Hội thảo do Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) tổ chức với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT), các trường đai học sư phạm, một số địa phương và đại diện một số chuyên gia, giáo viên trong cả nước.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội thảo và phát biểu chỉ đạo. Ảnh: XT |
Dựa trên những đặc điểm nghề nghiệp mang tính chất đặc thù và yêu cầu phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên trong bối cảnh mới, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận về những vấn đề cần thay đổi của chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện hành, chuẩn giảng viên sư phạm; tiêu chí, quy trình lựa chọn giáo viên cốt cán, lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông, giảng viên sư phạm.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập tới vai trò đi đầu của các trường đại học sư phạm trọng điểm trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Vì gốc của các vấn đề về chất lượng giáo viên là ở chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm. Do vậy, các trường sư phạm cần thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận và nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng hiện nay trên cơ sở tiếp cận chuẩn nghề nghiệp của giáo viên.
Đối với việc chỉnh sửa chuẩn nghề nghiệp, Bộ trưởng lưu ý, cần đảm bảo nguyên tắc khoa học, hiện đại, khắc phục những hạn chế của chuẩn hiện hành, tiếp cận với kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực nhưng gắn với thực tiễn phát triển nghề nghiệp của giáo viên Việt Nam. Đồng thời bám sát vào việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, bảo đảm có thể đo đếm được một cách khách quan và phù hợp với nhiệm vụ, vị trí việc làm của giáo viên ở từng cấp học, môn học để giáo viên dễ dàng sử dụng, có động lực phấn đấu và chủ động đánh giá, hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của bản thân theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp.
Theo Bộ trưởng, các tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm cần phải đồng tâm với các tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, nhưng cần khác nhau ở chất và lượng, trong đó có những sự khác biệt như yêu cầu về năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục.
Đối với tiêu chí lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán, Bộ trưởng yêu cầu các đề xuất phải gắn với nhiệm vụ mới của giáo viên ở nhà trường là hỗ trợ các đồng nghiệp cùng phát triển và tham gia trực tiếp vào các hoạt động đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đem thực tiễn giáo dục và hơi thở cuộc sống vào chương trình, sách giáo khoa mới. Các giáo viên cốt cán phải là những giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức cao, được lựa chọn từ các trường phổ thông để bồi dưỡng thành giáo viên cốt cán.
“Việc lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt cũng đảm bảo các nguyên tắc trên, trong đó lưu ý tìm chọn những người phù hợp, chú trọng hơn tới trách nhiệm tham gia phát triển chương trình, tài liệu và các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông cũng như trách nhiệm gắn kết trường sư phạm với thực tiễn hành nghề của giáo viên ở các nhà trường và tham gia vào việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị các trường sư phạm sau hội thảo này cần tiếp tục phối hợp nghiên cứu, thảo luận để hoàn thiện và chú ý đến những đặc thù riêng của lao động nghề nghiệp của giảng viên.