Giáo dục là không giới hạn
Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu của Trường Đại học Hà Nội, Hà Ánh Phượng được một Công ty dược của Pakistan mời về làm Giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với một mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, cô đã từ chối để tiếp tục theo học thạc sỹ ngành Sư phạm tiếng Anh và trở về quê nhà thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng từ năm 2016.
Trường Trung học phổ thông Hương Cần là một ngôi trường miền núi của tỉnh Phú Thọ, có hơn 85% học sinh là con em dân tộc thiểu số. Học sinh còn thiệt thòi, chưa có nhiều cơ hội học tập và phát triển như các bạn cùng trang lứa ở thành phố.
Ngày đầu tiên đến lớp, cô Phượng hết sức ngỡ ngàng bởi học sinh nơi đây ngoan ngoãn, lễ phép nhưng rất rụt rè, ngại tiếp xúc. Điều khiến cô trăn trở là làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng nền giáo dục tốt nhất”.
Cô Phượng luôn tâm niệm “giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ’. Vì thế, trong 5 năm giảng dạy tại trường, cô đã cố gắng tìm hiểu những phương pháp dạy học, giải pháp để thu hẹp khoảng cách của học sinh với sự phát triển của thế giới. Mô hình “lớp học xuyên biên giới” chính là nơi cô Hà Ánh Phượng hiện thực hóa ý tưởng, phương pháp giảng dạy của mình.
Đó là mô hình các trường học trên toàn cầu được kết nối với nhau bởi nhiều môn học như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Lịch sử…, qua hội nhóm giáo viên trong nước và thế giới. Lớp học này khác với những lớp học trực tuyến thông thường ở các trung tâm tiếng Anh, các lớp học tư nhân ở chỗ là mô hình miễn phí và việc kết nối xuyên quốc gia giữa các đơn vị giáo dục.
Tính ưu việt của “lớp học xuyên biên giới” là nguồn giáo viên nước ngoài tin cậy, uy tín. Họ là giáo viên của các trường học trên thế giới, đều được kiểm chứng qua diễn đàn giáo viên sáng tạo của Microsoft. Khi tham gia diễn đàn giáo dục, giáo viên có thể lựa chọn được giáo viên và môn học thích hợp với học sinh của mình.
Thông qua lớp học này, học sinh của cô Phượng có cơ hội học hỏi không chỉ kiến thức tiếng Anh, tăng khả năng nghe nói thực tế, mà còn được giao lưu văn hóa với thầy cô và các bạn nước ngoài. Các giáo viên có thể trau dồi chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, năng lực hợp tác với giáo viên trong nước và quốc tế.
Cô Phượng chia sẻ: Mô hình này tiết kiệm được chi phí cho nhà trường. Bởi trên thực tế, chi phí trả cho một giáo viên nước ngoài khá cao (trung bình từ 15 - 28 USD/giờ), không phải trường học nào trên cả nước cũng có khả năng chi trả. Nhưng với “lớp học xuyên biên giới”, tất cả đều miễn phí. Tôi đã cố gắng lựa chọn, kết nối với lớp học ở các nước không quá chênh lệch múi giờ, để học sinh có thể trải nghiệm không khí lớp học thực sự cùng thầy cô và các bạn nước ngoài.
Kết quả bước đầu khi triển khai mô hình này đó là, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, điểm kỹ năng nghe, nói có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các em có thể chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức. Khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phê phán… ngày càng được học sinh thể hiện rõ hơn.
Không chỉ dừng lại ở mô hình “lớp học xuyên biên giới”, cô Phượng cùng các học trò của mình còn đồng hành trên nhiều dự án, nhiều câu chuyện bên ngoài lớp học. Đó là dự án “Nói không với ống hút nhựa”, dự án về môi trường được hưởng ứng bởi nhiều trường học khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Trong dự án này, học sinh của cô Phượng đã kết hợp kiến thức liên môn để chế tạo máy cắt STEM, làm ra những chiếc ống hút bằng tre, nứa, phát miễn phí tới các thầy cô và học sinh, cũng như những quán nước gần trường. Các em còn tham gia vào những chuyến du lịch ảo, tuyên truyền tới nhiều học sinh trên thế giới; hay như dự án “Thư viện hạnh phúc” tạo thêm nguồn sách ngoại văn miễn phí để học sinh được học tập, tìm kiếm tri thức.
Người dạy học phải là người không bao giờ ngừng học
Là một giáo viên trẻ có năng lực, nhiều hoài bão nên mặc dù về dạy học ở một ngôi trường miền núi, Hà Ánh Phượng vẫn luôn tích cực tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn trên các diễn đàn toàn cầu. Năm 2020, cô được nhận học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP dành cho giáo viên và được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Tập đoàn Microsoft, tham gia dạy học trực tuyến cho học sinh nghèo ở 4 châu lục: Á, Phi, Âu, Mỹ. Cô là thành viên tích cực của Cộng đồng giáo dục Microsoft, nơi quy tụ giáo viên toàn cầu cùng thiết kế bài giảng và tham gia phát triển chuyên môn hàng tuần.
Cô Hà Ánh Phượng tâm sự: Những buổi thảo luận, phát triển chuyên môn với các đồng nghiệp trong và ngoài nước mà cô chỉ gặp qua màn hình máy tính đã khiến cô trưởng thành hơn, ngưỡng mộ tinh thần học tập, làm việc hăng say của các giáo viên trên thế giới, bất chấp khoảng cách về tuổi tác, không gian. Cô nhận ra rằng, việc chia sẻ những kiến thức chuyên môn, những bài giảng về ứng dụng công nghệ thông tin tới đồng nghiệp chính là việc làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập tốt hơn và có thể giúp đỡ nhiều học sinh hơn.
Chia sẻ về hành trình đến với Giải thưởng giáo viên toàn cầu, cô Phượng cho biết: Như một cơ duyên, lần đầu tiên biết đến cuộc thi, cô đã bỏ qua, lần thứ hai vẫn chưa có ý định tham gia. Đến lần thứ ba, khi gần hết thời hạn đăng ký, trong một cuộc họp, các thầy cô giáo nước ngoài đã đề xuất cô Phượng làm hồ sơ tham gia vì các đồng nghiệp nhận thấy ở cô có nhiều yếu tố, phẩm chất mà cuộc thi yêu cầu. Nhờ đó, Hà Ánh Phượng có thêm tự tin để hoàn thiện hồ sơ tham gia cuộc thi. Trong quá trình ấy, cô đã nhận được sự ủng hộ, động viên của nhiều giáo viên uy tín ở các nước. Kết quả, tháng 3/2020, cô có tên trong danh sách 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu và thật sự bất ngờ, khi cô Phượng là giáo viên cuối cùng được xướng tên trong Top 10 giáo viên xuất sắc của Giải thưởng giáo viên toàn cầu năm 2020.
Những bài nghiên cứu khoa học được công bố và những thành tích quốc tế được ghi nhận khiến cô Phượng hiểu rằng “người dám dạy phải là người không bao giờ ngừng học”. Mỗi người cần không ngừng nâng cao năng lực và kiến thức chuyên môn, vì đây là “mốc định vị” của mỗi người giữa thế giới rộng lớn, giúp chúng ta chủ động, tự tin và đạt hiệu quả công việc cao.
Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới, theo cô Hà Ánh Phượng, người giáo viên cần hiểu được bản chất của dạy học phát triển phẩm chất và năng lực, từ đó thay đổi các phương pháp dạy học tích cực, thay đổi vai trò truyền thống của người thầy, từ “người dạy” trở thành “người hướng dẫn” học sinh cách học. Sự thay đổi này là tất yếu và có lợi cho cả thầy và trò; bởi học sinh sẽ tự chủ động việc học, còn thầy sẽ có thời gian dành cho nhiều dự định khác.
Niềm mong ước của cô Phượng là trong thời gian tới, học sinh của cô sẽ được tham gia vào nhiều dự án học tập hơn, có nhiều giờ học kết nối hơn. Đồng thời, cô cũng đang phát triển kênh Youtube của mình để dạy học tiếng Anh miễn phí cho tất cả mọi người. Đặc biệt, cô Hà Ánh Phượng thường chia sẻ với các đồng nghiệp và học sinh của mình: “Dù có ở đâu, mảnh đất khô cằn hay màu mỡ, chỉ cần ta cố gắng thì mảnh đất đó sẽ nở hoa”.