Áp lực từ nhiều phía
Theo TS Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh, giáo viên mầm non và bậc làm cha mẹ thường khó kiểm soát hành vi của bản thân khi trẻ liên tục quấy khóc, nghịch phá, la hét, không nghe lời, không chịu ăn… vì cảm thấy bất lực, không biết cách ứng xử, giải quyết. Tình trạng này lặp đi lặp lại, sẽ làm cho các đối tượng này khó kiểm soát cảm xúc. Đây chính là nguyên nhân phổ biến khiến việc bạo hành diễn ra.
“Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng đó là giáo viên mầm non phải hứng chịu những áp lực, chỉ trích từ phụ huynh, Ban giám hiệu; khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng tâm lý, bực bội, dẫn đến những hành vi như “giận cá chém thớt”, trút giận lên trẻ. Cuối cùng là giờ làm của giáo viên mầm non quá nhiều, công việc quá sức, trong khi tiền lương thấp, không có những chế độ đãi ngộ như tăng lương, giảm giờ làm. Đến nay, đa phần giáo viên mầm non chưa tìm ra cách ứng phó một cách khoa học với những căng thẳng này”, TS Nguyễn Thị Kim Anh cho biết.
Giáo viên mầm non phải chịu áp lực từ nhiều phía. |
Đồng quan điểm này, theo bà Vũ Tú Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non 10 - 10, quận Hoàng Mai, Hà Nội: “Giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực về thời gian, thu nhập. Đó là việc đi từ sáng sớm đến chiều muộn. Thời gian tập trung cho công việc dài mà thu nhập không cao, không có thời gian tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, tiếng ồn của trẻ đã ảnh hưởng đến thần kinh và tâm lý của người trực tiếp giáo dục trẻ. Từ phía phụ huynh, đa số luôn mong muốn làm theo ý mình và áp đặt lên giáo viên; mà thiếu sự chia sẻ khó khăn và đồng cảm”.
ThS Nguyễn Thị Mỹ Dung, khoa Giáo dục mầm non, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết thêm: “Trong một khảo sát mới nhất mà nhóm giảng viên trường thực hiện thì có tới 78% giáo viên cho rằng mức lương thưởng không hợp lý, cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi trang thiết bị không đáp ứng được yêu cầu công việc. Chế độ nghỉ ngơi chưa hợp lý là 54%. Có tới 52% cho rằng bầu không khí làm việc của nhà trường thiếu công bằng, 18% cho rằng thiếu sự chia sẻ của đồng nghiệp, 18% thiếu sự khuyến khích của Ban giám hiệu”.
Phổ biến “đánh trống ghi tên”
Căn nguyên những căng thẳng của giáo viên mầm non là từ đào tạo. TS Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, thực trạng bạo hành trẻ em xảy ra phổ biến như hiện nay đã phản ánh thực trạng chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non. “Điều này xuất phát từ việc ngành giáo dục đã không đặt yêu cầu cao với giáo dục mầm non. Có nhiều giáo viên đào tạo theo kiểu “đánh trống ghi tên”, thi là đậu hoặc không đủ điểm học ngành nào thì chọn ngành giáo viên mầm non vì không đóng học phí và dễ xin việc. Có những giáo viên dù đã qua trường lớp vẫn không yêu nghề hoặc không hiểu về nhân cách giáo viên.
Bên cạnh những nguyên nhân từ xã hội, trong trường học, bản thân lòng yêu nghề của giáo viên, thì vấn đề quản lý hiện nay cũng là kẽ hở lớn.
TS Nguyễn Tùng Tâm, Hội Tâm lý học Hà Nội cho biết: “Những vụ bạo hành thương tâm, tàn bạo lại xảy ra nhiều ở những nhóm lớp, cơ sở mầm non tư nhân. Những nhóm lớp tư thục này vì chạy theo lợi nhuận, không tuyển giáo viên kỹ càng và mức lương thấp, khiến họ không có động lực làm việc”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) thì quy định chủ nhóm trẻ chỉ cần học hết THPT và có chứng chỉ nghề học trong 3 tháng là khá dễ dãi. Vì như vậy, người không qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm cũng có thể làm quản lý. Do đó, khi làm việc, nhiều chủ cơ sở phó mặc cho giáo viên dạy trẻ dẫn đến nguy cơ trẻ dễ bị bạo hành.