Đào tạo tràn lan giáo viên mầm non

Năm qua, bên cạnh những thành quả đạt được trong giáo dục mầm non thì cũng xảy ra không ít vụ bạo hành trẻ nhỏ gây chấn động dư luận. Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra thì có nguyên nhân là từ kỹ năng xử lý tình huống và trình độ nghiệp vụ của giáo viên.

Nhìn lại quá trình thực hiện các nhiệm vụ bậc mầm non, trao đổi với báo Tin Tức, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD - ĐT cho biết: Chất lượng đào tạo giáo viên mầm non đang có vấn đề. Hiện nay, có nhiều trường không đào tạo sư phạm nhưng lại đào tạo trung cấp mầm non, ví dụ như Trung cấp bách nghệ. Việc cho phép quá nhiều nơi đào tạo giáo viên mầm non với thời gian ngắn đã dẫn đến chất lượng đào tạo không tốt. Bên cạnh đó, chương trình phát triển giáo dục mầm non có từ năm 2009, đến nay đã được 7 năm nhưng chưa có thêm chương trình nào mới để hỗ trợ cho bậc học này. Đó cũng là rào cản trong việc thực hiện rà soát, bồi dưỡng đội ngũ.

Việc trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội được cấp phép đào tạo ngành sư phạm mầm non ở Hà Nội trong thời gian 10 tháng cũng là một ví dụ điển hình cho tình trạng đào tạo tràn lan giáo viên mầm non. Do đó, Bộ GD - ĐT đang lên phương án để rà soát lại các trường đào tạo sư phạm mầm non. 

Giáo viên mầm non là một ngành học đặc thù bởi áp lực nghề nghiệp. Ảnh: TTXVN

Theo bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD - ĐT Đà Nẵng: “Trường mầm non ngoài công lập và nhóm lớp độc lập tư thục phát triển với tốc độ nhanh, tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp sở và phòng giáo dục trong công tác quản lý. Đơn cử, đội ngũ cộng tác viên phòng GD - ĐT quận huyện và xã, phường hạn chế về nhân lực, đa số làm công tác kiêm nhiệm. Việc giám sát, bồi dưỡng cho giáo viên vì vậy cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”. 

Theo ông Nguyễn Bá Minh, muốn đổi mới giáo dục mầm non theo hướng đặt trẻ làm trung tâm thì phải đổi mới đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Đặc biệt, có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường sư phạm, môi trường hoạt động sư phạm và chế độ chính sách cho giáo viên mầm non. 

“Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo đơn vị liên quan có giải pháp quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, thúc đẩy chất lượng đào tạo. Tất nhiên, trong đó có vấn đề bồi dưỡng, tập huấn, giáo viên, thúc đẩy nâng cao chuyên môn tại chỗ. Nhưng gốc của vấn đề vẫn là sự đổi mới từ các trường sư phạm”, ông Nguyễn Bá Minh cho biết. 

Tuy nhiên, xây dựng đề án này đòi hỏi không chỉ rà soát lại trường sư phạm mà còn phải đánh giá mặt bằng năng lực hiện tại của giáo viên mầm non. Một mặt đặt ra chuẩn yêu cầu đối với sinh viên sư phạm mầm non, mặt khác đặt ra chuẩn yêu cầu đối với giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục hiện nay. Khi đã có chuẩn sẽ tiến hành kênh rà soát đánh giá. Như vậy, sẽ đảm bảo được sự khách quan. 

Theo ông Nguyễn Bá Minh, trước mắt, Bộ GD - ĐT đang thực hiện nhiều động thái nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Như rà soát kiểm tra, đánh giá năng lực đào tạo cấp cơ sở giáo dục. Cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn về giáo viên và các điều kiện cơ sở vật chất thì sẽ đóng cửa. Đối với những cơ sở đào tạo sư phạm không chuyên, không hiệu quả sẽ chuyển đào tạo sang ngành nghề khác.

Thực tế, giáo viên mầm non là một ngành học đặc thù bởi những áp lực nghề nghiệp và xã hội mang lại. Trong khi đó, việc đầu tư chưa tương xứng, đặc biệt việc kiểm soát đào tạo ngành học này chưa được chú trọng. Do đó, đến nay, bậc học này vẫn đang chờ giải pháp trong phát triển chương trình mới, đề án quy hoạch lại mạng lưới mà ngành giáo dục đang xây dựng. 
Lê Vân
Hệ lụy bạo hành tinh thần trong trường mầm non - Bài I
Hệ lụy bạo hành tinh thần trong trường mầm non - Bài I

Bấy lâu nay, vì nhiều lý do mà một bộ phận giáo viên mầm non áp đặt trẻ vào các hoạt động trong lớp học bằng dọa nạt, cô lập. Các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, những hành động này sẽ làm trẻ luôn trong nỗi sợ hãi và được coi là những bạo hành về tinh thần. Những sang chấn tinh thần này lâu dần sẽ hình thành tính cách tiêu cực và có hệ lụy lâu dài. Đây không phải là cách dạy “lấy trẻ làm trung tâm ” mà ngành giáo dục đang hướng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN