Năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành ra Kế hoạch về nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”.
Theo đó, mô hình liên kết đào tạo giữa các trường công lập với các trung tâm ngoại ngữ là điểm mới, thể hiện rõ nỗ lực cải thiện trình độ ngoại ngữ cho học sinh Thủ đô.
Qua thời gian đầu triển khai, mô hình này đã thể hiện nhiều ưu điểm cũng như bộc lộ những hạn chế, cần có phương án điều chỉnh kịp thời.
Các thí sinh tham gia trò chơi đoán chữ, đoán hình, nghe - nói bằng tiếng Anh trong cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học Thành phố Hà Nội lần thứ 7. Ảnh: Đình Trân/TTXVN |
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi có mặt bằng dân trí cao và có điều kiện tốt để học ngoại ngữ phục vụ mục tiêu tham gia thị trường lao động và hội nhập quốc tế, kiến tạo nên các giá trị trong tương lai. Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và hoàn thành các chỉ tiêu, Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mô hình liên kết giảng dạy ngoại ngữ giữa các trường công lập của Hà Nội với các trung tâm ngoại ngữ đã mang lại những kết quả khả quan bước đầu.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, hiện nay, các bậc phụ huynh Thủ đô có nhu cầu cho con học chương trình ngoại ngữ liên kết rất cao bởi đa phần các chương trình này đều có mức chi phí hợp lý, tiết kiệm thời gian, cha mẹ không phải đưa con đến các trung tâm ngoại ngữ ngoài nhà trường mà không có sự quản lý chặt chẽ về chuyên môn và chất lượng dạy và học. Đặc biệt, nhiều phụ huynh học sinh mong muốn cho con được học ngoại ngữ ngay từ bậc mầm non, tiểu học để các con sớm làm quen với ngôn ngữ quốc tế.
Nhu cầu lớn nhưng thực tế hiện nay, tại Hà Nội, sĩ số lớp học ở khu vực nội thành quá đông ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ. Ở nhiều trường học, Ban Giám hiệu trường còn hạn chế về trình độ tiếng Anh, việc quản lý chủ yếu thông qua đội ngũ giáo viên trong biên chế. Không những thế, đội ngũ giáo viên còn thiếu rất nhiều và chất lượng giáo viên không đồng đều, dẫn đến khó khăn trong công tác giảng dạy.
Một điều đáng chú ý là thời lượng chương trình bổ trợ ngoại ngữ chỉ từ 1 đến 2 tiết/tuần, tập trung vào kỹ năng nghe, nói nên chưa đủ để phát triển toàn diện cho học sinh các kỹ năng khó như viết văn, viết luận ở cấp trung học, dẫn đến hệ quả việc phát triển kiến thức và kỹ năng ngoại ngữ của học sinh còn hạn chế.
Từ thực tiễn nêu trên, mô hình liên kết giữa các trường học và các trung tâm ngoại ngữ để dạy bổ trợ cho học sinh được xây dựng nhằm tạo môi trường ngoại ngữ sớm giúp học sinh phát triển toàn diện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Ưu điểm của mô hình dạy bổ trợ ngoại ngữ nằm ở chỗ, học sinh cấp mầm non và cấp tiểu học được phát triển tư duy ngôn ngữ và tiếp nhận ngoại ngữ ở giai đoạn lý tưởng nhất. Ngoài ra, chương trình sử dụng cùng hệ thống sách giáo khoa của Bộ kết hợp với tài liệu xây dựng theo chương trình chung, do vậy học sinh được học theo cùng chủ đề, chủ điểm phát triển đồng đều cả 4 kỹ năng.
Thí sinh thi kỹ năng viết tiếng Anh trong cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học Thành phố Hà Nội lần thứ 7. Ảnh: Đình Trân/TTXVN |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố đã có 38 trường THPT triển khai dạy học bổ trợ tiếng Anh, liên kết với 8 trung tâm ngoại ngữ; cấp THCS có 145 trường, liên kết với 21 trung tâm; cấp tiểu học có 652 trường, liên kết với 15 trung tâm và cấp mầm non có 215 trường, liên kết với 12 trung tâm.
Chương trình ngoại ngữ liên kết được triển khai đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc học tập ngoại ngữ, văn hoá, kỹ năng cho học sinh, các học sinh được học trực tiếp với giáo viên nước ngoài và tham gia các hoạt động ngoại khoá theo chủ đề. Nhờ đó, học sinh ngày càng tự tin trong giao tiếp, có phản xạ và tư duy bằng tiếng Anh.
Chương trình giảng dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường công lập không chỉ góp phần phát triển năng lực của học sinh mà còn tạo cơ hội để nâng cao năng lực, phương pháp, kỹ năng giảng dạy ngoại ngữ của giáo viên Việt Nam. Thông qua kênh hình, kênh tiếng chuẩn, sống động và các thiết bị hiện đại, giáo viên có thể triển khai các hoạt động giảng dạy mang tính trực quan cao, phù hợp với từng đối tượng học sinh đồng thời tăng cường tương tác với học sinh.
Khi có giáo viên nước ngoài làm việc tại các trường, giáo viên Việt Nam được giao tiếp, giao lưu, trao đổi để nâng cao năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng nghe – nói, đồng thời tiếp cận tìm hiểu sâu hơn về ngôn ngữ, văn hóa các nước có sử dụng tiếng Anh để bổ trợ vào giáo án của mình nhằm nâng cao hiệu quả các giờ dạy.
Kết quả sau triển khai liên kết đào tạo ngoại ngữ, học sinh Hà Nội đã có nhiều tiến bộ. Hàng năm, số giải ở các kỳ thi học sinh giỏi, thi Olympic tiếng Anh các cấp đều tăng, trình độ ngoại ngữ giáo viên và học sinh đều đạt và vượt chỉ tiêu. Mục tiêu của thành phố đến năm 2020, 100% giáo viên tiểu học đạt trình độ B1, 100% giáo viên THCS đạt trình độ B2, THPT đạt trình độ C1, 100% học sinh hết tiểu học đạt trình độ A1, 100% học sinh hết THCS đạt trình độ A2 và 100% học sinh hết THPT đạt trình độ B1.
Những kết quả đạt được đã phần nào cho thấy hướng đi, cách làm đúng đắn của ngành giáo dục Hà Nội trong dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên, để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, việc cải thiện trình độ ngoại ngữ cho thế hệ trẻ Thủ đô vẫn còn một chặng đường rất dài phải vượt qua.
(còn tiếp)