Đào tạo sau đại học: Cần tăng cả lượng và chất

Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển của khu vực. Nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trường đại học, viện nghiên cứu ngày một tăng cao.

Chú thích ảnh
Sinh viên đại học Khoa Hóa – Sinh (Trường Đại học Tây Bắc) trong giờ thực hành môn Sinh học. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Tuy nhiên, việc đào tạo sau đại học trong những năm gần đây chịu tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố nên số lượng người tham gia học tập, nghiên cứu bậc sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong nước ngày càng giảm sút, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao trong tương lai. Thách thức này đòi hỏi những giải pháp đột phá, những động lực mới để nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo sau đại học tại Việt Nam.

Quy mô đào tạo sau đại học có xu hướng giảm sâu

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học của Việt Nam năm 2018 là 5,28%, trong đó tỷ lệ lao động có trình độ trên đại học rất thấp, dưới 0,6%. Số lượng học viên tốt nghiệp sau đại học so với đại học chỉ chiếm 11,86% (năm 2018, có 320.578 sinh viên tốt nghiệp đại học và 38.021 học viên tốt nghiệp sau đại học).

Trong khi đó, thu nhập của người lao động tăng khá theo trình độ: nếu thu nhập trung bình của người không có chuyên môn là 4,94 triệu đồng/tháng; cao đẳng là 6,22 triệu đồng/tháng thì người có trình độ đại học có thu nhập trung bình là 8,09 triệu đồng/tháng và trên đại học là 12,48 triệu đồng/tháng.

Thực tế hiện nay là Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Riêng trong môi trường đại học, để đạt được tỉ lệ 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ, Việt Nam cần thêm 17.000 tiến sĩ và cần ít nhất 6-7 năm nữa để đạt con số này.

Trong khi đó, quy mô tuyển sinh và đào tạo sau đại học có xu hướng giảm sâu những năm gần đây, đặc biệt là các trường khối khoa học - tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Quy mô tuyển sinh và đào tạo sau đại học của 15 trường top đầu khối khoa học – kỹ thuật chỉ dưới 10% quy mô toàn hệ thống và có xu hướng giảm sâu những năm gần đây, có trường chỉ xấp xỉ 7%.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: Những công việc đòi hỏi trình độ cao, kỹ năng cao ngày càng nhiều. Do vậy, mỗi người cần không ngừng học tập suốt đời, trong đó, môi trường đại học là môi trường quan trọng để hình thành kiến thức và kỹ năng nền tảng. Trên cơ sở đó, người học dễ dàng tiếp thu và làm quen với công việc. Song hiện nay, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp học chuyển tiếp sau đại học có xu hướng giảm dần.

Lý giải nguyên nhân càng ngày càng ít người lựa chọn học sau đại học, đặc biệt là sinh viên ngành kỹ thuật – công nghệ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn cho biết: Thứ nhất là do nhiều học viên có xu hướng chạy theo bằng cấp, không chú trọng đến trình độ, kỹ năng mình nhận được, trong khi đó, ngày càng có nhiều trường tham gia đào tạo sau đại học nên người học sẽ lựa chọn những trường học dễ hơn, không phải học tập vất vả. Thứ hai, với những người muốn học thực sự để nâng cao trình độ nhưng khi học sau đại học, họ không nhận được sự hỗ trợ nào để trang trải cuốc sống, áp lực này khiến sinh viên tốt nghiệp đại học lựa chọn đi làm ngay, thay vì học chuyển tiếp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, xã hội sẽ cần nguồn lực trình độ ngày càng cao, nếu chúng ta chỉ giữ số lượng như vậy, chắc chắn không đủ năng lực cạnh tranh với các nước. Do đó, muốn tăng chất lượng phải có sự đầu tư, trong đó có sự đầu tư của người học, xã hội và Nhà nước. Khi có sự đầu tư thích đáng cùng với việc đổi mới quản trị đại học, đổi mới việc dạy và học của các trường thì chất lượng đào tạo sẽ nâng lên. Từ đó, số lượng người học cũng sẽ tăng theo.  

Theo Phó Giáo sư Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đào tạo sau đại học là đào tạo một nghề khoa học thực sự, cần được sự hỗ trợ từ nhiều phía. Bởi học sau đại học không chỉ mang lại cho chúng ta kiến thức mà cả kinh nghiệm. Hiện nay, nhu cầu nhân lực về trình độ cao ngày càng tăng, đất nước cũng cần đội ngũ tri thức tinh hoa nhiều hơn để tham gia vào thị trường tri thức thế giới. Do vậy, vấn đề đào tạo sau đại học phải đặt ra một cách nghiêm túc.  

Có chính sách hỗ trợ người học

Giáo sư Vũ Hà Văn, giảng viên Đại học Yale (Mỹ), Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn của Tập đoàn Vingroup, nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Việt Nam, trước hết, cần phải thay đổi tư duy của trường đại học và người học. Với người học, lâu nay người Việt Nam vẫn quan niệm học vị tiến sĩ là một thứ bằng cấp để “tiến thân” hơn là để nâng cao trình độ. Tư duy này cần phải thay đổi.

Đối với trường đại học, đào tạo sau đại học tại Việt Nam chưa phải là việc làm toàn thời gian. Như ở Mỹ hay châu Âu, học sau đại học là một công việc, được trả lương và họ làm việc đó trong 3- 5 năm để đạt được bằng thạc sỹ hoặc tiến sĩ. 

Về giải pháp, theo Giáo sư Vũ Hà Văn, cần cho học viên thấy học sau đại học để làm gì, đạt được điều gì, đồng thời, làm thế nào để học viên có điều kiện kinh tế theo học toàn thời gian. Những doanh nghiệp lớn có thể tạo học bổng cho học viên hoặc cơ hội thực tập, làm việc tại các cơ sở cần trình độ cao.

Nhà nước cũng cần chính sách thúc đẩy đào tạo sau đại học, tạo điều kiện cho sinh viên học sau đại học. Ví dụ, một sinh viên giỏi khi ra trường, đứng giữa sự lựa chọn đi làm với mức lương 15-20 triệu và việc đi học sau đại học được Nhà nước hoặc doanh nghiệp cấp cho một mức học bổng thấp hơn nhưng tương lai hứa hẹn nhiều hơn thì người học có thể lựa chọn đi học sau đại học. Nhưng hiện nay, người học chỉ có lựa chọn đi làm để có lương hoặc đi học mà không được hỗ trợ, phải đóng học phí thì đương nhiên, nhiều sinh viên giỏi sẽ không lựa chọn học sau đại học.

Giáo sư Vũ Hà Văn cho biết: Ở các nước phát triển, doanh nghiệp thường tham gia vào việc đầu tư cho nghiên cứu vì họ cần nhiều nhân lực trình độ cao. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp có ý thức tham gia vào việc cải tiến xã hội. Có thể doanh nghiệp không cần nguồn nhân lực này nhưng vẫn đóng góp để hỗ trợ các trường đại học trong công cuộc đào tạo, việc làm này trở thành văn hóa của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự đóng góp của doanh nghiệp chỉ là một phần, phần quyết định thuộc về chính phủ. Ví dụ như Mỹ, mỗi năm Chính phủ chi 170-180 tỷ đô la cho nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ về chính sách thu hút học viên sau đại học, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn cho biết: Từ năm học này nhà trường đưa ra chính sách học bổng đối với những sinh viên học chuyển tiếp. Nếu học viên học chuyển tiếp sau đại học theo định hướng nghiên cứu, toàn thời gian, có bằng tốt nghiệp loại giỏi thì được cấp 100% học bổng; loại khá từ 2.8-3.2 điểm được cấp học bổng 50%.

Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho học viên tham gia các đề tài nghiên cứu và cấp học bổng riêng cho các đề tài đó; có chế độ trợ giảng cho các học viên giỏi để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Nhà trường cũng phấn đấu đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để có sự hỗ trợ của doanh nghiệp thông qua các đề tài nghiên cứu, dự án, hỗ trợ tốt hơn cho người học; thực hiện các bài toán theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Quỹ Đổi mới sáng tạo thuộc Tập đoàn Vingroup cũng giới thiệu chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước, hỗ sợ 100 suất học bổng cho học viên sau đại học. Trong đó, mức hỗ trợ với bậc học thạc sĩ là 120 triệu đồng và tiến sĩ là 150 triệu đồng.

Đề cập đến việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Các trường cần tập trung đào tạo đáp ứng yêu cầu thay đổi của thị trường lao động. Việc thiết kế chương trình đào tạo sau đại học, phương pháp tổ chức dạy học sẽ khác với bậc đại học. Chúng ta không thể thực hiện theo cách cũ, chỉ xây dựng chương trình giảng dạy trên lớp mà phải tạo ra môi trường trải nghiệm để học viên làm theo đồ án, dự án. Học viên được tham gia vào những dự án nghiên cứu, dự án khởi nghiệp sáng tạo và có sự hợp tác với doanh nghiệp để giải quyết các bài toán của thực tiễn. Từ đó, nhà trường giúp các học viên trở thành chuyên gia nghiên cứu phát triển.

Việt Hà (TTXVN)
Các trường đại học của Việt Nam, Campuchia hợp tác đào tạo nguồn nhân lực
Các trường đại học của Việt Nam, Campuchia hợp tác đào tạo nguồn nhân lực

Ngày 8/4, tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, Trường Đại học Kiên Giang đã ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác đào tạo và nghiên cứu với Trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh và Đại học Chea Sim Kamchaymear của Campuchia. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN