Đào tạo “lệch pha” với doanh nghiệp

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao tại TP Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng qua các năm. Tuy nhiên, do mất cân đối cung - cầu và chất lượng sau đào tạo còn yếu nên nhân lực chất lượng cao của thành phố đang trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu.


Nhu cầu tăng nhanh


Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, thành phố đang đứng trước thực trạng thiếu nguồn lao động có trình độ chuyên môn ở hầu hết các ngành, bởi lao động qua đào tạo hiện nay chỉ chiếm khoảng 50 - 60%. Trong khi đó, vài năm trở lại đây, nguồn lao động có tay nghề, trình độ từ trung cấp trở lên được tuyển dụng nhiều, chiếm trên 50% nhu cầu.

 

Các ngành công nghệ cao của TP đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao (ảnh do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP cung cấp).

 

Trong đó, các ngành đòi hỏi công nghệ cao như công nghệ thông tin, điện, điện công nghiệp, điện lạnh, cơ khí, điện tử, viễn thông... thu hút khá nhiều lao động. Dự báo trong các năm tới, lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, lao động lành nghề sẽ đóng vai trò chủ đạo. Số liệu thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động cho thấy, nhu cầu nhân lực chất lượng cao qua đào tạo có xu hướng tăng qua các năm. Chẳng hạn: nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp từ 15% năm 2010 đã tăng lên 18% năm 2011 và lên 25% năm 2012; trình độ cao đẳng cũng tăng lần lượt từ gần 8% năm 2010 lên 12% năm 2011 và 11% năm 2012; trình độ đại học tăng từ 11% năm 2010 lên khoảng 12% năm 2011 và lên 13% vào năm 2012...


Theo các nhà tuyển dụng, các năm tới, nguồn cầu lao động tiếp tục tăng theo xu hướng cần nhiều nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên việc tuyển dụng lực lượng này rất khó bởi nguồn “cung” không đáp ứng được “cầu”. “Hiện nay yêu cầu về trình độ công nghệ và nghiên cứu phát triển đối với các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao ngày càng nâng cao. Do đó, nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này có xu hướng tăng rõ rệt. Những doanh nghiệp này không những có nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật cao, lành nghề đáp ứng trình độ công nghệ ngày càng cao, mà còn cần nhân lực nghiên cứu phát triển cũng như nhân sự cấp cao trong bộ máy quản lý. Ví dụ như tập đoàn Samsung đang được cấp phép đầu tư vào khu công nghệ cao; kéo theo dự án này chắc chắn sẽ là nhu cầu lớn về nhân lực vận hành và nghiên cứu phát triển trong 2 năm tới. Trước đó, công ty Intel Products Việt Nam trong thời gian đầu hoạt động tại khu công nghệ cao cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Phần lớn các ứng viên không đáp ứng được yêu cầu của công ty”, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố, cho biết.


Thừa thầy, thiếu thợ


Theo ông Lê Hoài Quốc, nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đang trong tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa. “Thừa ở đây là dư thừa nhân lực có bằng cấp (cao đẳng, đại học và sau đại học) nhưng lại thiếu các công nhân kỹ thuật trình độ, có tay nghề, nhân sự quản lý cấp cao. Đa số, các nhà đầu tư đến với khu công nghệ cao, câu hỏi đầu tiên đặt ra luôn là chất lượng nguồn nhân lực nhưng không phải lúc nào nguồn nhân lực của thành phố cũng đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư”, ông Quốc nói.


Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay chưa gắn với thực tế. Mỗi năm, các trường cao đẳng, đại học cho “ra lò” hàng ngàn sinh viên, tuy nhiên thực tế các doanh nghiệp lại không “mặn mà” với nguồn lao động này. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 68% doanh nghiệp công nghiệp không hài lòng với chất lượng của cán bộ kỹ thuật sau khi tốt nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học.


Ông Nguyễn Tấn Định, Nguyên Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP Hồ Chí Minh, khẳng định, một phần nguyên nhân là do máy móc, trang thiết bị thực hành trong các trường đào tạo đã cũ, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đã trang bị những máy móc hiện đại, cho nên khi tuyển dụng lao động vào làm việc, doanh nghiệp phải đào tạo lại cho phù hợp. Vậy nên, khi làm việc trong các doanh nghiệp có kỹ thuật cao, đa số lao động kỹ thuật của chúng ta thường chỉ làm được những việc ở các khâu đơn giản như vận hành máy móc, thiết bị và sửa chữa giản đơn..., còn các khâu phức tạp, cần kỹ thuật cao đa số là lao động nước ngoài đảm nhiệm.


Theo ông Lê Hoài Quốc, đây là lúc mà nhà nước thể hiện vai trò trung gian để gắn kết “hai nhà” là các cơ sở đào tạo (nhà trường) với các doanh nghiệp (nhà tuyển dụng). Theo đó, nhà nước cần chỉ cho doanh nghiệp thấy được rằng chi phí đào tạo lại về dài hạn sẽ vượt quá chi phí ngắn hạn phải bỏ ra để hợp tác với các cơ sở đào tạo, đồng thời ban hành các chính sách cần thiết để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho nguồn nhân lực tương lai của mình. Nhà nước cũng cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Có như vậy, mới thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa cung và cầu lao động hiện nay.


Hoàng Tuyết

Thảo luận dự án Luật nhà ở, Luật dạy nghề
Thảo luận dự án Luật nhà ở, Luật dạy nghề

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN