“Vênh” giữa bằng cấp và trình độ thựcTại hội nghị trực tuyến cả nước về kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực tế có độ vênh giữa trình độ thực của giáo viên với bằng cấp. Trong quá trình triển khai đề án, nhiều nơi đã đặt mục tiêu quá cao so với thực tiễn, dẫn đến không thực hiện được, không bám sát thực tế, làm lãng phí đầu tư, thể hiện rõ nhất trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2016 vừa qua. Trong điều kiện kinh phí khó khăn nhưng chương trình lại đầu tư không đúng, không hiệu quả sẽ tạo ra những bức xúc trong xã hội.
Học sinh trường Tiểu học Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trong một giờ học tiếng Anh. Ảnh: Nguyễn Quý Trung |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra rằng vấn đề mấu chốt để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là đội ngũ giáo viên nhưng thời gian qua họ chưa được đầu tư thỏa đáng khiến chất lượng dạy và học thấp. Việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường còn quá chú trọng hàn lâm.
Thực tế này được địa phương xác nhận. Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Ngãi cho biết, theo chỉ đạo của Bộ GD - ĐT trong những năm qua, Sở liên tục có những đợt rà soát chuyên môn của giáo viên tiếng Anh, qua đó phát hiện, năng lực giáo viên còn rất yếu ở tất cả các kỹ năng. Cộng thêm tâm lý ỉ lại, trông chờ vào các lớp bồi dưỡng do Sở và Bộ tổ chức mà không tự học, tự trau dồi kiến thức. Điều này làm chậm lộ trình mà đề án ngoại ngữ đặt ra. Thậm chí, nhiều trường đại học tổ chức bồi dưỡng qua loa cho giáo viên rồi cấp chứng chỉ ồ ạt.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng trăn trở về vấn đề đội ngũ giáo viên và đề xuất cần có sự đầu tư chọn lọc để nâng cao trình độ cho giáo viên. Nhìn từ phía cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, ông Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội đề xuất: Tôi cho rằng những nhóm luôn cầu thị với phương pháp đổi mới là những giáo viên có khoảng 5 - 10 năm kinh nghiệm. Hãy đầu tư cho họ để mang lại những hiểu quả thiết thực.
Tập trung đầu tư trọng tâmĐể nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ trong giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng năm tiếp theo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thực hiện 8 vấn đề trọng tâm. Đó là, rà soát lại các chuẩn giáo viên, giáo viên trường sư phạm ngoại ngữ. Các địa phương cần đối chiếu trình độ giáo viên hiện có với chuẩn để xây dựng cơ sở dữ liệu, làm căn cứ cho kế hoạch đào tạo bồi dưỡng. Các địa phương cần mạnh dạn mời, thu hút sinh viên, giáo viên bản ngữ.
“Năm học này, chúng ta phải tập trung vào việc rà soát, củng cố, nâng cao kỹ năng dạy ngoại ngữ của giáo viên. Các mục tiêu đề ra phải bám sát năng lực thực tế của giáo viên. Đặc biệt coi trọng công tác đào tạo lại”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Đề án ngoại ngữ phải chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ thực tế tại các địa phương chứ không chỉ nhấn mạnh tiếng Anh. Chương trình cũng không nên dàn trải, phân tán mà cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trong đó tiếng Anh là ưu tiên. Bậc học phổ thông, từ tiểu học đến THPT, bậc học giáo dục nghề nghiệp mạnh dạn thí điểm những môn học dùng được tiếng Anh, đặc biệt các môn khoa học tự nhiên. Đề án cần quan tâm đến đối tượng học sinh lớp 12 và công bố sớm dạng thức bài thi trắc nghiệm tiếng Anh để học sinh, thầy cô làm quen. Ban điều phối đề án cũng cần tăng cường giám sát chất lượng người học để tạo được chuẩn theo các khung năng lực.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu Ban quản lý đề án rà soát, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, thiết kế theo hướng thực tế và online, đưa tài liệu lên mạng cho mọi người có thể học mọi lúc, mọi nơi. Ban quản lý cũng cần lựa chọn sách giáo khoa, giáo trình từ nước ngoài để sử dụng cho phù hợp; tăng cường các video clip, học liệu hỗ trợ học tiếng Anh…; rà soát lại chương trình để thống nhất trong toàn quốc, giúp cho công tác khảo thí với chương trình, giảng dạy phù hợp, nhất quán.
“Tới đây, Bộ GD - ĐT sẽ xây dựng Trung tâm Khảo thí quốc gia và nhất là Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng giáo viên nhằm thống nhất chương trình, hướng đến chuẩn chung, tránh tình trạng mỗi tỉnh lại đào tạo, bồi dưỡng riêng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.