Tuy nhiên, dù đã qua gần 2 năm thực hiện nhưng hình thức học tập này vẫn còn "điểm nghẽn" cần tháo gỡ. Bên cạnh những thách thức liên quan đến thiết bị học tập, hệ thống đường truyền internet, khả năng áp dụng công nghệ,... còn phải kể đến việc chưa có phần mềm nào của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu học tập và đánh giá chất lượng dạy học ở quy mô tỉnh, thành phố hoặc toàn quốc.
Chủ yếu sử dụng phần mềm từ nước ngoài
Thời gian vừa qua, tại Hà Nội, học sinh, sinh viên vẫn học online từ 2 đến 6 tiếng mỗi ngày, tuỳ theo từng cấp học. Các em sử dụng thiết bị học trực tuyến thường xuyên, liên tục, không chỉ gây ảnh hưởng đến thị lực, mà còn làm giảm khả năng giao tiếp với thầy cô và bạn bè, vì đa phần học sinh chỉ nghe giảng. Nhiều bài giảng trực tuyến sẽ chỉ đem đến khái niệm lý thuyết, các em không thể thực hành hoặc làm việc theo nhóm.
Việc dạy, học trực tuyến cũng gặp nhiều nhất là thiếu thiết bị kết nối mạng, thiếu đường truyền internet ổn định. Khắc phục những khó khăn này, cùng với chương trình trao tặng thiết bị học tập trực tuyến như chương trình "Sóng và Máy tính cho em", "Cùng em học trực tuyến",… thì nhiều địa phương đã chuyển sang hình thức giảng bài trên truyền hình. Tuy nhiên, với các trường đại học, thì việc học trên truyền hình sẽ không thể đảm bảo khi muốn đánh giá chất lượng học tập của sinh viên.
Việc dạy và học trực tuyến của tất cả các cấp học hiện nay chủ yếu sử dụng phần mềm của nước ngoài như Zoom, Google Meet hay Microsoft Team. Về bản chất, những phần mềm là phục vụ nhu cầu họp mặt, thực hiện các buổi hội thảo trực tuyến chứ không phải là giảng dạy. Do đó, chúng mới chỉ phục vụ việc học tập một cách cơ bản nhất mà không có công cụ hỗ trợ việc đánh giá chất lượng giảng dạy.
Với những phần mềm nói trên, việc tương tác giữa thầy và trò bị hạn chế. Các giáo viên chỉ có thể điểm danh học sinh chứ không thể theo dõi sát sao quá trình học tập của các em. Có những thời điểm đường truyền internet gặp sự cố thì màn hình máy tính chỉ hiển thị bài giảng, camera của cả thầy và trò đều phải tắt để đảm bảo việc giảng dạy không bị gián đoạn.
Bà Phạm Thị Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Giải pháp giáo dục số (Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel) phân tích: Từ khi lớp học từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến thì hầu như việc đánh giá chất lượng dạy và học đều phụ thuộc vào người giáo viên; các phần mềm phổ biến hiện nay đều không hỗ trợ vấn đề này. Việc tiếp thu bài giảng của học sinh thông qua học trực tuyến cũng bị giảm đi đáng kể khi khối lượng kiến thức quá lớn, các thầy cô không đủ thời gian để truyền tải hết. Vì thế, các thầy cô đều phải gửi lại bài giảng cho học sinh sau khi kết thúc giờ học để các em tự nghiên cứu thêm.
Thêm vào đó, khi cần phải kiểm tra đánh giá học sinh hay quản lý chất lượng dạy và học thì các phần mềm đó hoàn toàn không thể đáp ứng được. Điều đó càng đặt ra cho các nhà quản lý yêu cầu về việc nghiên cứu, áp dụng những nền tảng dạy học trực tuyến kết hợp với quản lý đánh giá.
Mắt xích quan trọng để chuyển đổi số thành công
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc kinh doanh khối tư nhân và đầu tư công của Công ty Microsoft Việt Nam, cho biết: Thách thức đầu tiên của việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục là có những công cụ phần mềm và công cụ vật lý cần được xây dựng một cách bài bản. Yếu tố thứ hai là kỹ năng và trình độ công nghệ thông tin cho người dạy lẫn người học. Thứ ba chính là thách thức về vấn đề bảo mật dữ liệu.
Việc xây dựng một kho dữ liệu số cho ngành giáo dục cũng là điều quan trọng bên cạnh vấn đề nghiên cứu và áp dụng phần mềm dạy học trực tuyến dành riêng cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Đây không phải là câu chuyện của tương lai mà là điều chúng ta cần phải nhanh chóng thực hiện. Khi kho dữ liệu số được thiết lập, những nhà quản lý giáo dục sẽ có cơ sở để đánh giá chất lượng dạy và học. Cũng từ những con số thống kê đó, họ sẽ nghiên cứu và đưa ra điều chỉnh một cách nhanh chóng nhất cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Việc chia sẻ và trao đổi kiến thức của giáo viên và học sinh cũng trở nên dễ dàng hơn. Không chỉ có được nền tảng dạy học phù hợp, giáo viên còn có thể kiểm tra đánh giá năng lực của từng học sinh. Còn học sinh cũng có được kho dữ liệu các bài giảng của thầy cô giáo để tiện tìm hiểu thêm thay vì phải chờ thầy cô chuyển đến từng cá nhân. Nói cách khác, thầy cô sẽ có thêm một trợ lý ảo để phục vụ giảng dạy còn học sinh sẽ có thêm một "giáo viên ảo" để hỗ trợ tiếp thu kiến thức.
Hiện nay, các tỉnh thành phố đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 diện rộng, việc học online sẽ được cân nhắc để chuyển sang học trực tiếp. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu học trực tuyến vẫn là xu thế mở ra một phương thức học chủ động, xóa khoảng cách trong giáo dục.
Trong năm 2020- 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu nhiều nền tảng trực tuyến make in Việt Nam hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng lại thiếu vắng nền tảng công nghệ Việt dành cho giáo dục trực tuyến. Hiện các tập đoàn công nghệ thông tin lớn của Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT đều đã quan tâm, xây dựng nền tảng trực tuyến cho giáo dục. Nhưng việc phát triển tính năng để nền tảng có thể đáp ứng được nhu cầu đặc trưng của giáo dục, đặc thù của các ngành học, cấp học cũng như nguồn tài chính để triển khai đồng bộ là những thách thức đối với cả doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam và cả cơ sở giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, về lâu dài, nền tảng giáo dục trực tuyến Make in Việt Nam triển khai toàn quốc sẽ là mắt xích quan trọng để thực hiện thành công chuyển đổi số trong ngành giáo dục Việt Nam.