Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp và có các dự án khởi nghiệp thành công sau khi tốt nghiệp.
Thứ trưởng cho rằng: Hoạt động khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo hiện nay vẫn còn khá rời rạc, chưa có lộ trình và nội dung hoạt động; chưa thật đủ mạnh để tạo nên một môi trường toàn diện hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Vì vậy, để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, các trường đại học cần có lộ trình từng bước xây dựng và tạo cơ chế chính sách riêng của từng trường, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp của học sinh, sinh viên phù hợp với đặc điểm của từng trường. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần bố trí cơ cở vật chất, hình thành các không gian khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo phù hợp với các nhóm ngành đào tạo; bố trí đội ngũ cán bộ đủ mạnh để hỗ trợ toàn diện các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các nhà trường cần có hoạt động kết nối doanh nghiệp, kết nối nguồn lực để tiến hành sản xuất thử, triển khai thí điểm các dự án khởi nghiệp.
Thứ trưởng mong muốn, học sinh, sinh viên tập trung thể hiện bản lĩnh, sức trẻ, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, vận dụng các kiến thức, kỹ năng để đưa ra sáng kiến, giải pháp giải quyết các vấn đề của cộng đồng, của xã hội. Từ đó, hình thành những ý tưởng sáng tạo, dự án khởi nghiệp mang tính đột phá không chỉ để tham dự cuộc thi này mà còn mang lại những giá trị hữu ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội.
Giới thiệu về thể lệ cuộc thi, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết: Cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và học sinh đang học tại các trường Trung học Phổ thông trên toàn quốc. Các dự án khởi nghiệp tham dự cuộc thi được chia theo lĩnh vực: Khoa học, công nghệ; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, y tế; Dịch vụ, du lịch; Tài chính, ngân hàng; Kinh doanh tạo tác động xã hội; Các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh khác.
Sản phẩm nộp dự thi gồm: Bản thuyết minh dự án được trình bày; bản thuyết trình của nhóm được trình bày bằng video clip không quá 3 phút và sản phẩm mẫu gửi kèm theo bằng ảnh hoặc video clip.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận hồ sơ dự thi từ các tường, các Sở Giáo dục và Đào tạo trước 17 giờ ngày 16/8/2019. Sau khi nhận được hồ sơ và bài dự thi của các trường, các sở giáo dục và đào tạo, từ ngày 19-26/8, Ban giám khảo chấm và lựa chọn 45 dự án của sinh viên các cơ sở đào tạo và 15 dự án của học sinh Trung học Phổ thông có tính khả thi cao nhất vào vòng chung kết.
Vòng chung kết sẽ diễn ra tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 diễn ra vào ngày 4-5/10/2019 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Về cơ cấu giải thưởng, đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên các cơ sở đào tạo, gồm 1 giải Nhất (giải thưởng 100 triệu đồng và được hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư); 2 giải Nhì (giải thưởng 60 triệu đồng); 3 giải Ba (giải thưởng 40 triệu đồng) và 4 giải Khuyến khích (10 triệu đồng). Đối với dự án khởi nghiệp của học sinh Trung học Phổ thông, gồm 1 giải Nhất (50 triệu đồng); 1 giải Nhì (30 triệu đồng); 1 giải Ba (15 triệu đồng) và 2 giải Khuyến khích (5 triệu đồng). Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ trao một số giải phụ: Giải gian hàng xuất sắc nhất; giải thưởng dành cho dự án được bình chọn nhiều nhất…