Phòng học ngoại ngữ của trường THCS Đống Đa. Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN |
Học ngoại ngữ là nhu cầu tất yếu của toàn xã hội, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay.
Song, chiếu theo chỉ tiêu số lượng giáo viên mà đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” đưa ra, các trường công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn nhân lực giảng dạy ngoại ngữ. Thừa “thợ”, thiếu “thầy” trong đào tạo chính là bài toán ngược đang đặt ra với ngành giáo dục Hà Nội.
Thừa "thợ", thiếu "thầy"
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, đội ngũ giáo viên ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực giao tiếp. Chỉ xét riêng cấp tiểu học, hiện nay định mức chung tỷ lệ là 1,5 giáo viên/lớp, chia ra 1,2 giáo viên cơ bản/lớp, còn lại là các môn chuyên biệt, tự chọn (gồm tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục).
Với chỉ tiêu như vậy, mỗi trường tiểu học theo định biên có 1 giáo viên biên chế với định mức dạy 23 tiết/tuần. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay mỗi giáo viên ngoại ngữ cấp tiểu học phải dạy 40 tiết/tuần. Đối chiếu với mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong Đề án là 100% học sinh tiểu học được học đủ 4 tiết/tuần, có thể thấy, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Thiếu giáo viên chính là một trong những khó khăn trong việc triển khai chương trình liên kết với các trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, ngay cả khi các trường đã triển khai được chương trình liên kết, số lượng giáo viên nước ngoài từ các trung tâm ngoại ngữ đối tác cũng không ổn định.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm cho biết, trong quá trình phối hợp đào tạo, đôi khi lịch học các lớp bị xáo trộn do giáo viên nước ngoài nghỉ ốm vì chưa thích nghi được với khí hậu Việt Nam. Đặc biệt, dịp Giáng sinh và Tết dương lịch là thời gian có sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo, dẫn đến có buổi trung tâm phải cử giáo viên khác đến dạy thay hoặc thu xếp dạy bù sau. Điều này khiến học sinh bị lúng túng và mất thời gian làm quen với giáo viên mới.
Trong khi đó, về phía phòng giáo dục và đào tạo các quận huyện, nhất là các nơi có nhiều trung tâm liên kết cùng hoạt động, số chuyên viên giám sát, đánh giá cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Quận Hoàn Kiếm có gần 15.000 học sinh tại 25/39 trường công lập thực hiện liên kết giảng dạy ngoại ngữ với 9 trung tâm thuộc 3 bộ môn: tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận mới bố trí được 1 chuyên viên có chuyên môn nên việc giám sát, dự giờ kiểm tra, đánh giá thường xuyên gặp khó khăn.
Từng bước giải quyết
Từ những khó khăn, hạn chế thực tế trong công tác đào tạo ngoại ngữ liên kết, UBND các quận, huyện đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng định mức giáo viên ngoại ngữ đủ để đáp ứng yêu cầu của Đề án 2020, đảm bảo cho học sinh tiểu học được học ngoại ngữ với thời lượng 4 tiết/tuần. Bên cạnh đó phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải pháp để sớm cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài trước mỗi năm học và có giá trị 2 năm đúng giấy phép liên kết của Sở Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo sự ổn định và yên tâm cho giáo viên khi tham gia giảng dạy tại các nhà trường.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, sau quá trình làm việc trực tiếp với các trường và các phòng giáo dục, Sở cũng đã đồng tình với các đơn vị, đề xuất HĐND và UBND thành phố ngoài việc cho phép các trường mầm non và phổ thông tiếp tục tổ chức liên kết dạy và học ngoại ngữ trên tinh thần tự nguyện của học sinh và cha mẹ thì nên xem xét tăng chỉ tiêu biên chế viên chức giáo viên ngoại ngữ trong các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Tiếp thu những ý kiến kiến nghị của các trường, phòng giáo dục, UBND các địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội của HĐND thành phố khẳng định, Ban Văn hóa – Xã hội có cùng tiếng nói với các địa phương về những khó khăn, hạn chế mà các trường đang gặp phải. Trong thời gian sớm nhất, Ban sẽ có ý kiến đề xuất với UBND thành phố tăng biên chế giáo viên tiếng Anh cho các trường tiểu học để đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ thiết thực đã đề ra.
Với nỗ lực không ngừng của toàn thành phố, chất lượng đào tạo ngoại ngữ ở Hà Nội đang có sự chuyển biến rõ rệt. Những khó khăn đang gặp là thử thách mà ngành giáo dục phải tìm cách vượt qua, góp phần nâng cao trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của học sinh Thủ đô.