10:06 27/10/2017

Để không lãng phí nhân tài

Thông tin về trường hợp em Bùi Thị Hà ở thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) - Thủ khoa Sư phạm Văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phải “ở nhà nuôi lợn” hơn 1 năm qua đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một lần nữa, nhiều người đặt nhiều câu hỏi về chế độ đãi ngộ nhân tài của địa phương.

Nhân tài vẫn chờ biên chế?

Thủ khoa là nhân tài. Họ là những người làm việc vất vả nhất, nỗ lực nhất và cũng là thành công nhất trong lĩnh vực học tập của mình. Họ có khi phải vượt qua hoàn cảnh cá nhân, sự khó khăn trong cuộc sống mà vươn lên. Có thể tìm thấy rất dễ dàng trên mặt báo các gương thủ khoa vượt nghèo, vượt hoàn cảnh gia đình đầy khó khăn để vươn lên học giỏi.

Chế độ đãi ngộ nhân tài ở nhiều địa phương vẫn chưa được chú trọng.

Chính vì lẽ đó, khi họ kết thúc 4 - 5 năm học mà có khi là nhiều hơn thế nữa trên ghế giảng đường đại học, trở về với mong muốn đóng góp cho quê hương bằng tấm bằng đỏ như trường hợp của em thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (năm học 2015 - 2016) Bùi Thị Hà thì lại gặp nhiều rào cản. Giấc mơ tan vỡ của người giỏi khiến xã hội không khỏi xót xa về sự lãng phí nhân tài.

Với Bùi Thị Hà sau khi tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, Hà là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), một sự kiện thường niên do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức trở về xây dựng quê hương. 

Hà chủ động gửi thư cho lãnh đạo tỉnh đề xuất nguyện vọng muốn được làm việc ở Hà Giang để cống hiến cho tỉnh nhà. Em nhận được lời hứa rằng trường hợp này sẽ được tạo điều kiện ưu tiên đặc biệt và chờ đợi trong suốt hơn 1 năm vẫn được thông báo là chưa có đợt thi tuyển biên chế vào một trường công lập. Ước mơ còn dang dở, Hà đành ở nhà giúp mẹ nuôi lợn, bán hoa quả kiếm sống.

Trường hợp của Bùi Thị Hà chỉ là 1 trong số hơn 200.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp năm 2017 (theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Đó là chỉ tính số cử nhân, thạc sĩ chưa có việc làm, chưa kể số lượng các sinh viên ra trường buộc phải làm trái ngành, trái nghề. 

Theo số liệu Bộ GD - ĐT công bố tháng 1/2017, cả nước hiện thừa hơn 26.700 giáo viên. Tại hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo giáo viên (tháng 5/2016), Bộ GD - ĐT dự tính đến năm 2020, Việt Nam thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm.


Cũng theo Bộ GD - ĐT, năm 2017 các trường đào tạo giáo viên bao gồm cả trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển mới hơn 55.600 chỉ tiêu. Việc xác định chỉ tiêu đào tạo dường như tách biệt với nhu cầu nhân lực.


Trong cuộc chạy đua tìm chỗ làm ưng ý của hàng trăm ngàn cử nhân trên cả nước, việc Bùi Thị Hà bị rớt lại cũng không phải là quá xa lạ khi thị trường tuyển dụng còn cần nhiều hơn một tấm bằng.

Năm 2015, dư luận cũng xôn xao về trường hợp em Chu Thị Yến (SN 1993, ở Bắc Giang) - Thủ khoa cả "đầu vào" và "đầu ra" Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Giao thông Vận tải. Sau nhiều tháng gửi hồ sơ xin việc đi gần chục nơi mà không có kết quả, Yến về quê làm lao động phổ thông giúp đỡ bố mẹ.

Năm 2013, thủ khoa đầu ra trường Đại học Giao thông Vận tải Lê Văn Ngọ cũng không tìm được việc làm, đã phải nuôi sống bản thân bằng các công việc chân tay với mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng...

Nhân tài có thực tài?

Trong khi nhiều nơi còn vướng đủ mọi loại cơ chế cản trở việc trải thảm đỏ đón nhân tài như mong muốn của Chính phủ, thì TP Hà Nội là một trong những địa bàn có nhiều chính sách trọng dụng nhân tài, thu hút tốt các thủ khoa.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thành đoàn Hà Nội cho biết: “Hàng năm, Thành đoàn Hà Nội là một trong những đơn vị tham gia tổ chức vinh danh cho các thủ khoa trên địa bàn Hà Nội”.

Trao đổi về trường hợp bạn thủ khoa năm 2016 về nhà bán hàng nuôi lợn xảy ra tại Hà Giang, ông Tiến cho biết, việc này phụ thuộc vào cơ chế tuyển dụng của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thủ khoa còn phụ thuộc khả năng phát huy của chính người được tuyển dụng, việc bố trí cán bộ tại các vị trí công tác phù hợp với năng lực... 

Cũng đồng ý kiến với ông Tiến, một chuyên gia giáo dục không đồng tình với việc các thủ khoa quá tự tin với tấm bằng đỏ chuyên ngành mà thiếu đi sự trau dồi bản thân và tích lũy kiến thức ở nhiều môn học khác.  

Theo chuyên gia này, với kiến thức được đào tạo trong các trường đại học nặng về lý thuyết như hiện nay, các cử nhân chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu công việc ở mức cho người mới ra trường tức là ở 1 - 2 năm đầu. Sau đó, để làm việc lâu dài và có những bước phát triển trong công việc, họ thiếu rất nhiều kiến thức, đặc biệt là khả năng xây dựng ý tưởng, kỹ năng làm việc nhóm.

Như vậy, có thể thấy tâm lý thụ động và quá tự tin vào bản thân, cho rằng mình phải được hưởng cơ chế đặc biệt hay công việc hoàn toàn phù hợp với tấm bằng đã và đang làm hạn chế khả năng thích ứng của các thủ khoa.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú đã chia sẻ góc nhìn về câu chuyện thủ khoa ĐH Sư phạm 2 phải ở nhà nuôi lợn: “Tôi cho rằng Hà và các cử nhân thất nghiệp như Hà rất cần bỏ đi ý nghĩ mình là một viên ngọc quý cất trong két, mà hãy trở thành chiếc cuốc dựng ngoài vườn”.

Rời sách vở, thủ khoa vươn mình khẳng định thực tài

Không vùi đầu vào sách vở, nhiều thủ khoa đã tự hoàn thiện mình bằng những bài học vô giá từ cuộc sống. Với những nhân tài như vậy, sự cứng nhắc của cơ chế tuyển dụng có lẽ đã không ảnh hưởng đến họ.

“Chúng ta cần tạo được những thể chế thông thoáng về trọng dụng nhân tài cho đất nước trong mọi tầng lớp xã hội, nhất là đối với kiều bào ở nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, của đồng chí, đồng bào về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và về phát triển khoa học công nghệ nói riêng để cùng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.” - Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ công bố “Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam 2017” ngày 28/8/2017.


Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh (Admin của Diễn đàn Bác sĩ Nội trú) chọn con đường trở thành bác sĩ nội trú, sau đó được trường giữ lại làm giảng viên Bộ môn Tim Mạch, trường Đại học Y Hà Nội. Là thủ khoa đầu vào năm 2000 đồng thời là thủ khoa đầu ra năm 2006, bác sĩ Linh không ngừng trau dồi kiến thức đồng thời nghiên cứu sâu vào chuyên ngành của mình. Anh hiện là một trong những chuyên gia đầu ngành về can thiệp tim mạch trong khu vực làm việc tại Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam.

Anh Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS, thuộc Tập đoàn FPT), vốn là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Anh từng đậu thủ khoa 2 trường ĐH danh tiếng là Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Luật TP Hồ Chí Minh vào năm 1991. 

Năm thứ 3, khi bộ môn Công nghệ thông tin tách ra thành khoa riêng biệt tại Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, anh Tuấn lập tức nhận thấy đây mới chính là niềm đam mê thực sự của mình và trở thành lứa sinh viên đầu tiên của Khoa. Cũng trong thời gian này, anh Tuấn bắt đầu công cuộc “đi làm thêm” và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến anh chỉ tốt nghiệp loại trung bình khá nhưng mau chóng thu được kinh nghiệm để trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, đánh giá: Đứng ở góc độ thị trường lao động, thì những người giỏi, nhất là thủ khoa, xin việc rất tự tin. Qua các phiên giao dịch việc làm và thị trường tuyển dụng lao động, với những em có thực tài thì khá năng động, thậm chí doanh nghiệp sẵn sàng mời đến làm việc.

“Thị trường lao động Việt Nam hiện nay rất mở, tạo mọi cơ hội tiếp cận với người lao động, kênh thông tin việc làm từ sàn giao dịch việc làm đến trang tuyển dụng. Cách tiếp cận việc làm đa dạng không như ngày trước, vấn đề là người lao động thích ứng như thế nào, có làm đúng ngành đúng nghề”, ông Thành nhận xét. Nhân tài có lẽ chẳng phải là một người cầm tấm bằng đỏ mà từ những khả năng hiện có, có thể tự phát triển để trở thành người tài thực sự trong xã hội chứ không thụ động chờ cơ hội.

Lê Sơn - Xuân Cường/Báo Tin Tức