Mong thêm chính sách
Sinh ra và lớn lên ở vùng khó, là người dân tộc Khmer, thầy giáo Kim Thành Phong (THPT Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) sớm ý thức được việc tiếp cận giáo dục để thoát cái đói, cái nghèo. Từ ý thức đó, mong muốn được học tập, trở về phục vụ đồng bào đã trở thành hiện thực với cậu học trò Khmer ngày nào. Nơi thầy Kim Thành Phong dạy học có gần 65% dân tộc Khmer.
Video thầy Kim Thành Phong chia sẻ với phóng viên báo Tin tức về mong muốn trở về quê hương cống hiến:
Thầy Thành Phong cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách về giáo dục, giúp ích nhiều cho hoạt động dạy học như: Nghị định 116 về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Nghị định 81 năm 2021 hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí cho người dân tộc. Rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các em được đến trường và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở vật chất ngày càng khang trang. Chất lượng giảng dạy ở trường ngày càng đi lên".
Tuy nhiên, thầy Thành Phong cũng chỉ ra những khó khăn lớn ở địa bàn dạy học là cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thiếu phòng học và bàn ghế chưa được kiên cố.
Thầy Thành Phong kể: “Học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số nền kinh tế khó khăn. Đa số các em vừa đi học, vừa phải phụ làm kinh tế cùng gia đình đặc biệt. Sau mỗi dịp lễ Tết dân tộc thì các em lại đi theo các anh lên các thành phố lớn. Vì thế, tỷ lệ bỏ học khá cao”.
Một khó khăn nữa mà thầy Thành phong chỉ ra là khó khăn về chính sách tiền lương. “Dù trường nằm trong vùng khó nhưng chính sách chỉ đến được với những trường nằm trong xã đặc biệt khó khăn. Mức lương như giáo viên như tôi chỉ đáp ứng được phần nào cuộc sống của bản thân. Nhưng để nuôi sống gia đình, thêm cho con đi học thì không đảm bảo. Mong Đảng, Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên vùng sâu, vùng xa hơn nữa. Có thêm những chương trình hỗ trợ, đồng hành để thầy cô yên tâm công tác, hạn chế giáo viên xin thôi việc vì không đảm bảo điều kiện kinh tế".
Thầy Thành Phong mong những năm học tới, chính quyền địa phương cũng như Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cơ sở vật chất cho vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, khi trường thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, thêm nhiều chính sách giúp cho các em đồng bào dân tộc Khmer, vùng cao ở mọi miền tổ quốc được hỗ trợ tiền ăn.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai lại chia sẻ câu chuyện về tình trạng tảo hôn ở học sinh nữ, vị thành thành niên. Do nhận thức chưa đầy đủ và những bất ổn từ môi trường sống nên tình trạng tảo hôn diễn ra rất nhiều ở trường cô dạy.
Ý thức được thực trạng này, cô Thuỷ cũng như một số giáo viên đã lập câu lạc bộ bạn gái trong nhà trường nhằm tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, bình đẳng giới, hướng nghiệp, dạy nghề. Hay như câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi", chủ yếu học sinh tham gia là nữ giới với những câu chuyện về sự thay đổi nhận thức hay tổ chức từ thiện…
Cô Nguyễn Thị Thuỷ đề xuất ngành giáo dục cũng như Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục có những chương trình hướng tới bình đẳng giới ở vùng khó. Đồng thời, ngành giáo dục tiếp tục có những chính sách cho giáo viên kiêm nhiệm chương trình này cũng như ưu tiên chế độ, trừ tiết để họ yên tâm công tác.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức từ năm 2015. Đến nay đã lựa chọn và tôn vinh hơn 400 giáo viên của nhiều nhóm lĩnh vực. Năm nay, Hội đồng xét chọn đã lựa chọn 68 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương. Đó là những thầy giáo, cô giáo có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; thầy cô đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận.
Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ hỗ trợ thêm giáo viên vùng khó
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Giáo dục trước hết là phát triển con người, giáo dục là động lực then chốt phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong những năm qua được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, xã hội, giáo dục đã đạt được những thành tích quan trọng. Có được những thành tích đó có phần lớn công sức, sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo không ngại khó khăn gian khổ của tất cả các thầy cô trên mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt có công lớn của các thầy cô được vinh danh hôm nay - những người đã hết lòng tận tụy với nghề. Các thầy cô là những tấm gương sáng về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh tận tụy với học sinh, với nghề nghiệp”.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin dạy và học, yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao, điều đó càng đòi hỏi nhiều hơn sự đóng góp của nhà giáo. Mỗi thầy cô giáo không chỉ là tấm gương sáng đạo đức nhà giáo, tinh thần tận tụy với nghề nghiệp mà còn là tấm gương sáng về học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ với những khó khăn, tâm tư của các giáo viên và khẳng định những khó khăn, trăn trở đó cũng là thách thức của ngành. Bởi những yêu cầu của xã hội với ngành giáo dục tác động đến từng gia đình, mọi thành phần trong xã hội đều kỳ vọng… Trong khi ngành giáo dục phải gánh trách nhiệm trong thời kỳ đổi mới thiếu nhiều thứ: Đội ngũ, cơ sở vật chất, chế độ nhà giáo, phương pháp giảng dạy, công nghệ, kỹ năng…
"Đổi mới là khó khăn, nhưng đổi mới ngành giáo dục còn khó khăn hơn nữa. Tôi tin lãnh đạo Nhà nước, cơ quan chuyên môn đều thấu hiểu, rất chia sẻ với các thầy cô, đến từ vùng sâu, xa", Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thì giải pháp ngành giáo dục không phải từ bây giờ mà đã có nhiều chế độ chính sách. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có những khó khăn. Trong điều kiện nhà nước, địa phương, Bộ luôn phấn đấu để đề ra những cơ chế chính sách. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phải tùy theo điều kiện kinh tế từng địa phương.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện nay Chính phủ có chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ các vùng dân tộc, khó khăn, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là giáo dục. Ông kỳ vọng chương trình góp phần tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học các trường ở địa phương, chế độ chính sách của nhà giáo. Chắc chắn tới đây, chính sách tiền lương cho giáo viên mầm non, tiểu học sẽ thay đổi.