Đầu tư cho giáo dục mầm non chưa thỏa đáng

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm phát triển giáo dục mầm non, tổ chức ngày 22/4, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định, mặc dù mạng lưới trường lớp đã được củng cố và đã có những chuyển biến quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân chính do nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non chưa thỏa đáng.

Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, qua 10 năm phát triển giáo dục mầm non, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, phát triển. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới đều đạt và vượt chỉ tiêu theo Quyết định 230 của Chính phủ. Chương trình giáo dục mầm non mới được triển khai ở hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non. Đội ngũ giáo viên được tăng nhanh về số lượng và nâng cao về năng lực, trình độ. Ngành cũng thực hiện được mục tiêu đảm bảo hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền đều được đến lớp.

Đầu tư cho phát triển giáo dục mầm non chưa tương xứng với nhu cầu. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, thực tế giáo dục mầm non vẫn còn nhiều tồn tại. Ông Nguyễn Bá Minh cho biết: “Mạng lưới trường lớp còn bất cập như: Một số khu đô thị, khu công nghiệp chưa xây dựng được cơ sở mầm non, người lao động phải gửi con trong nhóm trẻ tư (không phép), không đảm bảo an toàn cho trẻ. Vẫn còn 233 xã chỉ có lớp mà chưa có trường mầm non. Vùng khó vẫn tồn tại nhiều điểm trường nhỏ, lẻ... Tỷ lệ phòng học kiên cố chỉ đạt 64,8%. Năng lực thực tế của giáo viên chưa tương thích với trình độ đào tạo...”.

Ông Nguyễn Bá Minh chỉ ra rằng, nguyên nhân khiến những vấn đề nổi cộm của giáo dục mầm non tồn tại chính là “Tỷ trọng đầu tư cho giáo dục mầm non chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển giáo dục mầm non”. Ông dẫn chứng nguồn vốn ODA cho giáo dục mầm non rất ít ỏi. Đến nay chưa có dự án đầu tư riêng để giải quyết các vấn đề trường lớp, cơ sở vật chất. Đặc biệt, chưa có nguồn lực hỗ trợ các trường sư phạm thực hiện đào tạo và đào tạo lại giáo viên theo yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục mầm non.
Đại diện một số sở GD-ĐT cho rằng, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ở các trường mầm non ngoài công lập không ổn định. Trình độ đào tạo không đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Chế độ lương, chính sách hỗ trợ cũng là một vấn đề: “Thu nhập của giáo viên chỉ vẻn vẹn từ 2,5 - 3 triệu/tháng, không đảm bảo cuộc sống nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trẻ”, đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, từ nay đến năm 2025, giáo dục mầm non cần phải tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết... hướng tới đạt trình độ trong khu vực. Ngành cũng cần củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 2 - 4 tuổi ở những địa phương có điều kiện.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, ngành giáo dục đã đề xuất Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016 - 2025; đề xuất bố trí nguồn lực tài chính nhằm hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non cho đội ngũ giáo viên mầm non; tiếp tục cân đối vốn để hoàn thành khối lượng kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2008 - 2012 và giai đoạn tiếp theo.
Lê Vân
Báo động về tình trạng căng thẳng của giáo viên mầm non
Báo động về tình trạng căng thẳng của giáo viên mầm non

Nhiều nghiên cứu mới đây đã chỉ ra tình trạng căng thẳng trong công việc của giáo viên mầm non đang rất đáng báo động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN