Trong khi nhiều nơi còn vướng đủ mọi loại cơ chế cản trở việc trải thảm đỏ đón nhân tài như mong muốn của Chính phủ, thì TP Hà Nội là một trong những địa bàn có nhiều chính sách trọng dụng nhân tài, thu hút tốt các thủ khoa.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thành đoàn Hà Nội cho biết: “Hàng năm, Thành đoàn Hà Nội là một trong những đơn vị tham gia tổ chức vinh danh cho các thủ khoa trên địa bàn Hà Nội”.
Trao đổi về trường hợp bạn thủ khoa năm 2016 về nhà bán hàng nuôi lợn xảy ra tại Hà Giang, ông Tiến cho biết, việc này phụ thuộc vào cơ chế tuyển dụng của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thủ khoa còn phụ thuộc khả năng phát huy của chính người được tuyển dụng, việc bố trí cán bộ tại các vị trí công tác phù hợp với năng lực...
Cũng đồng ý kiến với ông Tiến, một chuyên gia giáo dục không đồng tình với việc các thủ khoa quá tự tin với tấm bằng đỏ chuyên ngành mà thiếu đi sự trau dồi bản thân và tích lũy kiến thức ở nhiều môn học khác.
Theo chuyên gia này, với kiến thức được đào tạo trong các trường đại học nặng về lý thuyết như hiện nay, các cử nhân chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu công việc ở mức cho người mới ra trường tức là ở 1 - 2 năm đầu. Sau đó, để làm việc lâu dài và có những bước phát triển trong công việc, họ thiếu rất nhiều kiến thức, đặc biệt là khả năng xây dựng ý tưởng, kỹ năng làm việc nhóm.
Như vậy, có thể thấy tâm lý thụ động và quá tự tin vào bản thân, cho rằng mình phải được hưởng cơ chế đặc biệt hay công việc hoàn toàn phù hợp với tấm bằng đã và đang làm hạn chế khả năng thích ứng của các thủ khoa.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú đã chia sẻ góc nhìn về câu chuyện thủ khoa ĐH Sư phạm 2 phải ở nhà nuôi lợn: “Tôi cho rằng Hà và các cử nhân thất nghiệp như Hà rất cần bỏ đi ý nghĩ mình là một viên ngọc quý cất trong két, mà hãy trở thành chiếc cuốc dựng ngoài vườn”.
Rời sách vở, thủ khoa vươn mình khẳng định thực tài Không vùi đầu vào sách vở, nhiều thủ khoa đã tự hoàn thiện mình bằng những bài học vô giá từ cuộc sống. Với những nhân tài như vậy, sự cứng nhắc của cơ chế tuyển dụng có lẽ đã không ảnh hưởng đến họ.
“Chúng ta cần tạo được những thể chế thông thoáng về trọng dụng nhân tài cho đất nước trong mọi tầng lớp xã hội, nhất là đối với kiều bào ở nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, của đồng chí, đồng bào về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và về phát triển khoa học công nghệ nói riêng để cùng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.” - Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ công bố “Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam 2017” ngày 28/8/2017. |
Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh (Admin của Diễn đàn Bác sĩ Nội trú) chọn con đường trở thành bác sĩ nội trú, sau đó được trường giữ lại làm giảng viên Bộ môn Tim Mạch, trường Đại học Y Hà Nội. Là thủ khoa đầu vào năm 2000 đồng thời là thủ khoa đầu ra năm 2006, bác sĩ Linh không ngừng trau dồi kiến thức đồng thời nghiên cứu sâu vào chuyên ngành của mình. Anh hiện là một trong những chuyên gia đầu ngành về can thiệp tim mạch trong khu vực làm việc tại Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam.
Anh Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS, thuộc Tập đoàn FPT), vốn là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Anh từng đậu thủ khoa 2 trường ĐH danh tiếng là Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Luật TP Hồ Chí Minh vào năm 1991.
Năm thứ 3, khi bộ môn Công nghệ thông tin tách ra thành khoa riêng biệt tại Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, anh Tuấn lập tức nhận thấy đây mới chính là niềm đam mê thực sự của mình và trở thành lứa sinh viên đầu tiên của Khoa. Cũng trong thời gian này, anh Tuấn bắt đầu công cuộc “đi làm thêm” và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến anh chỉ tốt nghiệp loại trung bình khá nhưng mau chóng thu được kinh nghiệm để trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, đánh giá: Đứng ở góc độ thị trường lao động, thì những người giỏi, nhất là thủ khoa, xin việc rất tự tin. Qua các phiên giao dịch việc làm và thị trường tuyển dụng lao động, với những em có thực tài thì khá năng động, thậm chí doanh nghiệp sẵn sàng mời đến làm việc.
“Thị trường lao động Việt Nam hiện nay rất mở, tạo mọi cơ hội tiếp cận với người lao động, kênh thông tin việc làm từ sàn giao dịch việc làm đến trang tuyển dụng. Cách tiếp cận việc làm đa dạng không như ngày trước, vấn đề là người lao động thích ứng như thế nào, có làm đúng ngành đúng nghề”, ông Thành nhận xét. Nhân tài có lẽ chẳng phải là một người cầm tấm bằng đỏ mà từ những khả năng hiện có, có thể tự phát triển để trở thành người tài thực sự trong xã hội chứ không thụ động chờ cơ hội.