Video cô giáo Đỗ Thị Loan chia sẻ với phóng viên:
Học tiếng địa phương để giúp học sinh ra lớp
15 năm trước cô giáo Đỗ Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Kim Nọi, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái nghe theo tiếng gọi của Nhà nước, ngành giáo dục, cô đã viết đơn tình nguyện lên miền núi để dạy học.
Khi mới tiếp nhận công việc, cô giáo Đỗ Thị Loan tới trường mầm non xã La Pán Tẩn, cách thị trấn Mù Cang Chải 25km.
Cũng như những giáo viên khác, khó khăn lớn nhất của cô giáo Đỗ Thị Loan là đi lại. Mỗi ngày, cô giáo Loan phải đi bộ hơn 10km ở đường mòn trên núi để đến điểm trường chính.
“Thời tiết bất thường như mưa gió, lạnh giá, đôi chân tôi thường sưng, đỏ tấy vì đi bộ quá xa. Chúng tôi đến trường khi sương chưa tan và trả trẻ khi mặt trời khuất bóng”, cô giáo Đỗ Thị Loan nói.
Bên cạnh đường đi khó khăn, cô giáo Đỗ Thị Loan nhận ra khó khăn tiếp theo là ngôn ngữ để giao tiếp với học trò của mình. Đến trường học sinh nói tiếng địa phương, cô giáo lại không hiểu và lại càng khó khăn hơn khi giao tiếp với phụ huynh.
Cô giáo Đỗ Thị Loan cho biết: “Tôi bắt đầu học tiếng địa phương từ những câu sinh hoạt hằng ngày. Nhờ đó, tôi có thêm kinh nghiệm về cách giảng dạy các con để bài giảng của mình và các hoạt động trong ngày hiệu quả”.
Thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em vùng khó, mỗi lúc gặp khó khăn cô giáo Đỗ Thị Loan luôn tự động viên mình để không bỏ cuộc. Bởi, các em nhỏ chính là thế hệ tương lai của người vùng cao nơi đây.
Sau khoảng thời gian công tác tại xã La Pán Tẩn và trường Mầm non Bông Sen (xã Chế Cu Nha), năm 2021 cô giáo Đỗ Thị Loan được điều chuyển về Trường mầm non Kim Nọi với vai trò là Phó hiệu trưởng trường. Trường hiện có 198 học sinh và 100% các em là dân tộc H’mông. Những sáng kiến kinh nghiệm về dạy và học tiếng Việt cho trẻ mầm non tiếp tục được nhân rộng và có quy mô cấp tỉnh.
Những ước mong cho trẻ vùng cao
Nhận ra khó khăn lớn nhất trong việc dạy học là ngôn ngữ. Do đó, những đề tài sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Đỗ Thị Loan luôn tập trung vào vấn đề này.
Cô Đỗ Thị Loan cho biết: “Khó khăn lớn nhất của các cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy học là bất đồng ngôn ngữ. Lúc này, giáo viên buộc phải có kiến thức cơ bản để giao tiếp với trẻ và phụ huynh… Sáng kiến kinh nghiệm tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non ra đời và được thí điểm tại 3 huyện của tỉnh Yên Bái: Huyện Lục Yên (chủ yếu là dân tộc Dao), huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải )chủ yếu là dân tộc H'Mông). Chúng tôi tổ chức hoạt động song ngữ trong mọi hoạt động để trẻ được tham gia”.
Bên cạnh đó, sáng kiến của cô giáo Đỗ Thị Loan về việc giữ gìn văn hoá dân tộc của đồng bào địa phương trong trường mầm non được đánh giá cao. Sáng kiến này được đặt tại các huyện: Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái).
Trong lớp học, cô giáo lên ý tưởng trang trí lớp học với những hình ảnh trang phục của đồng bào dân tộc. Trong tuần, trường tổ chức hoạt động múa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, bố trí “góc địa phương” mở phiên chợ vùng cao ở sân trường để giúp các em nhỏ không quên được những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Hai sáng kiến này của cô giáo Đỗ Thị Loan đã được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái công nhận và áp dụng đại trà cho các huyện.
15 năm gắn bó với nghề, rồi làm quản lý, ước mong lớn nhất của cô giáo Đỗ Thị Loan vẫn là vì học trò. “Tôi mong Nghị định 105 của Chính phủ về hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non được phủ rộng đối tượng hơn nữa. Bởi, Nghị định 105 mới chỉ hỗ trợ trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, còn trẻ độ tuổi nhà trẻ chưa được hưởng. Nếu được hưởng chính sách này, trẻ vùng cao sẽ đi học chuyên cần hơn”, cô giáo Đỗ Thị Loan nói.
Mong ước tiếp theo mà cô giáo Đỗ Thị Loan muốn gửi gắm là đảm bảo tỷ lệ giáo viên cho vùng khó. Cô giáo Đỗ Thị Loan cho biết: “Hiện nay, huyện Mù Cang Chải có 205 lớp học mầm non, nhưng chỉ có 313 giáo viên. Tỷ lệ giáo viên mầm non là 1,5, rất khó khăn với giáo viên. Tình trạng trẻ mầm non phải học lớp ghép rất nhiều. Ở trường tôi có 8 lớp học với 198 học sinh nhưng có đến 6 lớp mẫu giáo ghép. Đội ngũ giáo viên không đảm bảo”.
Với cô giáo Đỗ Thị Loan, 15 năm trước nhận nhiệm vụ với những hụt hẫng vì nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, Mùa Cang Chải là quê hương thứ hai của cô. Những giáo viên cắm bản như cô giáo Loan đều mong muốn trẻ đi học chuyên cần và thêm những chính sách để giáo viên yên tâm công tác.