Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng

Chiều 9/9, Diễn đàn giáo dục Việt Nam lần thứ hai đã được tổ chức trực tuyến với chủ đề "Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng".

Hoạt động này do Mạng lưới giáo dục EduNet thuộc Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Tạp chí Giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Diễn đàn được tổ chức trong 2 ngày (9 - 10/9) với 9 chủ đề thảo luận, gồm: Công nghệ và công nghệ hóa giáo dục đại học; Quản trị và Quản lý đại học; Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; Hoạt động dạy và học ở bậc đại học; Chính sách giáo dục đại học; Giáo dục đại học và các mục tiêu phát triển bền vững; Triết lý giáo dục đại học; Đào tạo giáo viên và phát triển đội ngũ giáo viên; Quốc tế hóa giáo dục đại học.

Tiến sỹ Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương, Chủ tọa Diễn đàn Giáo dục Việt Nam (VES), sáng lập viên Mạng lưới giáo dục EduNet của AVSE Global, Giảng viên Đại học Paris chia sẻ: Những vấn đề được thảo luận là những nội dung trọng tâm, làm nên diện mạo của nền giáo dục đại học quốc tế và làm thay đổi diện mạo của từng nền giáo dục đại học của mỗi quốc gia trong những năm tới, đồng thời, có tác động mạnh của đại dịch COVID-19. Ví dụ, trước đại dịch, các vấn đề như công nghệ và công nghệ hóa, quốc tế hóa, quản trị... đã trở thành những cuộc cải cách ở nhiều quốc gia. Trong đại dịch và hậu đại dịch, công nghệ hóa, quản trị, quản lý sẽ càng chuyển biến nhanh hơn.

Tiến sỹ Nguyễn Thụy Phương cho rằng, đại dịch COVID-19 làm cho nền giáo dục đại học của các quốc gia hoặc “ho hắng”, hoặc “lên cơn sốt”, tùy theo mức độ tác động của dịch bệnh ở mỗi quốc gia.

Nhìn toàn cảnh và vĩ mô thì các cơ sở đại học của các quốc gia đều thích ứng nhanh, giảng đường đóng cửa thì giảng viên và sinh viên gặp nhau trên zoom, teams…, nhân viên hành chính và ban điều hành các trường đại học quản lý và quản trị trên các loại platform, tuy nhiên, việc trao đổi và đón tiếp sinh viên ngoại quốc giảm đột ngột, nghiên cứu thực địa cũng ngưng lại…

Từ thích ứng nhanh đến thích nghi tốt hay không cũng là một vấn đề cần bàn luận. Ví dụ như hoàn cảnh sống, điều kiện học và đời sống tinh thần của các sinh viên nội trú và đi ở trọ… Điều đáng lo ngại ở trung và dài hạn là chất lượng đào tạo cho sinh viên vì việc đi thực tập, nghiên cứu đều trở nên khó khăn, việc thi cử cũng không diễn ra như thông lệ.

Theo các chuyên gia phân tích, ở thời điểm này, bước sang năm học thứ 2 chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền giáo dục thế giới đang trải qua cơn khủng khoảng tồi tệ nhất trong thế kỷ này. Giáo dục đại học cũng không phải là ngoại lệ.

Nhiều trường đại học đã bị cắt giảm ngân sách, tư nhân hóa, số hóa, đại chúng hóa và quốc tế hóa giáo dục đại học đã làm lộ rõ tình trạng mất cân bằng dẫn đến khủng hoảng kinh niên và đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải bắt đầu thay đổi để tồn tại và phát triển.  

Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo, các nhà giáo dục đang nỗ lực thích ứng và cải cách hệ thống giáo dục đại học trong thời đại mới. Từ đó, từng bước thúc đẩy việc xác định lại các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như nhận thức lại chất lượng và đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học. Do vậy, cần có tư duy mới trong phương pháp lãnh đạo và quản lý để góp phần thay đổi và định hình lại toàn cảnh giáo dục đại học.

Việt Hà (TTXVN)
Giáo dục đại học đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số giáo dục
Giáo dục đại học đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số giáo dục

Ngày 24/8, tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu, khẳng định: Giáo dục đại học phải đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số toàn ngành giáo dục, qua đó hỗ trợ cho bậc học phổ thông và giáo dục địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN