Đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) về giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và phân luồng giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng chất lượng giáo dục hiện chưa cao, do nguyên nhân chính nằm ngay trong chương trình đào tạo chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến khi sinh viên ra trường thiếu kỹ năng thực tế, trải nghiệm, không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin... Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục - đào tạo khi xây dựng chương trình phải bám sát thực tiễn, hỏi ý kiến nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, hiện Bộ chưa kiểm soát được thực chất của việc lấy ý kiến của các cơ sở giáo dục - đào tạo. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, kiểm tra chặt chẽ nhằm đảm bảo đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.
Đối với lĩnh vực phân luồng giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế. Việc phân luồng phải thể hiện ở ngay trong chương trình đào tạo. Điển hình như ở cuối cấp Trung học cơ sở, lĩnh vực khoa học công nghệ cần được tăng cường, nội hàm của chương trình phải gắn với thực tiễn; đồng thời điều kiện giảng dạy phải tương thích, tránh tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa". Giáo dục hướng nghiệp tại cấp Trung học phổ thông cũng chưa làm tốt việc phân luồng giáo dục. Hiện có đến 70% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tiếp tục chuyển sang Trung học phổ thông, chỉ có 5% vào các trường đào tạo nghề. Đây là con số mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức rõ trách nhiệm trong vấn đề về phân luồng giáo dục. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo trong xây dựng chương trình sách giáo khoa mới cần coi trọng phân luồng, đặc biệt ở cấp Trung học phổ thông cần giáo dục hướng nghiệp rõ hơn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Thông tin về Đề án chương trình sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhưng thời gian, tiến độ thực hiện Đề án còn chậm. Đến thời điểm này, Bộ đã có nền tảng thực hiện công việc một cách chắc chắn. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng 4 thông tư liên quan đến nội dung này, trong đó hai thông tư đã ban hành; một thông tư đang được Bộ Tư pháp kiểm định; thông tư về tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, để bảo đảm chất lượng, sau khi có chương trình tổng thể sẽ ban hành. Tiêu chí đánh giá phải hết sức thận trọng, tránh tràn lan.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi những cuốn sách công nghệ giáo dục mặc dù có nội dung gây nhiều tranh cãi nhưng vẫn được đưa vào giảng dạy tại cấp tiểu học ở nhiều tỉnh, thành phố trước khi có Nghị quyết 88/2014/QH13. Các cuốn sách này đã được Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét và kiến nghị với Bộ trưởng hay không?. Nếu cho rằng những cuốn sách này được đưa vào trường theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, tại sao chưa có chương trình mới đã có sách giáo khoa mới. Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và khẳng định đây là sách thí điểm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành rà soát, thẩm định. Sau khi các nhà khoa học thẩm định, nếu thấy nội dung không hợp lý sẽ thay đổi, chỉnh sửa cho phù hợp, dừng sử dụng.
Giải quyết bất cập trong cơ cấu trường, lớp
Nhằm giải quyết bất cập trong quy mô, cơ cấu trường lớp hiện nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định giải pháp căn cơ nhất là cần rà soát các quy chuẩn, quy hoạch, không chỉ ở cấp đại học mà cả ở các bậc học khác. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát lại các quy chuẩn, quy hoạch các trường đại học để thống nhất mạng lưới, hệ thống các trường, đồng thời hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch các bậc học.
Không chỉ bất cập trong cơ cấu trường lớp, mà hiện còn tồn tại bất cập trong cơ cấu ngành, như: Khoa học xã hội, kinh tế, luật sư... đào tạo thừa rất nhiều trong khi có những ngành về kỹ thuật công nghệ, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... lại thiếu. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường làm việc với các trường, các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội...; chỉ đạo các trường phối hợp với người tuyển dụng để nắm bắt nhu cầu từ đó có cơ cấu, chương trình đào tạo phù hợp - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về việc liệu nước ta có quá nhiều trường đại học hay không, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng nếu xét số sinh viên/vạn dân thì không nhiều. Hiện, nước ta có hơn 200 sinh viên/vạn dân, đối với các nước trung bình là 450 sinh viên/vạn dân. So với nhu cầu về chất lượng, các trường đại học hiện có nhiều, nhưng không ít trường không đạt chuẩn Đại học, tới đây cần rà soát, sắp xếp. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất ủng hộ chủ trương tăng cường chất lượng các trường đại học theo hướng: Các trường có chất lượng, trường trọng điểm tập trung ở Trung ương, vùng, miền; tại các tỉnh sẽ liên kết, phối hợp dưới dạng các phân hiệu hay các trường đại học thành viên để tạo thành mạng lưới. Bên cạnh đó, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển đại học với điều kiện quản lý phải tốt, phi lợi nhuận để tránh trường hợp vì lợi nhuận dẫn đến những lộn xộn như thời gian gần đây. Chủ trương của Chính phủ là vẫn mở các trường đại học nhưng theo hướng chất lượng. Hiện Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh thực hiện. Trước khi rà soát, Bộ có kiểm định.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Theo Bộ trưởng, các địa phương cần có trường Đại học nhưng cần được quy hoạch trong mạng lưới chung. Các trường đại học tại địa phương vẫn có thể chia sẻ nguồn lực đào tạo từ các trường đại học vùng. Học sinh đại học không nhất thiết là phải gần nhà. Có một trường nghề, trường cao đẳng tốt còn hơn một trường đại học tồi. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ,ngành siết chặt chất lượng các trường, đảm bảo được nhu cầu học hành của sinh viên nhưng phải quy hoạch để phân tầng xếp loại, tạo ra trật tự và đảm bảo chất lượng.
Có giải pháp cụ thể đối với học sinh dân tộc thiểu số Liên quan đến nội dung đào tạo người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định cử tuyển đối với đối tượng này là chủ trương lớn, được Đảng, Nhà nước quan tâm. Dù khó khăn, Chính phủ đã dành nguồn ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc. Đây là cố gắng lớn trong quá trình phân bổ phương án tài chính nhưng kết quả chưa cao, bởi ưu tiên đầu tư là cần thiết nhưng quan trọng hơn là cần tạo cơ hội để sinh viên dân tộc thiểu số có việc làm ngay sau khi học xong. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc để có các giải pháp cụ thể đối với nhóm đối tượng này.
Xác nhận việc đào tạo đại học đối với học sinh dân tộc thiểu số tự thi tuyển chưa có sự công bằng so với cử tuyển, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với Bộ Nội vụ để có giải pháp trong thời gian tới, trong đó chú trọng những giải pháp thiết thực như: học bổng, ưu tiên miễn học phí cho sinh viên dân tộc thiểu số tự thi tuyển.
Về vấn đề nhiều người dân chưa biết chữ, Bộ trưởng xác nhận theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 4,2% người Việt chưa biết chữ, đối với người dân tộc thiểu số là 5,3%. Đây là vấn đề cần quan tâm nhiều hơn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về dạy tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ triển khai tích cực việc dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; đồng thời cũng tính đến dạy ngoại ngữ đối với nhóm đối tượng này.
Khắc phục hạn chế trong giáo dục và đào tạo
Trước bức xúc của các đại biểu Quốc hội liên quan đến bạo lực học đường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là vấn đề có thật và con số đang gia tăng. Trong 22 triệu học sinh, sinh viên, đây là bộ phận nhỏ nhưng làm vẩn đục, ảnh hưởng đến lối sống của cả một thế hệ học sinh, sinh viên, có nguy cơ không kiểm soát được. Nguyên nhân của vấn đề này, ngoài trách nhiệm của ngành giáo dục còn là trách nhiệm của gia đình, xã hội...
Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần giáo dưỡng đạo đức từ nhỏ, tăng cường học và thi môn Giáo dục công dân. Việc Bộ quyết định đưa môn Giáo dục công dân, môn Lịch sử vào bắt buộc thi tốt nghiệp với học sinh phổ thông nhằm góp phần giảm bạo lực học đường. Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng chương trình học thực tế, thiết thực với cuộc sống; đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp giảng dạy chương trình hai môn này.
Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời cụ thể về vụ việc giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, bị chính quyền địa phương điều đi làm lễ tân, tiếp khách trong các dịp lễ lớn, làm nóng dư luận thời gian qua. Chia sẻ với ý kiến của nhiều đại biểu và nhân dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là việc không tốt. Không chỉ với giáo viên mà với tất cả các cán bộ, nhân viên, nếu mỗi người không có thái độ kiên quyết sẽ có những sự việc manh nha khác.
Nhân dịp sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời tri ân tới các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa.
Đổi mới giảng dạy và chất lượng giáo dục đại học
Làm rõ thêm nội dung các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo dục là vấn đề toàn dân quan tâm. Đánh giá nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo không chỉ trong một vài năm qua mà trong suốt một quá trình. Đổi mới cũng phải có quá trình, có những việc cố gắng ngày hôm nay, 10 năm sau mới có kết quả. Trong các báo cáo của các tổ chức quốc tế, gần đây nhất là trong xây dựng Báo cáo Việt Nam năm 2035, các tổ chức quốc tế có hai điểm khuyến nghị Việt Nam về giáo dục: Giáo dục phổ thông cần đặc biệt chú ý tới các dân tộc thiểu số, đây cũng là nhiệm vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề ra các chương trình, chính sách cụ thể giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn. Thứ hai, về chất lượng giáo dục đại học. Số liệu đánh giá khác nhau nhưng Tổ chức năng suất châu Á - Thái Bình Dương nhận định: Tại Việt Nam trình độ càng cao thì kỹ năng so với mặt bằng thế giới càng kém, có tới 80% nhân lực của Việt Nam khi các công ty đa quốc gia đăng tuyển, đánh giá chưa đạt yêu cầu phải bồi dưỡng tiếp. Đáng ngạc nhiên là những lao động kỹ thuật đơn giản chỉ có khoảng 20% lao động phải đào tạo tiếp.
Theo Phó Thủ tướng, đổi mới về giáo dục có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân là kiểm định chất lượng trong quá trình học và kiểm định chất lượng đầu ra chưa tốt. Thời gian tới, cần đẩy mạnh điều này, khuyến khích các trường tự kiểm định và sẽ có những trung tâm kiểm định để kiểm định và công khai kết quả.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cố gắng chỉ đạo việc đẩy mạnh tự chủ đại học, cả về chuyên môn, tài chính, tổ chức nhân sự. Vấn đề tự chủ ở đây thực chất là bớt can thiệp hành chính không cần thiết vào công việc của nhà trường trong một môi trường giáo dục và khoa học. Một yêu cầu đi kèm với nó là chính sách đảm bảo sự tiếp cận với giáo dục trình độ cao.
Đề cập đến việc đổi mới Kỳ thi chung quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định: Thi là khâu đột phá, từ đó lan tỏa ra các khâu khác trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, vì đây là vấn đề xã hội rất bức xúc. Nước ta có quá nhiều kỳ thi, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nguyên nhân chủ yếu là hình thức và gian dối cho nên nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi này. Thi vào đại học, cao đẳng quá căng thẳng, phức tạp, là nguyên nhân khiến học sinh học lệch, học tủ. Sau khi "vượt vũ môn", vào đại học, học sinh có tâm lý buông lơi - đây là một trong những yếu tố khiến chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam không thật tốt. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có kỳ thi trung thực, khách quan, để học sinh học toàn diện và thi đại học không quá căng thẳng ở mức không cần thiết?
Phó Thủ tướng cho rằng các kỳ thi có điểm chuyển biến so với từng năm. Năm 2016 tiếp tục có những điểm tốt và 2017 có những đổi mới rất căn bản, thi trắc nghiệm. Về vấn đề này, khi tiếp xúc với học sinh, tân sinh viên, ý kiến chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe dư luận để kỳ thi thành công, thể hiện ở việc trung thực, đơn giản, bớt áp lực hơn cho toàn xã hội. Đây là việc tiếp tục phải làm từ nay cho đến kỳ thi. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi công bố, phải ra đề mẫu để học sinh, phụ huynh biết. Sau khi ra thêm hai lần đề mẫu, tiếp tục chỉnh sửa, cho phù hợp. Thi trắc nghiệm và thi tự luận không có phương pháp nào là toàn diện, quan trọng và cơ bản là trình độ ra đề. Về việc ra đề thi, Bộ đã nghiên cứu hơn 10 năm và hai năm vừa qua, Bộ đã chỉ đạo Đại học Quốc gia thí điểm thực hiện, kết quả cho thấy hoàn toàn có thể tin tưởng được. Yêu cầu Bộ trưởng trình đề án muộn nhất là năm 2017, Phó Thủ tướng cho rằng đại biểu Quốc hội và nhân dân có thể yên lòng.
Đối với việc đổi mới thi tuyển đại học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải thực hiện theo Luật Giáo dục đại học, quy định quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học. Do đó, nếu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tốt, khách quan và có sự phân hóa học sinh, đại đa phần các trường đại học sẽ lấy kết quả của kì thi này để tuyển sinh đại học. Theo Phó Thủ tướng, "đầu vào" cũng chỉ là một phần, quan trọng là phải đổi mới giảng dạy và đổi mới chất lượng giáo dục đại học.
Giải quyết tốt các vấn đề quản lý
Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, giáo dục đào tạo là vấn đề liên quan mật thiết với từng gia đình, từng người dân, thể hiện qua số lượng đại biểu đăng ký chất vấn và rất nhiều lần tranh luận so với các Bộ trưởng trước. Các đại biểu đã đặt những câu hỏi thẳng thắn, bám sát thực tiễn, nhóm vấn đề chất vấn và tranh luận sôi nổi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tuy mới nhận nhiệm vụ và trả lời chất vấn lần đầu đã thể hiện nắm chắc chuyên môn, nhiệm vụ, tình hình, thực trạng của ngành và những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm. Tuy nhiên, việc trả lời một số nội dung còn dài, chưa thỏa mãn mong muốn của các đại biểu, thời gian trả lời còn dài so với các Bộ trưởng khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra, đồng thời tham mưu cho Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp thiết thực để tiếp tục cụ thể hóa việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo; nghiên cứu thực tiễn, lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện phương án tổ chức thi; rà soát lại quy hoạch trường đại học, có giải pháp và đề ra lộ trình để khắc phục những bất cập; nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường việc làm để làm định hướng cho giáo dục đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; có giải pháp khắc phục triệt để những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm; rà soát lại toàn diện chương trình sách giáo khoa đã triển khai, kịp thời phát hiện những sai sót, bất cập, mâu thuẫn, có những giải pháp khắc phục đảm bảo chất lượng, phù hợp với định hướng đổi mới. Bộ rà soát bất cập trong chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số, việc cử tuyển với học sinh là người dân tộc thiểu số gắn với nhu cầu bố trí việc làm tại địa phương, có chính sách hỗ trợ với học sinh, sinh viên có nhiều năm đạt thành tích học tập xuất sắc.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục Đào tạo, đánh giá cao tâm huyết, lòng yêu nghề, công lao các thế hệ nhà giáo Việt Nam, sự hiếu học của học sinh, sinh viên, sự quan tâm của gia đình và xã hội đối với việc học hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần nhìn nhận tình trạng học sinh nước ta chịu áp lực học tập rất nặng nề so với những nước khác ở các cấp tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, nhưng đến khi tốt nghiệp ra trường lại khó tìm việc làm. Đây là thực trạng cần phân tích, nghiên cứu và tìm ra giải pháp trong thời gian tới. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm, có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, phối hợp với những bộ, ngành liên quan giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực quản lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, xử lý, ngăn chặn những sai phạm, báo cáo Quốc hội vào những kỳ họp sau.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời cảm ơn sâu sắc, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo.