Đại biểu Quốc hội băn khoăn về một kỳ thi quốc gia

Buổi giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, sáng 23/9, thật sự “nóng” với những chất vấn các đại biểu Quốc hội về vấn đề tổ chức cụm thi, đề thi và phương án thi. Điều đáng nói, đây cũng chính là những băn khoăn của xã hội trong thời gian qua, sau khi có quyết định về việc tổ chức một kỳ thi quốc gia từ năm học này; nhưng đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra được những giải đáp thỏa đáng và sáng rõ để thực hiện.

 

Liệu có thiếu công bằng giữa các cụm thi?


Cơ bản đều đồng tình với việc tổ chức một kỳ thi quốc gia, tuy nhiên, việc tổ chức hai cụm thi lại khiến các đại biểu băn khoăn vì sợ thiếu công bằng cho thí sinh của mỗi cụm.

 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình.


Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Ủy ban Kinh tế Quốc hội), nếu chia cụm thi theo hai loại: Cụm thi theo địa phương cho những thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi theo các trường ĐH cho các thí sinh có nhu cầu thi vào các trường ĐH - CĐ, thì sẽ khó bảo đảm mặt bằng chất lượng chung. “Từ trước nay, các địa phương đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, nhưng tới kỳ thi ĐH, khi chúng ta làm chặt hơn, thì số lượng học sinh đỗ ĐH rất thấp. Thực tế này đặt ra vấn đề: Nếu tổ chức theo hai cụm thi như trên, thí sinh thi ở các cụm trường ĐH chắc chắn sẽ phải chịu sự quản lý khắt khe hơn cụm địa phương, nhiều khả năng tỷ lệ đỗ cũng sẽ thấp hơn, tạo ra chênh lệch trong chất lượng thi”, đại biểu Phùng Văn Hùng nhấn mạnh.


Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, việc thi theo cụm đã diễn ra từ 10 năm nay. Bộ GD - ĐT đã tổ chức thi theo cụm ngoài các trường thi tại Cần Thơ, Vinh, Quy Nhơn, Hải Phòng. Việc tổ chức thi theo cụm này đã bảo đảm được sự tin cậy và có cơ sở để mở rộng theo cụm thi. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ có khoảng 20 cụm thi.

Cùng chung quan điểm này, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, cho rằng: Bộ GD - ĐT vẫn chưa làm rõ vấn đề “tính chất” của hai loại cụm thi. Nếu “mặc định” rằng cụm thi địa phương chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, thì trong trường hợp các trường ĐH có nhu cầu xét tuyển, có được sử dụng kết quả này để xét tuyển hay không? “Việc phân chia hai loại cụm thi sẽ không công bằng khi tạo ra hai mặt bằng điểm khác nhau, nhưng cùng kết quả để xét mục tiêu. Đây là điểm yếu và Bộ cần nghiên cứu, nhằm hạn chế tối đa các bất cập này. Và có nhất thiết phân chia hai loại cụm thi này hay không?”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.


Theo GS Đào Trọng Thi, nếu Bộ GD-ĐT đặt vấn đề phân chia cụm là để tạo điều kiện cho học sinh miền núi không có điều kiện đi lại, được thi tại chỗ, thì nên chăng Bộ không đưa ra những quy định riêng cho các tỉnh miền núi, đồng thời thi luôn tại địa phương. Còn những tỉnh khác thì vẫn nên duy trì phân chia theo cụm trường.


Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, nhiệm vụ của Bộ GD - ĐT là bảo đảm mặt bằng chất lượng các cụm thi phải tương đương nhau. Về việc liệu độ tin cậy của cụm thi trường có cao hơn cụm thi địa phương, theo Bộ trưởng sẽ phụ thuộc vào cách tổ chức, quản lý thi. “Bộ GD -ĐT sẽ huy động tối đa mọi giải pháp, siết chặt thanh, kiểm tra, quyết tâm bảo đảm kỳ thi công bằng, minh bạch”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Vẫn tiếp tục thay đổi


Trước câu hỏi “Liệu đổi mới lần này có phải là lần cuối cùng hay không?”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Kỳ thi năm nay là đổi mới, trong khi chương trình, SGK vẫn chưa có gì đổi mới cả. Vì thế, năm nay chúng ta đang phải thi mới trong bối cảnh chương trình, SGK cũ và đội ngũ thầy cô cũ. Tất cả đều hướng tới mục tiêu, vừa làm vừa lớn lên, học sinh thay đổi dần, cô giáo cũng hoàn thiện hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Về băn khoăn học sinh có nguy cơ học lệch của Đại biểu Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết kết quả thi chỉ chiếm 50% điểm xét tốt nghiệp, 50% còn lại là dựa vào kết quả học tập của lớp 12, điều này sẽ giải quyết bài toán học lệch của học sinh.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, những năm học tới sẽ còn phải thay đổi tiếp, theo hướng “tiệm cận” với chương trình mới, SGK mới. “Tất nhiên là sẽ thay đổi đúng hướng, chứ không phải nay rẽ trái, mai rẽ phải, để rồi lại quay về điểm xuất phát. Đây là giai đoạn quá độ để dần tiến tới bảo đảm cả chương trình mới- SGK mới và thi cử mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Kết luận tại buổi giải trình, GS Đào Trọng Thi cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi là cấp thiết, tuy nhiên kỳ thi này chỉ bắt buộc với mục đích tốt nghiệp THPT, còn không bắt buộc với mục đích tuyển sinh ĐH. Các trường ĐH có quyền tự chủ tuyển sinh, lựa chọn tự nguyện phương thức tuyển sinh hợp lý, mà không phải phụ thuộc vào kết quả kỳ thi này. GS Đào Trọng Thi cũng đề nghị Bộ GD - ĐT phải tính toán rất kỹ lưỡng phương án lựa chọn cụm thi theo trường và theo địa phương, tránh sự chênh lệch chất lượng, mất công bằng giữa các thí sinh. “Hai cụm thi coi thi theo tiêu chí khác nhau, thì sẽ tạo mặt bằng điểm khác nhau. Đặc biệt cần đề phòng tình trạng trường thiếu thí sinh lại càng chọn mặt bằng thấp để lấy bằng được đầu vào. Hoặc có hiện tượng “lách”: Thí sinh sẽ dồn vào cụm thi địa phương để lấy điểm cao, rồi lấy kết quả đăng ký vào các trường ĐH mình chọn”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

 

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội):

Giảm áp lực cho học sinh là đúng

Các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia được hình dung như sau: Sẽ có 3 môn là bắt buộc, sau đó học sinh tự chọn 1 môn, môn còn lại học sinh có thể thi thêm theo yêu cầu của các trường ĐH. Đến ngày 15/10 này, các trường sẽ phải công bố môn thi của mình. Và Bộ GD - ĐT lưu ý rằng, nếu trong kỳ thi THPT quốc gia đã thi môn toán, thì trường sẽ không được chọn thi môn toán nữa. Điều này có thể sẽ dẫn đến là các học sinh thi khối khác sẽ “tị” với học sinh thi khối D. Trong hướng dẫn mà Bộ mới công bố có nêu các khối nghệ thuật có ít nhất một môn trong kỳ thi chung này. Theo tôi cần phải nói rõ hơn các trường tận dụng tối đa các môn thi có ở trong kỳ thi chung để giảm bớt phiền hà cho thí sinh. Cũng phải thừa nhận với tình hình hiện nay thì nên chia sẻ với Bộ GD - ĐT, bởi Bộ không muốn xáo trộn nhiều. Trong những ngày qua rất nhiều phụ huynh, học sinh “kêu” về việc đã có quá trình chuẩn bị thi theo khối 3 năm mà giờ lại phải học nhiều lên. Nếu chỉ đánh giá năng lực thì bản chất chỉ cần thi hai môn: Ngữ văn và toán như nhiều nước tiên tiến làm.

 

GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội):

Sẽ là tốn kém nếu có nhiều kỳ thi bổ sung

Bộ cần quy định cụ thể như đạt bao nhiêu điểm trở lên thì được cấp bằng tốt nghiệp; cộng điểm ưu tiên, điểm liệt... Điểm của kỳ thi quốc gia có trọng số bao nhiêu trong tổng số điểm xét tuyển vào ĐH. Tôi chắc rằng, sau kỳ thi quốc gia sẽ còn rất nhiều kỳ thi bổ sung và tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều khi tổ chức một kỳ thi “3 chung”. Nhiều người không tin vào sự nghiêm chỉnh của kỳ thi quốc gia nếu được tổ chức ở các địa phương. Điều đó đúng bởi vì kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn có truyền thống dễ dãi, nhiều tiêu cực. Tôi cũng không tin rằng huy động tất cả các thầy giáo ĐH tham gia vào việc coi thi, thì tình hình sẽ tốt hơn. Bộ GD - ĐT cần có những đột phá mạnh mẽ trong việc tổ chức thi ở địa phương thì mới giải quyết được độ tin cậy cho các trường ĐH, cũng như cho xã hội.

Lê Vân

'Bộ đang tạo điều kiện cho trường và thí sinh'
'Bộ đang tạo điều kiện cho trường và thí sinh'

Công văn số 5151/BGDĐT-KTKĐCLGD, ngày 19/9, của Bộ Giáo dục- Đào tạo về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015, đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển và phải xác định tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm vừa qua...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN