Cốt lõi nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm ở Đại học Vinh

Trường Đại học Vinh là trường đào tạo sư phạm có uy tín đối với cộng đồng xã hội và các cơ sở giáo dục trong toàn quốc. Sinh viên sau khi ra trường đã được các nhà tuyển dụng, các Sở Giáo dục-đào tạo, các trường phổ thông đánh giá cao bởi đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực sư phạm, thích ứng kịp thời với hoạt động sư phạm ở trường phổ thông. Nhiều cựu sinh viên của trường đã và đang nắm giữ các chức vụ quan trọng ở các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Đó là kết quả trong công tác rèn nghề của nhà trường.


Đại học Vinh. Ảnh: Internet



Trong chương trình đào tạo của các ngành, nhà trường đều dành một khối lượng kiến thức cho thực tập nghề nghiệp, bao gồm thực tập sư phạm, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên. Công tác thực tập sư phạm được tổ chức cho sinh viên hệ sư phạm và sinh viên ngoài sư phạm có học nghiệp vụ sư phạm. Thực tập sư phạm đã được nhà trường triển khai thực hiện một cách bài bản, quy trình chặt chẽ. Nhà trường đã biên soạn tài liệu “Hướng dẫn thực tập sư phạm” xác định rõ nội dung, mục đích, yêu cầu, phù hợp với yêu cầu đào tạo giáo viên trung học phổ thông.


Trường đã thực hiện phương thức gửi thẳng sinh viên về các trường phổ thông qua các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Vinh dưới sự hướng dẫn giám sát, kiểm tra của nhà trường. Hàng năm, trường phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết công tác thực tập sư phạm để đánh giá, rút kinh nghiệm điều chỉnh chương trình đào tạo, đặc biệt là các học phần kiến thức chuyên nghiệp và nghiệp vụ sư phạm. Các trường THPT, Tiểu học, Mầm non ở địa bàn 4 tỉnh trên đã trở thành mạng lưới các trường thực tập tin cậy, rèn kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Các trường phổ thông đã tổ chức thực hiện, đánh giá chất lượng thực tập nghề của sinh viên trên các tiêu chí và quy định tỷ lệ phần trăm xếp loại thực tập sư phạm của trường Đại học Vinh.


Trong chương trình đào tạo của các ngành sư phạm, nhà trường đã dành cho sinh viên một học phần kiến tập sư phạm với thời gian 2 tuần lễ tại các trường phổ thông để thực hành các kiến thức về Tâm lý học, Giáo dục học dưới sự hướng dẫn của cán bộ khoa Giáo dục. Việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên cho sinh viên Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non cũng được nhà trường chú trọng.


Nhà trường đã tổ chức mạng lưới các trường tiểu học, mầm non (hầu hết là trường chuẩn quốc gia) trên địa bàn thành phố Vinh và các huyện lân cận, với đội ngũ giáo viên kinh nghiệm, tâm huyết với nghề nghiệp, trở thành các trường thực hành vệ tinh cho rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên của sinh viên. Các trường tiểu học, mầm non và trường Đại học Vinh đã thống nhất quy trình, nội dung, yêu cầu rèn nghề cho sinh viên. Sinh viên có lịch biểu rèn nghề và xuống trường thực hành theo nội dung tuần học đã đăng ký. Nội dung rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên được chia làm 4 module từ kỳ 2 đến kỳ 5, thuận lợi cho sinh viên có kế hoạch học tập phù hợp với đào tạo theo hệ thống tín chỉ.


Hàng năm, trường Đại học Vinh còn tổ chức Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và Hội thi nghiệp vụ sư phạm cấp khoa, cấp trường, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, sinh viên trong toàn trường, tăng thêm lòng yêu nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm trước khi rời giảng đường đại học.


Khắc phục tâm lý không yêu thích nghề sư phạm vì lương thấp, áp lực công việc lớn, trường Đại học Vinh đã xây dựng chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ với phương châm: tăng các môn học chuyên ngành đáp ứng thực tiễn đổi mới ở phổ thông, giảm bớt một số học phần không phù hợp, tích hợp các học phần, mềm hoá chương trình đào tạo; kết hợp với đổi mới phương pháp dạy-học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, tăng cường thực tế phổ thông.


Hiện nay, số lượng sinh viên sư phạm đang học tại trường Đại học Vinh gần 3.300 sinh viên ở 16 ngành học, chiếm khoảng 10% số lượng sinh viên của trường. “Số lượng sinh viên theo học ngành sư phạm chưa nhiều, vì thế nhà trường càng chú trọng đến chất lượng đào tạo. Trường vẫn luôn xem đào tạo sư phạm là cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường, trong đó, công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là phương pháp không thể thiếu cho mỗi người giáo viên”, ông Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp trường Đại học Vinh chia sẻ.

Bích Huệ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN