Thêm chỉ tiêu, tăng sĩ số
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, số lượng học sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 tăng lên. Để bảo đảm thêm chỗ học học sinh, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp. Giải pháp đầu tiên là giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội từng kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc tăng sĩ số học sinh/lớp (từ 45 lên 50 em); tăng số lớp/trường (từ 45 lên 50 lớp) và cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/ học sinh. Đến năm nay, Sở GD&ĐT giao 127 trường công lập và công lập tự chủ tuyển mới 1.742 lớp với 77.250 học sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội giao 88 trường THPT tư thục tuyển mới trên 30.000 học sinh lớp 10. Ba trường có vốn đầu tư nước ngoài tuyển mới 13 lớp 10 với 308 học sinh.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, tổng chỉ tiêu tuyển mới lớp 10 vào các loại hình trường năm nay đều tăng. Tổng chỉ tiêu trường THPT công lập tăng gần 1.500 so với năm trước; đáng kể như hệ thống các trường THPT chuyên tăng 490 chỉ tiêu. Nhiều trường THPT công lập tăng chỉ tiêu cả ở nội thành và ngoại thành. Để thực hiện việc tăng chỉ tiêu, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất cải tạo và sửa chữa 123 trường học thuộc Sở quản lý.
Hà Nội cũng đưa ra một giải pháp nhằm chấm dứt hiện tượng chen chân xếp hàng xuyên đêm ở một số trường công lập tự chủ để nộp hồ sơ xét tuyển lớp 10 là yêu cầu 100% trường tư thục, trường công lập tự chủ nhận hồ sơ dự tuyển của học sinh theo hình thức trực tuyến; đồng thời quy trách nhiệm người đứng đầu nếu vi phạm.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây tại Hà Nội dự kiến khoảng 81.000 em đỗ vào các trường công lập, còn lại 54.000 em không đỗ, phải theo học trường tư hoặc trường nghề. So sánh số học sinh tốt nghiệp THCS trên tổng số chỉ tiêu đỗ năm nay, tỷ lệ chọi trung bình vào lớp 10 công lập là 1,66, tương đương với các năm trước (năm 2023 trung bình 1 chọi 8, năm 2022 là 1 chọi 1,67 và năm 2021 là 1 chọi 1,61).
Hướng mở học nghề ngày càng rõ nét
Trong các chỉ tiêu tuyển sinh đầu năm học 2024-2025, Hà Nội cũng giao cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trường nghề 26.760 chỉ tiêu. Đây là một “lối ra” cho một số lượng đáng kể học sinh lớp 9 không đủ điều kiện vào các trường THPT công lập và tư thục.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, khi không có sự phân biệt giữa THPT và trung cấp nghề, điều kiện phân luồng sẽ dễ dàng hơn do hình thành các trường trung học nghề và trung học kĩ thuật (theo Nghị quyết số 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Điểm mấu chốt là cần đa dạng hóa mô hình trường trung học sau lớp 9, tên gọi văn bằng chỉ một mức trình độ là trung học phù hợp với chuẩn mực quốc tế về phân loại trình độ giáo dục.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay có nhiều trường đại học, cao đẳng tại địa phương sáp nhập với các trường cao đẳng sư phạm và đang rất khó khăn trong tuyển sinh. Người dân có nhu cầu cao, địa phương có nguồn lực về cơ sở vật chất, mà không được mở các trường trung học hoặc các lớp dạy chương trình THPT là vô lý (nếu có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT). Thực tế, các mô hình trường trung học ở một số trường đại học sư phạm tuyển sinh đang vận hành rất hiệu quả.
“Đây được coi là sáng kiến đột phá đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Cần quán triệt chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước là phát triển hệ thống giáo dục mở và xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực cho giáo dục, giảm tải cho các trường THPT công lập”, TS Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.
TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, tránh gây ra sự quản lý chồng chéo, khó kiểm soát, cần có giải pháp quản lý một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp và thực hiện thường xuyên theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn với địa phương trong sản xuất, kinh doanh. Cũng cần khuyến khích các địa phương có làng nghề tạo điều kiện cho học sinh được tham gia tìm hiểu, tiếp cận với nghề. Nếu không theo học trường nghề mà chọn học đại học, thì những kiến thức về nghề nghiệp được trang bị ở phổ thông cũng rất hữu ích.
Về giải pháp trường nghề, PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT) nhận xét: Cả trường công lập và tư thục đang khai thác tốt công tác phân luồng ở những mô hình được khuyến khích. Chẳng hạn, với mô hình 9+, các em vừa đảm bảo việc học văn hóa, vừa có định hướng nghề nghiệp cho các em.
Quy hoạch trường lớp - Cú hích lâu dài
Thực tế, sau lớp 9, Việt Nam có hai mô hình là THPT và trung cấp nghề. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn không mặn mà với chữ “học nghề”. Đặc biệt, sự phân biệt hai loại văn bằng này (THPT và trung cấp nghề) trong việc tuyển vào đại học và tuyển dụng, thăng tiến trong sự nghiệp, khiến cho trung cấp nghề kém hấp dẫn.
Chị Nguyễn Thu An, phụ huynh học sinh ở quận Long Biên, Hà Nội nêu quan điểm: “Thật bất cập khi con cháu Chúng tôi muốn học trường công lập lại không được. Đây là nguyện vọng chính đáng khi Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với nhiều địa phương”.
GS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích: Nếu để xảy ra tình trạng quá tải trường lớp do mất cân bằng quy hoạch cần quy rõ trách nhiệm cho địa phương. Các dự án xây dựng chung cư nếu không có các thiết chế xã hội đi kèm thì cần kiên quyết đình chỉ. Ở ta vẫn nói nhiều khẩu hiệu “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, song sự đầu tư đó chưa thực sự tương xứng.
Đề cập giải pháp lâu dài cho tình trạng thiếu trường THPT tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho biết rằng, trước hết cần tính đến vấn đề quy hoạch tổng thể, đồng bộ. Với các thành phố lớn, quy hoạch về phát triển các khu đô thị phải đồng bộ với các dịch vụ về giáo dục, y tế để đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống dữ liệu để có sự điều tiết hợp lý trong đầu tư cho giáo dục. Chẳng hạn, khu vực nông thôn đang có xu hướng sáp nhập trường, lớp do số lượng lao động dịch chuyển từ nông thôn đến thành phố lớn ngày càng nhiều; kéo theo nhu cầu dịch vụ giáo dục cũng đang chuyển dần về khu vực đô thị. Do vậy, phải tính đến giải pháp điều tiết biên chế giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp từ khu vực nông thôn về khu đô thị. Đồng thời, có hệ thống dữ liệu phân tích, dự báo một cách kỹ lưỡng mới giải quyết được bài toán này.
Cũng theo bà Mai Hoa, giải pháp phân luồng và khẳng định đây là một chủ trương đúng. Cần thuyết phục người dân hiểu rằng con em mình không chỉ có một con đường duy nhất học qua phổ thông rồi vào đại học, mà có thể học chương trình đào tạo nghề. Muốn vậy, cần có hệ thống trường nghề chất lượng và một thị trường lao động việc làm đa dạng, bảo đảm thu nhập ổn định, bền vững.
“Để giảm bớt áp lực trường công, chúng ta cần thực hiện tốt hơn vấn đề xã hội hóa thông qua cơ chế chính sách Nhà nước về đất đai, về tín dụng để phát triển hệ thống các trường THPT ngoài công lập với các phân khúc khác nhau; bao gồm các trường ngoài công lập chất lượng cao thu hút những gia đình có điều kiện đầu tư; cùng với đó là hệ thống các trường ngoài công lập có mức thu học phí không quá cao so với trường công lập, có thể đáp ứng được nhu cầu của những gia đình có thu nhập thấp”, bà Mai Hoa nói.
Bà Mai Hoa nhấn mạnh, điều quan trọng là Nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư cơ chế chính sách, nguồn lực để phát triển hệ thống cơ sở giáo dục bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; khuyến khích mở rộng thị trường lao động với nhiều phân khúc khác nhau, tạo nhiều cơ hội về việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời làm tốt công tác truyền thông để thay đổi cách tiếp cận, thay đổi nhận thức của mỗi gia đình, mỗi người dân về giáo dục – đào tạo, về lao động việc làm.