Kết thúc hai môn thi Tiếng Anh và Lịch sử, nhiều thí sinh ở điểm thi THPT Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra vui mừng. Em Nguyễn Hồng Hà, lớp 9, trường THCS Vinshool cho biết: “Đề khá dễ, không có câu hỏi nào quá khó. Em làm được tới 90% bài thi với 2 môn tiếng Anh và Lịch sử”.
Còn em Phạm Đức Hùng, THCS Marie Curie tự tin: “Đề Lịch sử khá dễ, em nghĩ sẽ có nhiều điểm giỏi. Môn tiếng Anh em có thể đạt điểm 10”.
Tại một số điểm thi: THPT Việt Đức, THCS Nam Trung Yên, THCS Dịch Vọng... thí sinh đều ra về với tâm trạng vui vẻ vì đề thi vừa sức và nhiều thí sinh hy vọng đạt điểm giỏi.
Khác với tâm trạng vui tươi của học sinh Hà Nội, sau buổi thi môn Toán sáng 3/6, thí sinh TP Hồ Chí Minh tỏ ra khá bối rối.
Thí sinh Lê Mỹ (trường THCS Trần Văn Ơn) cho biết, đề thi năm nay có phần khó hơn so với năm trước, đòi hỏi thí sinh phải đọc đề bài thật kỹ và biết phân tích thì mới làm được, nếu không có thể làm sai. Chỉ cần phân tích sai đề thì sẽ dẫn đến sai cả một câu.
“Em nghĩ với đề này, em làm được khoảng 50 -60%. Ở câu 3 dạng đề hơi lạ, ban đầu đọc có phần hơi bối rối nhưng phân tích kỹ thì dạng bài này đã được làm từ lớp 5”, Lê Mỹ chia sẻ.
Cô Lê Thị Thu Hương, Giáo viên dạy Lịch sử (Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho biết: Đề thi Lịch sử của thí sinh Hà Nội là đề thi cơ bản. Nội dung câu hỏi đều nằm trong chương trình sách giáo khoa, bao gồm 2 phần: Lịch sử thế giới (từ 1945 đến năm 2000); Lịch sử Việt Nam (từ năm 1919 cho đến năm 2000). Có 40 câu hỏi, trong đó, 12 câu hỏi là lịch sử thế giới, 28 câu hỏi là lịch sử Việt Nam. Cấu trúc đề thi này tương tự với đề thi tham khảo mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố trước đó.
Phân tích về đề thi, cô Lê Thị Thu Hương cho biết: Các câu hỏi trong đề thi có sự phân hoá rõ. Mức độ biết, hiểu là khoảng 90%, còn 10% là mức độ vận dụng, trong đó có câu hỏi đòi hỏi sự vận dụng cao hơn một chút. Đề như vậy phù hợp với việc lựa chọn học sinh vào trường THPT có các mức điểm khác nhau .
“Đề thi này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu tuyển sinh năm nay là lấy môn Lịch sử là một môn thi vào lớp 10. Đề cơ bản và có những câu hỏi đánh giá buộc học sinh suy luận một chút, phù hợp với những học sinh yêu thích, ham học lịch sử. Đề thi vừa đáp ứng kết thúc trình độ THCS và tạo ra sự phân hoá để xét tuyển vào các trường trên địa bàn thành phố”, cô Lê Thị Thu Hương nhận xét.
Cô Nguyễn Minh Phương, giáo viên Toán, trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết, đề thi Toán năm nay của thí sinh TP Hồ Chí Minh không khó cũng không dễ, tương tự như năm trước. Tuy nhiên, kiến thức trong đề khá rộng. Những học sinh học lực trung bình có thể làm bài đạt điểm 5 dễ dàng. Những học sinh khá giỏi nếu làm cẩn thận sẽ đạt được 8 điểm trở lên.
Còn thầy Nguyễn Thanh Tùng, tổ trưởng môn Toán trường THCS Lạc Hồng (quận 10) cho rằng, nhìn chung đề toán năm nay khó hơn so với năm trước, những dữ liệu đề ra trong bài hơi rối nên học sinh ở mức độ trung bình sẽ thấy đề khó, phải phân tich kỹ thì mới làm được bài. Chẳng hạn như bài số 3 đưa một loạt dữ kiện, cấu trúc lạ, những học sinh có tư duy chưa tốt gặp những dữ kiện nhiều như vậy dễ bị rối. Các câu 4,5 được luyện tập nhiều trong quá trình ôn tập. Riêng câu số 6 tuy nằm trong kiến thức đã học nhưng tích hợp với môn địa lý học từ lớp 6, gây khó cho học sinh.
“Nhìn chung đề thi năm nay đúng theo trọng tâm của Sở đưa ra là phân loại thí sinh. Nội dung phân hóa nằm ở câu hình học”, thầy Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Chiều 3/6, các thí sinh đăng ký vào 4 trường chuyên của Hà Nội tiếp tục dự thi các môn chuyên là Ngữ Văn, Toán, Tin học và Sinh học.
Sáng ngày 4/6, thí sinh Hà Nội tiếp tục thi các môn chuyên Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Tiếng Anh.
Ngày 5/6, thí sinh dự thi chương song bằng tiếp tục dự thi các môn Toán bằng tiếng Anh, Vật lý bằng tiếng Anh, Hóa học bằng tiếng Anh và tiếng Anh.
Ngày 18/6, thí sinh dự thi chương song bằng sẽ dự phỏng vấn trực tiếp vào trường.