Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3 toàn ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới với 3 lớp 1,2,3. Qua thực tế triển khai, theo đánh giá của ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, chương trình mới có nhiều ưu điểm như, bảo đảm tính đồng bộ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả, bảo đảm tính tiếp nối liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học, kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành, đồng thời tham khảo tiếp thu kinh nghiệm có chọn lọc, có tính mở...
Tại Nghệ An, sau 3 năm triển khai, giai đoạn đầu của lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên toàn tỉnh được thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu, mục tiêu đặt ra. Trong quá trình thực hiện, dù trong bối cảnh thiếu giáo viên nhưng nhiều huyện, thành phố, thị xã đã nỗ lực tổ chức dạy học theo chương trình từ 32 tiết/tuần cho các khối lớp; 100% cơ sở giáo dục tổ chức dạy Tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3. Ngoài môn học bắt buộc, nhiều địa phương tổ chức các nội dung tăng cường, hoạt động ngoài giờ chính khóa.
Nhờ thực hiện chương trình mới, việc xây dựng kế hoạch dạy môn học mới có nhiều đổi mới. Giáo viên chú trọng thiết kế hoạt động dạy học theo định hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm, học thông qua chơi, giải quyết vấn đề. Các nhà trường tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhiều giải pháp trong quá trình quản lý.
Việc lựa chọn sách giáo khoa theo chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” được đánh giá hoàn toàn phù hợp xu hướng phát triển của xã hội. Qua đó, tạo điều kiện để các nhà trường, học sinh có nhiều sự lựa chọn, tìm bộ sách có chất lượng và phù hợp điều kiện inh tế, văn hóa, xã hội mỗi địa phương.
Tại Hội nghị, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu đi sâu phân tích tồn tại, hạn chế như: Tình trạng thiếu giáo viên dạy văn hóa; chương trình mới bổ sung thêm một số môn học mới làm thay đổi nhu cầu về cơ cấu đội ngũ giáo viên khiến việc bố trí giáo viên của các trường gặp khó khăn...
Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, nỗ lực của toàn ngành, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở Nghệ An đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đạt kết quả cao hơn trong năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhấn mạnh, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành tiếp tục ưu tiên tuyển dụng giáo viên Tiểu học đáp ứng đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên dạy lớp 4, giáo viên dạy Tin học, tiếng Anh. Ngành tiếp tục huy động xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học đủ theo danh mục thiết bị tối thiểu được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định...
Căn cứ đặc điểm trường, đối tượng học sinh, các Phòng Giáo dục và Đào tạo lên kế hoạch tổ chức dạy học theo thời lượng phù hợp, đáp ứng chuẩn đầu ra theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học tại các nhà trường, dạy học tích hợp, liên môn. Nhà trường giao quyền chủ động cho giáo viên để linh hoạt khai thác tài liệu tham khảo giảng dạy cho sát, đúng đối tượng, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong mỗi học sinh.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo theo hướng giao quyền, trách nhiệm cho các trường, cán bộ, giáo viên; tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng tích hợp, linh hoạt, phù hợp thực tiễn; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.