Cuộc đua nguyện vọng 2 sẽ "nóng"

Do điểm thi đại học, cao đẳng năm nay khá cao, dẫn tới điểm chuẩn vào các trường cũng "ngất ngưởng", nhiều thí sinh đạt điểm trung bình gần 7 điểm/môn vẫn trượt, nên cuộc đua nguyện vọng 2 được tiên đoán sẽ "nóng".


Chậm giấy báo điểm


Đợt tuyển sinh theo nguyện vọng bổ sung đã bắt đầu được 6 ngày nhưng số lượng thí sinh đến đăng ký ở các trường đại học (ĐH) vẫn rất èo uột. Nguyên nhân một phần do nhiều thí sinh trượt nguyện vọng 1 vẫn chưa nhận được giấy báo kết quả thi.


Đến thời điểm này, nhiều thí sinh vẫn chưa nhận được giấy báo điểm để làm thủ tục xét tuyển nguyện vọng 2. Thí sinh Nguyễn Thị Thủy (Phú Thọ) cho biết, em đăng ký dự thi trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhưng không đủ điểm đỗ vào trường, nên đang đợi giấy báo điểm để nộp về một trường cao đẳng tại địa phương. “Đến ngày 10/9 là hết hạn rồi mà giờ chưa có giấy báo điểm để làm nốt hồ sơ, nên em rất lo lắng”, Thủy chia sẻ.


Tuy nhiên, về phía nhà trường, đại diện của trường ĐH Công nghiệp cho biết: Trường đã hoàn tất việc chuyển giấy báo kết quả cho thí sinh, chậm trễ có thể do việc chuyển qua đường bưu điện hoặc đơn vị mà thí sinh đăng ký dự thi chưa lấy kết quả kịp thời.


Ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD - ĐT Hà Nội) cho biết, Sở vẫn nhận và trả giấy báo kết quả thi cho thí sinh trong thời gian qua . Về cơ bản, đến nay Sở đã hoàn thành 90% việc trả giấy báo cho thí sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường chưa chuyển giấy báo kết quả cho thí sinh như trường ĐH Lâm Nghiệp và một số trường Cao đẳng (CĐ). “Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh. Không có giấy báo điểm thì các em không thể đăng ký xét nguyện vọng bổ sung và sẽ rất thiệt thòi”, ông Niềm nói.


Theo quy định của Bộ GD - ĐT, thí sinh sẽ nhận giấy báo kết quả thi tại nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị ngay sau khi nhận giấy báo kết quả thi ĐH, CĐ phải thông báo để các thí sinh đến nhận, kịp thời làm hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. “Nếu vì trục trặc nào đó mà thí sinh không nhận được giấy báo kết quả thi, Sở GD-ĐT sẵn sàng hỗ trợ thí sinh, thông báo đến các trường ĐH, CĐ cấp lại để đảm bảo quyền lợi cho các em”, ông Niềm cho biết.


Cuộc đua không đơn giản


Do mặt bằng điểm thi năm nay là khá cao, dẫn tới điểm chuẩn vào các trường cũng cao. Đơn cử như khối ngành kinh tế các trường top trên như ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính… mức điểm chuẩn của nhiều ngành là từ 20 điểm trở lên. Do vậy, với những thí sinh có mức điểm bằng sàn hoặc trên sàn sẽ rất khó có khả năng đỗ, bởi các trường ĐH, CĐ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đều xét theo điểm từ cao xuống thấp.

Cán bộ, giảng viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nhập học. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Cụ thể, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dành gần 1.000 chỉ tiêu để xét tuyển NV2, khu vực phía Bắc mức điểm nhận hồ sơ từ 18 - 19,5 điểm, khu vực phía Nam từ 16 điểm trở lên. ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) xét tuyển ở nhiều ngành học, mức điểm từ 18 trở lên và chỉ tiêu cũng rất ít với 21 chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho ngành Chính trị học; 7 chỉ tiêu ngành Hán Nôm; 34 chỉ tiêu ngành Nhân học; 38 chỉ tiêu Thông tin học; 48 chỉ tiêu Triết học. Học viện Ngân hàng Hà Nội chỉ xét tuyển bổ sung 30 chỉ tiêu vào ngành Ngôn ngữ Anh dành cho thí sinh dự thi khối D1, mức điểm xét tuyển từ 23 điểm trở lên. ĐH Điện lực mức điểm chuẩn xét tuyển NV2 năm nay từ 18,5 điểm trở lên, ĐH Xây dựng, mức điểm xét tuyển cũng từ 18 điểm trở lên…


Bên cạnh đó, một số trường cho phép thí sinh được đăng ký chuyển ngành thi trong trường, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh nguyện vọng 1 của trường. Đại diện trường ĐH Thương Mại cho biết, thí sinh đạt điểm trúng tuyển vào trường nhưng không trúng tuyển vào ngành, chuyên ngành đã đăng ký dự thi sẽ được đăng ký lại ngành, chuyên ngành khác còn chỉ tiêu để được nhập học chính thức. Thí sinh được đăng ký 2 ngành học, xét từ điểm cao xuống điểm thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu theo từng chuyên ngành đào tạo. Thí sinh không trúng tuyển theo 2 nguyện vọng này sẽ được trường bố trí vào các ngành, chuyên ngành khác còn chỉ tiêu trong cùng khối thi. Như vậy, chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho thí sinh của trường khác sẽ không nhiều.

Thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các trường ĐH, CĐ từ ngày 20/8- 30/10/2013. Thí sinh không trúng tuyển vào trường dự thi nhưng có kết quả thi từ điểm sàn trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được nhận 3 giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ. Thí sinh sử dụng giấy này để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung.


Hiện Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được quyền rút hồ sơ nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng kí xét tuyển nguyện vọng 2 đã nộp. Các trường cũng được thực hiện xét tuyển nhiều đợt. Trong thời hạn quy định, hàng ngày các trường công bố công khai các thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng của thí sinh trên trang Website của trường. Vì vậy thí sinh cần cập nhật thông tin thường xuyên.


Theo kinh nghiệm những năm trước, điểm chuẩn xét tuyển NV2 bao giờ cũng tăng hơn so với mức điểm nhận hồ sơ từ 2 - 5 điểm, do vậy thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.

 

Thu Trang

Cuộc đua nguyện vọng 2 sẽ "nóng"
Cuộc đua nguyện vọng 2 sẽ "nóng"

Do điểm thi đại học, cao đẳng năm nay khá cao, dẫn tới điểm chuẩn vào các trường cũng "ngất ngưởng", nhiều thí sinh đạt điểm trung bình gần 7 điểm/môn vẫn trượt, nên cuộc đua nguyện vọng 2 được tiên đoán sẽ "nóng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN