Video cô giáo Nguyễn Thị Liên, dạy Ngữ văn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị chia sẻ về vị trí của nghề giáo:
Người thầy gieo ước mơ
"Ngày... tháng... năm của thầy và tôi” là tác phẩm của cô giáo Nguyễn Thị Liên viết về thầy giáo Hoàng Đức Vinh, cựu giáo viên Ngữ văn Trường THPT Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Thầy Vinh cũng là giáo viên chủ nhiệm 3 năm phổ thông của tác giả. Tác phẩm đã giành giải nhất cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2022.
Người giáo viên đứng trước mặt tôi có dáng vẻ gầy gò, miệng luôn tươi cười kể, khi học phổ thông cô từng là một học trò nghịch ngợm và vẫn còn cãi lời mẹ. Nhưng khi vào lớp 10, cô được gặp thầy chủ nhiệm Hoàng Đức Vinh đã giúp cô thay đổi.
"Hôm ấy thầy đề nghị tôi phân tích câu "Một điều nhịn chín điều lành". Nhưng nhớ những lần thường xuyên cãi mẹ, tôi đỏ mặt không thể trả lời câu hỏi của thầy giáo. Phải dũng cảm lắm tôi mới dám xin thầy rằng "Con sẽ trả lời thầy bằng một bài văn", cô giáo Nguyễn Thị Liên nhớ lại.
Lần đầu tiên, cô Liên viết một bài văn dài tám trang kể về chuyện gia đình nghèo của mình, về chuyện giữa mẹ, con và những lần cãi mẹ như thế nào. Nhận được bài văn này, thầy Vinh đã tìm đến nhà học trò để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh.
Sự cởi mở, chân thành của thầy giáo dạy Ngữ văn tiếp cho cô học trò sự tự tin để chia sẻ những câu chuyện trong gia đình, khó khăn khi gặp phải trong cuộc sống. Chính vì vậy, sau lần gặp gỡ này, đến tiết học môn Ngữ văn của thầy, cô Liên đã mạnh dạn chia sẻ hơn.
"Nhờ sự động viên, chia sẻ kịp thời của thầy mà bản thân tôi cũng nhìn thấy sự thay đổi của mình. Thay vì cãi lời mẹ, tôi bắt đầu lắng nghe mẹ nhiều hơn và chia sẻ cùng mẹ. Và ước mơ trở thành giáo viên cũng lớn dần trong tôi", cô giáo Nguyễn Thị Liên nói.
Nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cô học trò đã thông báo ngay cho thầy chủ nhiệm. "Bên cạnh sự chia sẻ cùng niềm vui đỗ đại học với tôi, thầy tôi còn chia sẻ những khoảnh khắc vui, buồn của nghề dạy học, về vai trò của nghề giáo. Thầy đã tiếp thêm cho tôi động lực để tự tin vào TP Hồ Chí Minh học đại học", cô giáo Nguyễn Thị Liên nhớ lại.
Cô giáo Nguyễn Thị Liên cũng viết trong tác phẩm của mình: “Thầy là người đã truyền cảm hứng nghề nghiệp cho tôi. Từ tác phong, nhân cách, đạo đức mẫu mực của một nhà giáo đến những bài giảng văn, những bài học cuộc sống. Thầy đã gieo cho tôi ước mơ trở thành giáo viên, và trở thành giáo viên dạy Ngữ văn giống thầy”.
Nghề giáo là nghề cao quý
Không chỉ đồng hành cùng học sinh trong 3 năm học phổ thông, thầy Vinh xuất hiện trong những câu chuyện kể của cô giáo Nguyễn Thị Liên trong những lúc băn khoăn, vấp váp của đời sinh viên và khi trở thành giáo viên vùng khó.
Cô giáo Nguyễn Thị Liên nhớ lại: “Những năm đầu vào Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh trong tôi là cả nỗi tự ti và hoang mang khi hòa nhập với môi trường mới. Khi nói chuyện bạn bè, thầy cô không hiểu. Đi chợ mua mớ rau cũng không nổi vì họ không hiểu tiếng miền Trung. Có lúc tôi muốn bỏ học về quê, làm công nhân. Những nỗi buồn này tôi đều chia sẻ với thầy Vinh. Thầy nói với tôi rằng: “Thầy đồng cảm với điều này với em nhưng việc này con chịu khó tập dần. Con cố gắng giảm bớt tiếng địa phương và lắng nghe nhiều hơn".
Nhận được sự đồng cảm, chia sẻ này, cô sinh viên miền Trung khi ấy dường như lấy lại được thăng bằng và phấn đấu học tập. Bốn năm học đại học sư phạm đã trôi đi tốt đẹp cùng với sự nỗ lực của bản thân cũng như sẻ chia của người thầy dạy văn phổ thông năm nào.
Cô giáo Nguyễn Thị Liên sinh ra trong một gia đình thuần nông, nghèo khó nhưng vùng cô đến dạy học còn khó khăn hơn nhiều khi đồng bào dân tộc còn nhiều gian khó. Khi ấy, cô Liên lo lắng và tâm sự điều này với thầy giáo của mình. Tuy nhiên, thầy Hoàng Đức Vinh nói với cô rằng: “Thầy yêu thương con thế nào thì con phải yêu thương học trò của mình như thế. Học sinh vùng khó thì lại càng cần thầy, cô tình nguyện".
Và từ đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù gặp nghịch cảnh, cô vẫn luôn nhớ lời thầy dặn là yêu thương học sinh hết lòng, tận tâm với con đường, với nghề mà mình đã chọn.
“Khi đọc đến tiêu đề của cuộc thi, tôi đã nhớ ngay đến thầy Vinh. Người thầy đã truyền cho tôi lửa nghề, giúp tôi đi con đường hạnh phúc của nghề giáo. Đã có nhiều câu chuyện giữa thầy và trò trong tác phẩm của tôi. Nhưng khi nghĩ đến tiêu đề cho bài văn ấy thì có lẽ tít: “Ngày... tháng... năm của thầy và tôi” đã chứa đựng biết bao câu chuyện rồi”, cô giáo Nguyễn Thị Liên xúc động.
Đã 26 năm trôi qua, cô giáo Nguyễn Thị Liên đã có những học trò trưởng thành trên mọi miền Tổ quốc. Trong buổi lễ trao giải, cô giáo Nguyễn Thị Liên nhận được sự chúc mừng của những học trò đến từ Học viện Ngoại giao, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội…
Cô giáo Nguyễn Thị Liên cho biết: “Hạnh phúc của nghề giáo chính là học trò nhớ về mình, tìm tới mình chia sẻ những niềm vui cũng như nỗi buồn của các em hay của mình. Tôi cảm thấy may mắn khi có môi trường làm việc được sự quan tâm của cán bộ quản lý cũng như đồng nghiệp và đặc biệt là học sinh. Vì thế, tôi càng nỗ lực để mang tình yêu thương, truyền dạy kiến thức để dạy các em nên người”.