Giáo dục cần nhìn thẳng vào bản chất

PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, đã đến lúc, giáo dục Việt Nam cần nhìn thẳng vào bản chất, bước ra khỏi vòng luẩn quẩn nặng về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng, học để đi thi như hiện nay. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, chúng ta sẽ đào tạo ra những thế hệ công dân chậm tiến...

 

PGS. Văn Như Cương:Mạnh dạn thay đổi hệ thống giáo dục đã lỗi thời


Nhìn nhận một cách khách quan, tổng quát nhất, nền giáo dục của ta đã tồn tại và bộc lộ nhiều vấn đề bất cập ở tất cả các bậc học. Giáo dục phổ thông hiện nay đang không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi, phục vụ cho sự phát triển của xã hội trong giai đoạn mới.

Học sinh trường Tiểu học Trần Quốc Thảo (TP.HCM) trong ngày tựu trường. Ảnh: Phương Vy - TTXVN


Mục đích của giáo dục phổ thông chỉ nhằm đi thi, “nền giáo dục ứng thí”. Thế giới họ học để biết, học để làm, còn chúng ta học để đi thi. Kiến thức trong nhà trường xa rời cuộc sống đến kỳ lạ! Cái cần thiết cơ bản nhất của giáo dục là giáo dục trẻ trở thành người tốt. Thế nhưng, toàn bộ chương trình học của các bậc học lại rất ít, thậm chí không có cái gì để giáo dục nhân cách, để đào tạo ra con người tốt để hướng người học đến chân - thiện - mĩ. Với kiểu học này, người học không làm được việc khi ra xã hội...


Chúng ta đang dạy người học cái chúng ta có chứ không phải dạy cái họ cần để đi vào cuộc sống. Tình trạng này đang kéo dài từ rất lâu rồi. Giáo trình ĐH không cải tiến, có cái gì dạy cái đó từ bao nhiêu năm nay. Chúng ta đang cách mạng giáo dục phổ thông, trong khi trường sư phạm vẫn dạy những cái cũ. Cuộc sống biến động từng ngày từng giờ, giáo dục thì gần như nằm im một chỗ. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, nền giáo dục của chúng ta sẽ nhanh chóng bại liệt ngay lập tức.


Hơn 2 năm đổi mới rồi nhưng vẫn đâu đóng đó. Cứ bàn, cãi mãi nhưng chúng ta chưa thông qua được dự án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục mà chỉ có những thay đổi hết sức vụn vặt.Thay đổi giáo dục quyết định sự thay đổi của mọi ngành mọi nghề. Giáo dục là quốc sách hàng đầu nên chỉ có thay đổi giáo dục mới khiến xã hội tiến lên.


Chúng ta cần nhận thức đúng đắn, có những hành động thiết thực để đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục. Mạnh dạn “phá hủy” hệ thống giáo dục cũ đã lỗi thời, cần một cuộc cách mạng thực sự chứ không phải là những thay đổi nửa vời. Tìm câu trả lời cho ba câu hỏi: Học để làm gì? Học cái gì? Học như thế nào? Giáo dục Việt Nam cần một cuộc thay đổi rất lớn, rất mạnh, rất quyết liệt và dám sửa đổi khi sai.

 

Th.s Hà Đức Đà, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam): Chú trọng nâng cao năng lực giáo viên miền núi


Từ trước đến nay, việc cải thiện chất lượng giáo dục tại miền núi, dân tộc thiểu số còn nhiều tồn tại, nhiều giáo viên vẫn chưa thông thạo tiếng mẹ đẻ của học sinh hoặc phát âm, diễn đạt tiếng Việt còn sai. Tôi đã từng tham gia dự giờ ở Gia Rai, giáo viên dạy học sinh đánh vần “Cờ o co ngã có”, khi tôi hỏi giáo viên thì chính họ cũng không biết mình sai. Giáo viên sai, tất yếu sẽ dẫn đến học sinh sai. Do đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng dân tộc miền núi, đặc biệt là chú trọng nâng cao năng lực giáo viên miền núi. Trong đó, chú trọng việc thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông là yêu cầu cấp thiết. Giáo viên phải nói được tiếng dân tộc của học sinh, hiểu rõ ngôn ngữ của học sinh để đưa ra phương pháp dạy cho phù hợp. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

 

PGS. TS Lê Phước Minh, Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục: Quản lý tốt mới tạo ra môi trường giáo dục tốt


Theo kết quả xếp hạng khả năng cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2011, Việt Nam đứng thứ 65/142 nước. Và trong các nước ASEAN, Việt Nam chỉ xếp trên Phillippine + Myanmar (Lào + Campuchia chưa xếp hạng). Theo WEF, Việt Nam còn ba “vùng lõm” chính: Cơ sở hạ tầng; mức độ sẵn sàng cho công nghệ; đào tạo nghề và giáo dục đại học. Do vậy, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cho hệ thống giáo dục Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết. Trong đó, nâng cao năng lực người quản lý là vấn đề quan trọng. Người cán bộ quản lý thời kỳ mới cần có phương thức quản lý mới, thay vì quản lý điều hành cứng nhắc, rập khuôn, chỉ đạo một chiều, cấp dưới chấp hành và ít chịu trách nhiệm thì cần có sự tương tác, điều hành linh hoạt; cấp trên đưa ra hướng dẫn, định hướng và cấp dưới ra quyết định, tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình; người quản lý đánh giá nhân viên dựa trên kết quả việc làm. Chỉ khi người quản lý tốt thì mới tạo ra môi trường giáo dục tốt.


Thu Trang - Thu Hòe

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN