Dễ học những điều không tốt, suy nghĩ sai lệch từ thông tin trên mạng xã hội

Một trong những vấn đề được nhiều học sinh quan tâm trong buổi "Gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh với học sinh Thành phố" vào ngày 28/3 là hoạt động của các trang mạng xã hội và cách quản lý các trang này.

Với chủ đề “Học sinh Thành phố với văn hóa ứng xử học đường”, hơn 160 học sinh tiêu biểu các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố đã tham gia chia sẻ suy nghĩ của mình và tìm hiểu những giải pháp để nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong xã hội.


Tại buổi chia sẻ này, các học sinh đã thẳng thắn nhìn nhận chưa biết lựa chọn thông tin từ các trang mạng xã hội, dẫn đến đã học tập những điều không tốt từ trang này, thậm chí có suy nghĩ sai lệch.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những vấn đề học sinh đưa ra trong buổi gặp gỡ.

Em Nguyễn Nhật Tiến, Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý cũng cho rằng, mạng xã hội đã trở thành phần không thiếu để học sinh chia sẻ suy nghĩ, cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, từ mạng xã hội, nhiều bạn đã chia sẻ clip đánh nhau, chửi nhau hoặc đưa bình luận tục tĩu.


Theo em Đào Yến Hòa, Trường THPT Lê Quý Đôn, nhiều tệ nạn xã hội xuất phát từ mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu càng cấm thì học sinh càng muốn vào, vì vậy thay vì cấm có thể làm những đoạn phim ngắn về những hành động đẹp, cách ứng xử hay để mọi người cùng chia sẻ trên mạng xã hội.


“Để phát huy được mặt tích cực của mạng xã hội, theo em các giờ học môn giáo dục công dân, tin học, tiết học kỹ năng sống, cần giáo dục học sinh cách dùng mạng xã hội một cách hiệu quả nhất, giúp học sinh có nhận thức đúng để đưa những thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội nhưng không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh”, em Nguyễn Nhật Tiến chia sẻ.

Sử dụng mạng xã hội như thế nào là một trong những vấn đề được học sinh đưa ra thảo luận nhiều nhất.

Song song đó, những bất cập trong việc giao tiếp ứng xử tại trường học và vấn đề bạo lực học cũng được học sinh đưa ra thảo luận tại buổi gặp gỡ này. Em Ngô Mỹ Uyên, Trường THPT Phú Nhuận lo lắng, bạo lực học đường hiện nay không chỉ dừng lại việc đánh nhau mà có còn tình trạng nhóm học sinh tập trung nhục mạ “hội đồng” một bạn, khiến người bị nhục mạ bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, thậm chí là cùng quẫn.


Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, cơ quan chức năng đã làm hết sức để loại bỏ bớt những thông tin xấu từ mạng xã hội, tuy nhiên không thể ngăn chặn hết các thông tin tiêu cực. Do đó, các trường trực thuộc ngành giáo dục thành phố tổ chức tập huấn cách sử dụng trang mạng xã hội và định hướng học sinh chọn lọc thông tin hữu tích từ trang này. Lãnh đạo, giáo viên các trường chủ động kết nối với học sinh trên mạng xã hội để cùng nắm bắt, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của học sinh.


Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh cần sự kết hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động các phòng tư vấn tâm lý trong trường học để học sinh thật sự tin tưởng đến chia sẻ những tâm tư của mình. Nhà trường cũng phải mạnh dạn hơn trong giáo dục giới tính cho học sinh; đưa môi trường học trở thành nơi giáo dục học sinh biết yêu thương nhau hơn.


Đan Phương/ Báo Tin Tức
Bảo đảm kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học gọn nhẹ, hiệu quả
Bảo đảm kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học gọn nhẹ, hiệu quả

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 10/CT-TTg yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN