Mở ngành đào tạo về sức khỏe phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) về việc nhiều trường đa ngành có xu hướng mở các mã ngành về sức khỏe, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết việc mở các mã ngành về sức khỏe được tiến hành theo các quy định, quy chuẩn và trong tự chủ đại học, mở mã ngành là quyền của các đơn vị đào tạo. Tuy nhiên, riêng có 2 nhóm ngành đào tạo về sức khỏe và sư phạm, Bộ vẫn giữ quyền thẩm định và quyết định, cùng với việc đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí mở chương trình đào tạo rất nghiêm ngặt.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát xem việc thực hiện các quy định có điểm gì chưa được chặt chẽ, thực sự cần bổ khuyết thêm, để bổ sung.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung chỉ ra trong thực tế, nhiều trường đào tạo đa ngành, điều kiện giảng dạy, chương trình đào tạo đối với khối ngành sức khỏe này không được như các trường chuyên ngành. Ví dụ, các bác sĩ khi chỉ thực tập ở bệnh viện tuyến huyện, sẽ không bằng các sinh viên khi học trong trường, được thực tập ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Chính vì thế, dẫn tới việc chênh lệch về trình độ chuyên môn, chất lượng giữa đào tạo đa ngành với trường đào tạo chuyên ngành.
Vấn đề thứ hai, đại biểu cho rằng, mặc dù Bộ trưởng có nêu điều kiện để mở ngành rất chặt chẽ và Bộ Giáo dục và Đào tạo khi cho phép mở ngành sẽ phải xét trên các điều kiện mà các trường đáp ứng đầy đủ mới cho quyết định, song thực tế có những trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi cho quyết định mở mã ngành không xin ý kiến của Bộ Y tế.
Theo đại biểu, qua Bộ Y tế đi kiểm tra và khảo sát ở các trường thì có rất nhiều trường hiện nay đang giảng dạy nhưng không đáp ứng được các điều kiện để đào tạo khối ngành sức khỏe. Đại biểu đặt câu hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc thanh tra nào chưa và kết quả này như thế nào?
Trả lời câu hỏi tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết khi mở ngành của khối ngành sức khỏe, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều lấy ý kiến của Bộ Y tế. Ngành giáo dục và đào tạo không tự quyết định mở khối ngành sức khỏe. Bộ trưởng thông tin, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang có một đợt rà soát về các chương trình mới mở, đặc biệt là trong nhóm khối ngành đào tạo sức khỏe, đồng thời tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đặc biệt là các điều kiện mở ngành.
Không nên có quá nhiều các phương án xét tuyển
Về câu hỏi chất vấn của đại biểu đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) liên quan đến việc nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông điểm cao nhưng vẫn trượt đại học thì có phải là do việc xây dựng chỉ tiêu và cách xét tuyển của các trường đại học hay không? Bộ trưởng cho rằng có nhiều nguyên nhân. Năm vừa qua cũng có hiện tượng là một số học sinh điểm cao mà vẫn không đạt được nguyện vọng vào đại học nào. Cụ thể có 165 học sinh phổ thông có số điểm cao từ 27 điểm trở lên. Trong 165 em đạt điểm cao, hầu hết là các học sinh chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng, và vào chủ yếu các trường khối công an và quân đội.
Bên cạnh đó, cũng có một hiện tượng là các trường cũng đặt ra quá nhiều cách xét tuyển. Mỗi một cách xét tuyển như vậy dành cho các nhóm ngành đào tạo ít chỉ tiêu, nên cũng ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyến của thí sinh. Từ việc 165 trường hợp học sinh không trúng tuyển đại học vừa qua, Bộ trưởng đồng ý với các đại biểu sẽ cần phải có điều chỉnh trong chỉ đạo các phương án xét tuyển của các trường đại học vào năm tới.
"Việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học theo luật quy định nhưng các quyền đó cũng phải nằm trong các chế tài cho phép. Bộ sẽ rà soát các quy định, theo hướng không nên có quá nhiều các phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học. Điều này vừa phức tạp cho xã hội, lại khiến thí sinh rất khó theo dõi và tạo rủi ro cho người đăng ký", Bộ trưởng cho hay.
* Điều chỉnh việc quản lý nhà nước đối với các trường đại học tự chủ
Về câu hỏi chất vấn của đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) liên quan đến chủ trương đẩy mạnh tự chủ đại học, các trường tự chủ đang thay đổi rất nhiều, trong khi Bộ chưa thấy thay đổi để thích ứng với việc quản lý các trường đại học thời tự chủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh chủ trương triển khai tự chủ đại học và tự chủ trong giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và ngành giáo dục trong nhiều năm qua. Bộ đã từng bước triển khai vấn đề này.
Theo Bộ trưởng, từ nhiều năm trước, các văn bản quản lý, điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã điều chỉnh theo hướng để quản lý được một hệ thống ngày càng tự chủ. Trong đó, việc ban hành khi Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) ra đời là một bước mở đường rất quan trọng cho tự chủ đại học, việc xây dựng các quy chế đào tạo theo tinh thần phù hợp với tự chủ đại học, các quy chế đào tạo từ bậc đào tạo đại học, đào tạo bậc thạc sĩ và đào tạo bậc tiến sĩ theo hướng tăng quyền tự chủ cho các trường đại học. Các quy định này chỉ quy định có tính chất là khung chung tối thiểu các yêu cầu, còn việc cụ thể hóa là các trường đại học sẽ phải đảm nhiệm.
Một trong những chuyển biến rất quan trọng để có thể thực hiện được quản lý nhà nước đối với các đơn vị tự chủ chính là việc ban hành một loạt các chuẩn quản lý theo chuẩn, chuẩn trường học, chuẩn giáo viên, chuẩn chương trình đào tạo. Bộ sẽ thực hiện việc đánh giá theo hệ chuẩn này.
Hiện tại, theo Bộ trưởng, trong thời gian sắp tới Bộ sẽ tăng cường có điều chỉnh và chuyển hướng rất quan trọng trong việc quản lý nhà nước đối với các trường đại học tự chủ từ chỗ mệnh lệnh hành chính trực tiếp trên xuống chuyển mạnh sang dùng công cụ kiểm định để quản lý các trường tự chủ. Các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí và lực lượng kiểm định viên, các trung tâm kiểm định đang từng bước được xây dựng, phát triển và hoàn thiện. Đối với các trường tự chủ dùng các công cụ kiểm định, hình thức chế tài, hậu kiểm, xử phạt nghiêm minh, đấy chính là một công cụ phù hợp với các trường đại học của thời kỳ tự chủ. Trong thực tế các trường đang ngày càng thực hiện tự chủ theo luật định và Bộ thực sự đã, đang và sẽ điều chỉnh mạnh để có thể quản lý được vừa tốt, vừa phù hợp và tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học.