Ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam là điểm nhấn quan trọng hàng đầu trong năm 2016. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở THPT; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam với cấu trúc thành 8 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và văn bản pháp luật hiện hành. Thực hiện tốt Khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo, công nhận và miễn trừ kinh nghiệm học tập, lao động để thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân.
Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, năm 2016, ngành giáo dục đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện như: Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, Quy chế đào tạo tiến sĩ, Nghị định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục...
Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội. Có thể nói đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh đại học các năm tiếp theo theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn.
Năm 2016 tiếp tục là một năm khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam với thế giới khi 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều mang về Huy chương Vàng, trong đó có Huy chương Vàng môn Sinh học chúng ta phải chờ đợi 15 năm qua. Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã tổ chức thành công kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.
Đối với ngành giáo dục, năm 2016 còn có thể coi là năm bản lề với nhiều kế hoạch mới bắt đầu được xây dựng để triển khai trong những năm tiếp theo. Những đề án, kế hoạch này chính là sự cụ thể hóa 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản mà ngành giáo dục đang triển khai thực hiện trong năm học này và những năm tiếp theo.
Phóng viên: Ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong năm qua nhưng chưa phải đã hết những băn khoăn từ dư luận. Bộ trưởng nhìn nhận những hạn chế, khó khăn của ngành trong năm qua là gì?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành giáo dục cũng thẳng thắn nhìn nhận những việc còn hạn chế, chưa làm được.
Trong xây dựng và thực hiện chính sách về giáo dục và đào tạo cần đề cao tính thực tiễn và hiệu quả. Mặc dù trước khi xây dựng chính sách đều có nghiên cứu, khảo sát nhưng thực tế vẫn còn những điểm chưa phù hợp, khó triển khai trong thực tiễn.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa thật hiệu quả, chưa sát với nhu cầu sử dụng.
Nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của ngành. Cơ sở vật chất trường, lớp học còn thiếu thốn. Ở một số địa phương nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải. Công tác xã hội hóa trong đầu tư cho giáo dục chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Đến nay mặc dù ngành giáo dục đã thực hiện phân cấp tối đa cho các địa phương, song sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền ở một số địa phương vẫn chưa được thể hiện rõ nét. Một số nơi chưa sát sao phát hiện và chủ động có các giải pháp khắc phục trước các vấn đề giáo dục và đào tạo của địa phương.
Phóng viên: Bộ trưởng có thể cho biết những việc năm 2017 ngành giáo dục sẽ tập trung triển khai thực hiện?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản được đặt ra cho năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo, bước sang năm 2017, ngành giáo dục sẽ tăng cường kỷ cương và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đối với bậc học mầm non, tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ở bậc học phổ thông, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng... Riêng với giáo dục đại học sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong công tác xây dựng thể chế, ngành giáo dục sẽ chú trọng hơn tới tính thực tiễn của từng chính sách. Việc phân cấp cho địa phương, cơ sở cũng sẽ được thực hiện triệt để hơn nữa để các vụ, cục, đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tập trung cho nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng văn bản, chính sách của ngành.
Năm 2017, ngành giáo dục sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn. Hiện nay, ngành cũng đang triển khai tái cơ cấu các trường sư phạm theo hướng giảm bớt số lượng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình 2020. Đồng thời mở rộng thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2017 sẽ đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng, từ đó quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.
Để triển khai được những nhiệm vụ nói trên, toàn ngành giáo dục sẽ phải nỗ lực, đồng lòng hơn nữa. Niềm tin của xã hội chính là động lực quan trọng để ngành có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phóng viên: Bộ trưởng đã nói đến niềm tin của xã hội dành cho giáo dục, vậy tiếp tục tạo dựng niềm tin có phải là thông điệp của ngành giáo dục trong năm 2017?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục là một ngành đặc thù với sự tác động rộng lớn, vì thế sự kỳ vọng dành cho ngành hết sức lớn lao. Đây là động lực nhưng cũng là áp lực đối với toàn ngành.
9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cụ thể được đặt ra cho thấy ngành giáo dục đã xác định rõ từng mũi nhọn để tạo ra sự đột phá. Mỗi mũi nhọn được tính toán trong lộ trình và bước đi phù hợp.
Giáo dục là lâu dài nên không thể nóng vội, các vấn đề đặt ra cho giáo dục cũng không thể giải quyết ngay trong ngày một ngày hai, có những vấn đề sẽ không bao giờ kết thúc, bởi hoàn thành ở mức độ này sẽ đặt ra đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Vì thế, ngành giáo dục cần sự đồng hành kiên trì và niềm tin vững vàng của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và của toàn xã hội.
Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm lắng nghe, đổi mới và hành động của toàn ngành giáo dục.
Nhân dịp chuẩn bị đón xuân Đinh Dậu, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi xin gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, những người đã luôn dành sự quan tâm, đồng hành cùng với ngành giáo dục trong suốt một năm qua. Chúc các em học sinh, sinh viên trong cả nước có một năm mới với những tiến bộ và thành công mới!
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!