Việt kiều đang đóng góp rất tốt cho đất nước, nhờ những thành tựu của cách mạng công nghệ, thế giới không còn khoảng cách, một nhà khoa học ở nước ngoài hoàn toàn có thể đóng góp như một nhà khoa học trong nước.

Theo Giáo sư, để thu hút các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài tham gia tích cực vào các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu trong nước, Nhà nước cần có những chính sách như thế nào?

Có nhiều bài học từ các nước xung quanh Việt Nam đã thu hút nhân tài rất thành công. Nếu như nước Nhật không có mấy chục thanh niên thời Nhật hoàng đi ra nước ngoài học tập rồi quay trở về hay Hàn Quốc không có những chính sách đổi mới giáo dục đại học từ những năm 60 hoặc Trung Quốc, Ấn Độ nếu không có chính sách thu hút nhân tài trong giáo dục đại học sẽ không thể có những đất nước đó như ngày nay. Vấn đề đặt ra của Việt Nam đó là, một mặt cần tạo điều kiện để cử đội ngũ ra nước ngoài du học, mặt khác cần thu hút nhân tài trở về xây dựng đất nước.

Tại Việt Nam, cơ chế chính sách để thu hút nhân tài đã có nhưng việc triển khai còn chậm. Do vậy, việc trước hết là cần hoàn thiện thể chế một cách cụ thể, chỉ rõ được đầu mối thực hiện. Có thể chế, chính sách rồi, cần xem xét nguồn lực ở đâu? Rõ ràng, nguồn lực nhà nước có hạn nên cần huy động nguồn lực của doanh nghiệp và chính cơ sở giáo dục đại học.

Một vấn đề nữa là cần phải đẩy mạnh 4 nhà: nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và nhà khoa học, đồng hành cùng nhau. Bởi các nhà khoa học về trường đại học không chỉ thực hiện chức năng giảng dạy mà cần sử dụng kiến thức gắn với nghiên cứu và thực tiễn. Cùng với đó, cần xây dựng được môi trường làm việc tốt. Một nhà khoa học giỏi về nước sẽ làm việc ở đâu nếu xung quanh không có đồng nghiệp, không có môi trường thuận lợi để nghiên cứu? Vì vậy, việc đầu tư xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh xuất sắc là môi trường rất tốt để thu hút các nhà khoa học.

Tôi cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu chính sách tuyển dụng và bố trí việc làm cho giảng viên thông thoáng hơn. Giảng viên đại học không chỉ dạy học mà còn nghiên cứu, làm việc trong môi trường toàn cầu. Vì vậy, để thu hút nhân tài, cần tạo điều kiện để giảng viên làm việc trong nhiều môi trường, thể hiện được hết tài năng của mình, vừa làm việc trong nước vừa làm việc ở nước ngoài. Không chỉ Nhà nước mà các trường đại học cần nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp. Ví dụ, một nhà khoa học rất giỏi nhưng yêu cầu họ phải làm việc ở môi trường trong nước toàn thời gian thì rất khó. Nhưng nếu chúng ta có chính sách đãi ngộ phù hợp thì hoàn toàn có thể thu hút được những người này, từ đó, thông qua tiềm lực và các trường phái khoa học của nước ngoài để đóng góp cho đất nước.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Việt Hà (TTXVN)
Không để có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học
Không để có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 11/11, trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có công tác tuyển sinh, giáo dục bậc đại học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN