Chưa rõ định hướng ôn tập cho kỳ thi Quốc gia

Dù chưa cụ thể và chi tiết, nhưng phương án của “kỳ thi chung” cũng đã được Bộ đưa ra. Với 3 môn thi chính văn, toán, ngoại ngữ, 1 môn tự chọn, cùng 1 môn theo phương án tuyển sinh riêng của trường ĐH mà mình đăng ký; việc ôn tập của các học sinh năm nay xem ra không hề đơn giản. Hiện tại, nhiều trường phải tăng tiết ôn tập cho học sinh, bên cạnh đó, học sinh vẫn phải “canh” mạng internet để biết về đề án tuyển sinh riêng của các trường.

“Tự mày mò”

Mặc dù lãnh đạo Bộ GD - ĐT cho rằng không có một cấu trúc đề nào cụ thể, nhưng theo lãnh đạo nhiều trường THPT, Bộ GD - ĐT nên có hướng dẫn cụ thể về đề thi để thuận tiện cho việc ôn tập.

Học sinh vẫn còn hoang mang trước những thông tin mới về kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: kenhtuyensinh.vn


Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT: Đề thi THPT quốc gia sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014; nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 và sẽ bao gồm các câu hỏi từ dễ đến khó để phân hóa trình độ thí sinh.

Với định hướng như trên, lãnh đạo nhiều trường THPT cho rằng vẫn chưa rõ ràng, khiến cho giáo viên và học sinh đều thiếu “cơ sở” để triển khai ôn tập. Nhiều trường đã phải tự xây dựng các cấu trúc đề thi khác nhau, nhằm giúp học sinh làm quen với dạng đề thi. “Nhiều trường đã đề nghị Sở GD - ĐT định hướng cách tiếp cận nội dung từng môn học, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là sẽ có định hướng sau khi Bộ GD - ĐT công bố cấu trúc đề thi”, một hiệu trưởng THPT quận Đống Đa, Hà Nội cho biết.

Nhiều trường THPT đã chủ động tìm phương án ôn tập cho học sinh của mình. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Với cách thức thi mới này, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phải khảo sát năng lực và định hướng để học sinh chọn môn thi phù hợp với năng lực của mình. Trên cơ sở đó, trường phân lớp để ôn tập.

Kết quả khảo sát sơ bộ của trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho thấy, trong số 315 học sinh lớp 12, có hơn 70% chọn thi môn địa lý, chỉ có gần 8% chọn môn lịch sử. Những môn học thuộc khối D có số lượng học sinh chọn theo nhiều nhất, lý do là có khá nhiều học sinh đã điều chỉnh nguyện vọng theo phương án thi mới (với ba môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ) để giảm tải việc học.

“Nhưng việc tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh vẫn chưa ổn định, bởi phương án tuyển sinh riêng của nhiều trường ĐH vẫn đang tiếp tục được cập nhật. Không chỉ riêng trường tôi mà nhiều trường khác cũng đang trong tâm trạng mong ngóng cấu trúc đề thi để thuận lợi cho việc ôn tập”, thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Còn nhiều lo lắng

Em Nguyễn Hoàng Tùng, học sinh trường THPT Ngô Thì Nhậm, Ninh Bình, cho biết: “Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có rất nhiều điểm mới mà các thí sinh phải làm quen. Cụ thể, chúng em phải thi 3 môn chính là văn, toán, ngoại ngữ và chờ thêm 1 môn thi tự chọn nữa. Bên cạnh đó, em cũng như các bạn cùng lớp phải thường xuyên lên mạng để theo dõi đề án tuyển sinh riêng của trường mình đăng ký dự thi để xem trường chọn thi môn nào. Đặc biệt, thông tin một số trường không chấp nhận kết quả thi nếu thí sinh thi ở cụm địa phương, cũng gây hoang mang cho chúng em. Do đó, em cũng như nhiều bạn vẫn muốn thi tại các cụm do trường đại học chủ trì, để có thể yên tâm hơn. Nói chung, có quá nhiều chuyện phải lo lắng”.

Tùng cũng cho biết, do các trường cứ “nhỏ giọt” việc công bố các phương án tuyển sinh, nên thí sinh rất hoang mang. Bên cạnh đó, việc thường xuyên phải “canh” mạng internet để biết điểm mới của những trường, khối ngành mình quan tâm, đã ảnh hưởng đến việc ôn tập của học sinh.

Anh Phạm Huy Hà (Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ khi Bộ GD- ĐT công bố phương án thi, nhà trường đã yêu cầu tăng tiết để ôn tập cho học sinh. Bên cạnh đó, gia đình cũng chủ động lên lịch cho con học để tránh bị mệt mỏi trước áp lực từ nhiều phía như hiện nay.

Như mọi năm, Bộ GD - ĐT thông báo hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT (cấu trúc đề thi) sau khi công bố các môn thi tốt nghiệp THPT (cuối tháng 3). Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết, năm nay những công việc này sẽ được hoàn thiện sớm hơn, do các môn thi đã được quy định từ đầu năm học. Do vậy, thời gian sẽ sớm hơn hơn hẳn so với mọi năm.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường THPT, ngành giáo dục nên chủ động hơn trong việc công bố các văn bản quy định về việc thi ngay từ đầu năm học để nhà trường có hướng triển khai, cũng như thêm thời gian cho học sinh có thể “bắt nhịp” với việc ôn tập, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất cho kỳ thi quốc gia này.


Lê Vân

Kỳ thi quốc gia: Cuộc chơi bắt đầu nhưng chưa có luật chơi
Kỳ thi quốc gia: Cuộc chơi bắt đầu nhưng chưa có luật chơi

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Tất cả các nguyên tắc, chủ trương về kỳ thi THPT quốc gia đều được các trường và các Sở GD - ĐT ủng hộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN