Phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào khmer:

Quan tâm đào tạo từ cấp học đầu tiên đến sau đại học

Nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia ngành giáo dục cho rằng cần có thêm nhiều chính sách ưu tiên giáo dục - đào tạo cho đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng để ngày càng hoàn thiện.

Ông Bạch Thanh Sang, Vụ Dân tộc - Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Còn bất cập trong liên thông đào tạo

Có 28 trường Phổ thông trung học nội trú được tổ chức tại 9 tỉnh và thành phố nhưng do cơ cấu bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông chưa hợp lý, nên sự liên thông trong công tác đào tạo của các trường gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trong tổng số 28 trường thì chỉ có 10 trường ở cấp Trung học phổ thông, vì vậy nhiều học sinh ở những huyện vùng sâu có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn sau khi học xong Phổ thông cơ sở ở trường nội trú huyện không có điều kiện tiếp tục học lên Phổ thông trung học vì do quá xa nhà nên phải bỏ học. Điều này cho thấy, đến nay chưa thực hiện được việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp các cấp học dẫn đến lãng phía nguồn lực.

Các em học sinh huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đến trường vào mùa lũ.


Để tháo gỡ vấn đề này, Chính phủ cần xem xét mở rộng hệ thống trường nội trú và tăng chỉ tiêu tuyển sinh đảm bảo cho con em dân tộc được đến trường. Đối với những nơi không đủ điều kiện mở trường và các em học sinh dân tộc Khmer phải học ở các trường phổ thông công lập thì đề nghị cần xem xét cho các em hưởng chính sách như học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Ông Võ Thanh Hùng, Vụ Xây dựng hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Đa dạng hóa các loại hình đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề

Mở rộng mạng lưới đào tạo sau phổ thông bằng việc đa dạng hóa các loại hình tổ chức đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề là một giải pháp tích cực. Bởi không thể quá kỳ vọng vào việc mở nhiều trường đại học cho các tỉnh trong vùng vì thực tế nguồn lực cần có cho “đúng chuẩn và chất lượng” đối với đào tạo đại học còn nhiều hạn chế, không thể khắc phục trong “ngày một, ngày hai” được. Nên tạo điều kiện và khuyến khích mở cao đẳng cộng đồng ở các tỉnh với sự hỗ trợ, liên thông đào tạo với các trường đại học trong vùng và TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo điều kiện để các trường đại học khác trong và ngoài nước, nhất là ở TP Hồ Chí Minh mở các phân hiệu đào tạo cho vùng ĐBSCL, trong đó có quy định tỷ lệ đào tạo cho con em dân tộc Khmer. Các phân hiệu này khi đủ điều kiện có thể bàn giao cho ĐBSCL. Trước mắt, cần mở thêm một số trường cao đẳng nghề dành riêng cho con em dân tộc Khmer trên địa bàn.

ThS. Kiều Anh Vũ, Khoa Kinh tế -Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh:Nâng cao hiệu quả hệ thống giáo dục của Phật giáo Nam Tông Khmer

Cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ và hệ thống các trường chùa. Trong thời gian qua, trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ chính là địa chỉ đầu tiên ở Nam Bộ đào tạo các sư sãi, thanh niên người Khmer, góp phần đáng kể vào nâng cao dân trí, cung cấp nguồn nhân lực cán bộ dân tộc cho các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ. Đồng thời, hệ thống các trường chùa cũng cần đầu tư xây dựng, tu bổ, bởi lẽ ngôi chùa có một vị trí rất quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer. Hệ thống các trường chùa là cơ sở giáo dục nền tảng của những tín đồ phật tử Khmer. Do vậy, chương trình giảng dạy trong hệ thống các trường chùa và trường bổ túc Pali Trung cấp Nam Bộ cần được hoàn thiện nhằm tạo nền kiến thức vững chắc cho các tăng sinh khi họ muốn theo học ở các cấp cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Đại học Tôn Đức Thắng: Cần có cơ chế đặc thù

Để hạn chế tình trạng trẻ em Khmer bỏ học vì khó khăn tiếp cận kiến thức do ngôn ngữ, nên chăng cần phải xây dựng chính sách đặc thù ngay từ cấp học đầu tiên. Từ lâu chúng ta chưa có chính sách nào đào tạo, kiểm tra chuẩn tiếng Việt cho những đối tượng này trước khi đến trường. Chính vì vậy, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc đưa trẻ đến trường ở cấp học đầu tiên còn gặp nhiều khó khăn.

Cần phải tổ chức dạy tiếng Việt và kiểm tra trình độ tiếng Việt cho con em đồng bào dân tộc trước khi tham gia cấp học đầu tiên và tạo sân chơi giao lưu cho con em các dân tộc với người Kinh để các em nâng cao khả năng ngôn ngữ tiếng Việt. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên giảng dạy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường dân tộc nội trú cũng cần phải ban hành quy chế đào tạo và tuyển dụng riêng. Thực tế hiện nay có nhiều giáo viên giảng dạy ở vùng dân tộc và trường dân tộc nội trú không phải là người dân tộc, không sinh sống ở vùng dân tộc. Từ đó dẫn đến khó khăn trong giao tiếp và truyền giảng kiến thức. Như vậy, đối với vùng đồng bào Khmer cần ban hành quy chế đặc thù về tuyển dụng giáo viên. Theo đó những giáo viên giảng dạy tại những trường, khu vực này nhất thiết phải thành thạo hai ngôn ngữ Việt - Khmer, đồng thời xây dựng chế độ chính sách đãi ngộ xứng đáng để họ yên tâm công tác lâu dài.

Về giáo dục song ngữ Việt - Khmer, chương trình học chữ Khmer còn nhiều bất cập. Số tiết giảng dạy còn quá ít, hoạt động ngoại khóa còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc giảng dạy chưa thống nhất, có nơi đưa vào từ lớp 1, có nơi lớp 2, lớp 3 và nội dung, giáo trình chậm đổi mới. Hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ mới ban hành bộ sách giáo khoa dạy tiếng Khmer ở bậc tiểu học, các cấp học cao hơn chưa có tài liệu, giáo trình. Để giải quyết tốt vấn đề này, cần phải ban hành khung chương trình chuẩn cho giáo viên dạy tiếng Khmer, biên tập tài liệu giáo trình thống nhất ở mỗi khối lớp học, cấp học và tăng số tiết giảng dạy. Ở những vùng đông đồng bào Khmer cần tổ chức lớp học song ngữ ngay từ cấp tiểu học.

Cô Tô Thị Thanh Thảo, Trường THPT Kiến Văn (Đồng Tháp): Bỏ học do chậm tiếp cận ngôn ngữ tiếng Việt

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy con em đồng bào Khmer thường bỏ học từ rất sớm. Có rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình trạng này, trong đó có lý do là học không nổi nên tự ý bỏ học. Lý do này cũng cần lưu tâm trong nghiên cứu về giáo dục. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến việc bỏ học của trẻ em người Khmer có liên quan đến ngôn ngữ. Không ít trẻ em người Khmer 3 - 5 tuổi không được cha mẹ đưa đi mẫu giáo. Đây là môi trường tốt để các em làm quen với ngôn ngữ tiếng Việt trong giáo dục và chuẩn bị tâm lý cho việc thi đua học tập… nhưng việc học này không được người Khmer trong vùng quan tâm. Đến tuổi vào lớp 1, do có sự vận động của Ban Mặt trận, Hội Phụ nữ, các vị sư…, trẻ em mới được đến trường. Chính vì thế, những đứa trẻ người Khmer sẽ không theo kịp sức học của trẻ em người Việt được học 3 năm chương trình mẫu giáo. Ngôn ngữ tiếng Việt được sử dụng ở trường học trở nên xa lạ đối với học sinh lớp 1 là người Khmer, làm cho các em khó tiếp thu được và dễ có nguy cơ trở thành những học sinh có học lực yếu kém ngay từ năm đầu cắp sách đến trường. Khi bước vào những lớp cao hơn, với học lực yếu hoặc trung bình sẽ làm cho các em cảm thấy mặc cảm, tự ti và càng lên lớp cao thì học lực càng xuống. Hệ quả sau cùng là các em bỏ học.

Em Trần Thanh Tuyền, học sinh lớp 12 trường PTDTNT Huỳnh Cương (Sóc Trăng): Phải giỏi ngôn ngữ dân tộc

Em nhận thấy việc sử dụng tiếng Việt ở trường nhiều hơn tiếng Khmer. Đối với học sinh người Việt thì không sử dụng tiếng Khmer là điều tất nhiên, nhưng các học sinh người Khmer cũng không thể sử dụng 100% ngôn ngữ của dân tộc mình để giao tiếp vì có nhiều nội dung cần phải sử dụng tiếng Việt mới có thể giao tiếp, trao đổi được. Nguyên nhân là một phần ngôn ngữ Khmer không có nhiều từ diễn đạt các từ trong sách giáo khoa như tiếng Việt và cũng do vốn từ Khmer của các học sinh Khmer cũng bị hạn chế. Em nghĩ, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia nhưng bản thân học sinh người Khmer cũng phải thật giỏi tiếng dân tộc mình để sau này học xong về lại quê hương sẽ phát huy tiếng nói của mình trong việc giúp cho quê hương mình phát triển tốt hơn.

Bạch Thanh Sang (Vụ Dân tộc - Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:)
Xứng tầm với trường chuẩn quốc gia
Xứng tầm với trường chuẩn quốc gia

Với bề dày hơn 22 năm, trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương - ngôi trường đào tạo đội ngũ học sinh con em đồng bào dân tộc ở tỉnh Sóc Trăng, luôn khẳng định mình bằng chất lượng vượt trội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN