Đề ngữ văn lớp 10 dễ làm, học sinh phấn khởi

Sáng 2/6, thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bước vào môn thi đầu tiên, môn ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. Kết thúc môn thi, nhiều thí sinh chia sẻ đề thi ngữ văn dễ thở, còn giáo viên nhận xét đề thi không có câu hỏi đánh đố nhưng không tạo được sự hấp dẫn.

Đề thi "dễ thở"

10 giờ sáng ngày 2/6, nhiều phụ huynh tập trung đông tại điểm thi THPT Phạm Hồng Thái, Ba Đình, Hà Nội. Lực lượng an ninh và tình nguyện viên phải điều tiết giao thông ở điểm thi này. Các thí sinh ra khỏi điểm thi với khuôn mặt rạng rỡ.

Chú thích ảnh
Thí sinh Hà Nội rạng rỡ sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn. Ảnh: Lê Phú

 Thí sinh Nguyễn Thành Đạt, THCS Giảng Võ, Hà Nội cho biết: "Đề thi về bài thơ "Sang thu" với các câu hỏi khá dễ. Phần nghị luận văn học em cũng làm tốt. Với dạng đề này, em đã được ôn tập nhiều lần nên không thấy khó khăn. Em làm được 80% đề. Còn lại tuỳ thuộc vào "cảm xúc" của người chấm".

Nhiều thí sinh ở điểm thi THPT Phạm Hồng Thái đều háo hức rằng "trúng tủ", thậm thí, có em cho biết, đề này quá dễ, cô giáo không đưa vào danh sách "đề dễ vào".

Tại điểm thi THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng, nhiều thí sinh cho biết cũng đã làm hết bài, đề thi nằm chủ yếu trong chương trình ôn tập.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh tỏ ra rất thích thú với câu nghị luận xã hội. Ghi nhận tại một số điểm thi, hầu hết các thí sinh đều cho rằng đề thi năm nay dễ hơn so với những năm trước và nội dung câu hỏi đều nằm trong nội dung ôn tập.

Tại hội đồng thi THCS Colette, thí sinh Nguyễn Thùy Linh, lớp 9/3, THCS Phan Sào Nam hào hứng cho biết “Em rất thích đề văn năm nay. Đề khá hay và phù hợp với năng lực học sinh trung bình trở lên. Đề mang tính thực tiễn, gần gũi đời sống hàng ngày của giới trẻ. Đặc biệt, câu nói về tình cảm gia đình, định hướng học sinh phải biết sống có ích, biết quan tâm, yêu thương những người thân xung quanh vì không biết cuộc sống nay mai sẽ xảy ra điều gì. Từ tác phẩm soi chiếu với hành động hàng ngày, nhắn nhủ em nên biết giúp đỡ ba mẹ, học tập tốt.  Em cũng sẽ cố gắng nói lời yêu thương dành cho ba mẹ nhiều hơn”.

Thí sinh Minh Huân, trường THCS Huỳnh Khương Ninh thích nhất cầu 2 nghị luận xã hội về cách ứng xử, không muốn ai nổi bật hơn mình, và về sự ganh ghét. “Trong bài làm, em thể hiện quan điểm, đừng nên ganh ghét mà hãy nên học hỏi những người xung quanh”, Minh Huân chia sẻ.

Tương tự, thí sinh Trương Quang Hưng, THCS Huỳnh Khương Ninh cũng thích câu nghị luận xã hội bởi thông qua hình ảnh những cái cây để nói về cách ứng xử với mọi người. Quang Hưng cũng tự tin mình làm được khoảng 7 điểm môn văn.

Cách ra đề lặp lại

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đánh giá: Đề thi Văn của học sinh Hà Nội vừa sức với học trò, các yêu cầu khá rõ, quen thuộc, không đánh đố. Đó là, cấu trúc đề hai phần kết hợp đọc hiểu với nghị luận xã hội và nghị luận văn học; Kiểu dạng câu hỏi về kiến thức văn học, tiếng Việt, cuộc sống xã hội quen thuộc. Hầu như đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm nay không làm khó thí sinh.

Tuy nhiên, theo TS Trịnh Thu Tuyết thì đề còn một vài chi tiết có thể lưu ý thêm về diễn đạt câu chữ hoặc diễn đạt ý cho sáng và chuẩn mực hơn. Ví dụ: Ý 2 của câu 2 phần I: “Cũng trong khổ thơ này, các từ “bỗng” và “hình như” giúp em hiểu gì về cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ?”, có lẽ nên thay hai từ “cảm xúc, tâm trạng” bằng” tâm trạng và cách cảm nhận” sẽ phù hợp hơn. Bởi “hình như” không hướng tới thể hiện tâm trạng, cảm xúc mà là cách cảm nhận thế giới xung quanh phút giao mùa. Hoặc phần II, câu lệnh chung cho phần đọc hiểu nên bỏ bớt cụm từ “bên dưới”. Câu hỏi 1 nên thay “hai câu văn in nghiêng ở trên” bằng “hai câu văn in nghiêng trong đoạn trích” để đảm bảo tính chuẩn mực của phong cách khoa học. Thêm từ “những” cho lệnh “chỉ rõ từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết”.

“Câu 3 viết đoạn văn nghị luận xã hội, diễn đạt vấn đề nghị luận chưa sáng. Hơn thế nữa, câu lệnh “trình bày suy nghĩ về ý kiến là câu lệnh, hướng tới yêu cầu luận về toàn bộ vấn đề. Đó là yêu cầu phù hợp với một bài văn hơn là một đoạn văn vốn chỉ nghị luận về một bình diện của vấn đề”, TS Trịnh Thu Tuyết phân tích.

Đánh giá chung về đề thi Ngữ văn ở Hà Nội, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng: Nhìn tổng thể, đề tuyển sinh vừa sức học trò. Nhưng sự lặp lại kiểu dạng, cấu trúc và nội dung kiến thức sẽ ít nhiều tạo ra tâm lý học văn theo mẫu, theo công thức, giảm bớt hứng thú cho học trò khi làm bài. Riêng đoạn văn nghị luận xã hội cần thống nhất lại yêu cầu nghị luận trong câu lệnh, và sau này, trong đáp án chấm để các trò hiểu yêu cầu viết đoạn văn, phân biệt với bài văn thu nhỏ, làm nền tảng cho ôn luyện thi THPT quốc gia sau này.

Đánh giá về đề thi Ngữ văn của TP Hồ Chí Minh, cô Lê Thị Thanh Huyền, Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình cho rằng: “Nhìn chung nội dung đề thi nằm trong phần ôn tập và cách ra đề cũng tương tự với năm trước. Cụ thể, phần đọc hiểu, cấu trúc đề gần với dạng của đề thi năm 2018. Kiến thức cơ bản, học sinh ôn tập kỹ về phép liên kết, trọng tâm hướng đến việc đọc và nắm dược nội dung. Câu a,b học sinh sẽ lấy đủ điểm. Câu C học sinh nhanh nhẹn phát hiện, chú ý cách trình bày rõ ý. Câu về nội dung thử thách, sẵn sàng tham gia vào các thách thức của cuộc đời, thách thức chính bản thân mình, tự mình thử thách chính mình mà không cần có ai đánh giá... là nội dung hay”.

“Phần tạo lập văn bản: Câu 2, đề nghị luận xã hội, có cách ra đề tương tự của năm trước với dạng nhìn hình ảnh đưa ra thông điệp, cách sống, cách ứng xử, yêu cầu thí sinh chọn cách ứng xử để thực hiện bài nghị luận xã hội. Đây là câu hỏi hay, mang tính tích cực, giúp học sinh có những lựa chọn khác nhau theo quan điểm cá nhân. Đề mở tạo sự thông thoáng trong suy nghĩ, nhận định đánh giá về cuộc sống con người, yếu tố mở trong đề thi văn như vậy rất đáng hoan nghênh. Đa số học sinh đã được chuẩn bị, ôn kỹ các kỹ năng để làm bài. Theo đó, khi làm bài, học sinh thực hành tốt các kỹ năng thì sẽ có được một bài nghị luận sáng nghĩa, đầy đủ ý”, cô Lê Thị Thanh Huyền nói.

Cô Lê Thị Thanh Huyền cũng phân tích: Đối với câu 3: Đề 1 về tình cảm cha con trong Chiếc lược ngà nếu ôn kỹ, học sinh chọn làm đề này sẽ làm tốt, biết cách làm. Có thể liên hệ đề tài trong tác phẩm Bếp lửa, Nói với con. Đề 2, thuộc lý luận văn học nhưng cũng đã được ôn tập vì tương tự nội dung các năm trước.

Chiều 2/6, thí sinh ở Hà Nội làm bài với môn Toán, còn thí sinh ở TP Hồ Chí Minh làm bài với môn Ngoại ngữ.

Nhóm PV Báo Tin Tức
Hơn 80.000 học sinh TP Hồ Chí Minh ‘hồi hộp’ bước vào kỳ thi lớp 10
Hơn 80.000 học sinh TP Hồ Chí Minh ‘hồi hộp’ bước vào kỳ thi lớp 10

Sáng 2/6, tại TP Hồ Chí Minh có 80.237 thí sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 – 2020 với môn thi đầu tiên ngữ văn. Ngày thi đầu tiên diễn ra vào cuối tuần nên giao thông tại TP Hồ Chí Minh thông thoáng và không diễn ra tình trạng kẹt xe tại trước các điểm thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN