Chung sức nâng cao dân trí
Với hơn 4.500 cuốn sách, 6 máy tính, một tivi, một bộ máy chiếu cùng phần mềm quản lý thư viện, phim tư liệu, thời gian qua, mô hình xe thư viện lưu động do Thư viện tỉnh Ninh Thuận quản lý đã mang nhiều tài liệu, sách, báo bổ ích phục vụ miễn phí cho học sinh, thầy cô giáo, người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có ít điều kiện tiếp cận sách, báo và truy cập thông tin trên mạng internet.
Ngoài việc tổ chức các hoạt động phục vụ đọc sách, Thư viện tỉnh Ninh Thuận còn chú trọng tuyên truyền giới thiệu các dịch vụ trên xe như các chương trình thư viện điện tử, thư viện số, sách nói, chiếu phim, dịch vụ phục vụ người khiếm thị; tổ chức hoạt động bổ trợ sau đọc như trả lời các câu hỏi kiến thức về khoa học, lịch sử, danh lam, thắng cảnh, kỹ năng sống, phòng, chống xâm hại trẻ em. Thông qua đọc sách, học sinh viết cảm nhận, vẽ tranh theo đề tài,... tạo thêm sự mới mẻ, thích thú, khơi dậy niềm đam mê đọc sách của các em.
Tính riêng trong năm 2022, Thư viện tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức 47 chuyến xe lưu động, cung cấp 1,7 triệu lượt tài liệu phục vụ 377.373 lượt bạn đọc. Ông Đinh Xuân Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, nhằm phục vụ tốt nhu cầu bạn đọc, Thư viện tỉnh liên tục thay đổi những đầu sách, báo trên xe phù hợp với từng địa điểm, đối tượng phục vụ. Nhờ vậy, các chuyến xe lưu động, dù đến bất cứ đâu đều nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân. Thời gian tới, Thư viện tỉnh tiếp tục đưa xe thư viện lưu động về các địa phương, trường học để có thêm nhiều học sinh, thầy cô, người dân được tiếp cận với những đầu sách hay, hoạt động bổ ích.
Thực tiễn cho thấy, xe thư viện lưu động là mô hình phục vụ ngoài thư viện khá hiệu quả, đưa thông tin đến gần với người dân hơn. Từ đó, mở rộng phong trào đọc sách, báo khắp các vùng miền trong tỉnh, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho mọi người dân trong cộng đồng; đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp khoảng cách thông tin giữa các khu vực thành thị, nông thôn và miền núi.
Hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận luôn được các cấp, ngành quan tâm đẩy mạnh, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 75.406 Gia đình học tập (đạt 47%), 227 Dòng họ học tập (đạt 49,46%), 300 Cộng đồng học tập (đạt 75,95%) và 223 Đơn vị học tập (đạt 77,97%).
Đặc biệt, các cấp Hội Khuyến học tỉnh còn kết hợp với các trường làm tốt công tác khuyến học, quan tâm, chăm sóc học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh nghèo vượt khó vươn lên học giỏi. Mô hình học tập ở các huyện, thành phố đã tác động mạnh mẽ đến việc vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng văn hóa học tập, nâng cao dân trí và trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết, để góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu phát huy vai trò của các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội - kinh tế, lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm tạo cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, nhất là các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số và miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế trong xã hội.
Đối với hoạt động xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, năm 2023, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu có thêm hai đơn vị (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Hải) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; phấn đấu 50% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2.
Ninh Thuận phấn đấu 20% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin và trang bị kỹ năng sống; khoảng 20% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 5% dân số có trình độ đại học trở lên.
Tỉnh phấn đấu 100% các phân hiệu đại học, các trường cao đẳng, trường trung cấp trên địa bàn xây dựng học liệu số; 60% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 50% các Trung tâm văn hóa thông tin ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục. Đồng thời, Ninh Thuận chú trọng các giải pháp xây dựng xã hội học tập bên ngoài nhà trường với các mô hình học tập trong xã hội, cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, để đạt các chỉ tiêu trên tỉnh đề ra bảy nhóm nhiệm vụ và giải pháp tập trung thực hiện. Đó là: Tăng cường tuyên truyền về vai trò, vị trí quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập để tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân. Các địa phương, đơn vị tiếp tục phát động phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập với các nội dung, hình thức phong phú, thiết thực; nhân rộng các mô hình, cách làm mới hiệu quả.
Đồng thời, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa. Ninh Thuận đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm văn hóa thông tin, trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ và xóa mù chữ gắn với dạy nghề truyền thống, dạy nghề ngắn hạn và phát triển cộng đồng.
Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục củng cố, xây dựng Hội Khuyến học các cấp làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Cùng với đó, tỉnh tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận với các loại hình đào tạo mới, từng bước góp phần nâng cao mặt bằng dân trí.