Đổi mới giáo dục và đào tạo cần có lộ trình phù hợp

Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội và cử tri cả nước ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá là nắm chắc lĩnh vực quản lý ngành.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nửa đầu buổi sáng 16/11 rất tốt. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng như nhiều Bộ trưởng khác nhận nhiệm vụ chưa lâu, thực tế mới chỉ hơn 6 tháng nhưng đã nắm rất chắc công việc giáo dục và đào tạo trên tất cả các bậc học, ngành học. Bộ trưởng nắm rất cặn kẽ và trong quá trình trả lời đã nêu cả những con số dẫn chứng, minh họa rất cụ thể. Một điểm tốt nữa đại biểu Thắng ghi nhận là Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào câu hỏi của đại biểu. Đồng thời, Bộ trưởng đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế của ngành cũng như cá nhân của mình với vai trò là người đứng đầu ngành. Bên cạnh việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng đã nêu được những giải pháp cần phải khắc phục những vấn đề đó.\

Đại biểu Phạm Tất Thắng tán thành với quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là đổi mới giáo dục và đào tạo cần có lộ trình; không thể có kết quả trong một thời gian ngắn, một vài tháng, một vài năm, việc đào tạo là cả một quá trình. Thậm chí kết thúc quá trình đó người công dân bước vào thị trường lao động thể hiện được trình độ, năng lực của mình, lúc đó mới kết luận được quá trình đào tạo có đem lại hiệu quả hay không; có đáp ứng được nhu cầu của xã hội hay không. Ngành giáo dục hiện đang thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Sau khi xây dựng xong, chương trình sách giáo khoa đưa vào áp dụng thí điểm, sau đó mới áp dụng đại trà. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên, đặc biệt là đào tạo lại đội ngũ giáo viên.


Đánh giá mặc dù lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) thấy rằng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời rất thẳng thắn nhưng muốn Bộ trưởng trả lời ngắn gọn hơn. Trao đổi về việc dạy, học ngoại ngữ ở các trường phổ thông, đại biểu đặt câu hỏi tại sao chúng ta bắt đầu dậy ngoại ngữ từ năm lớp 3, mà không phải là lớp 1. Theo đại biểu Hiếu, học ngoại ngữ càng sớm càng tốt và đề xuất cần bắt đầu dạy ngoại ngữ sớm hơn và chuyên nghiệp hơn.

Đại biểu Trần Thi Hoa Ry (Bạc Liêu) thể hiện sự hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, đại biểu quan tâm tới vấn đề đào tạo gắn với sử dụng nguồn nhân lực, đây là vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm. Hiện nay có tình trạng người trong độ tuổi lao động thất nghiệp còn nhiều, trong số này có nhiều con em của đồng bào các dân tộc, con em nông dân. Đại biểu cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cần phối hợp để giải quyết được thực trạng này. Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị cần có sự phối hợp liên ngành, liên bộ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống. "Chúng ta đầu tư đúng nghĩa cho giáo dục, chất lượng giáo dục sẽ tăng thêm"- đại biểu Ngân khẳng định.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nắm chắc vấn đề, đặc biệt cùng với nhận trách nhiệm, Bộ trưởng đã đưa ra được các giải pháp khắc phục. Đại biểu Trần Hoàng Ngân muốn tiếp tục được tranh luận thêm cùng Bộ trưởng về việc 191.000 sinh viên ra trường không có việc làm. Đặt câu hỏi liệu thống kê này đã hết chưa, đại biểu nêu vấn đề này có liên quan mật thiết tới sự phát triển kinh tế của đất nước. "5 năm qua kinh tế chỉ tăng trưởng 5,91%, do đó việc tạo công ăn việc làm có những khó khăn nhất định. Vì vậy làm sao phải thúc đẩy được sự phát triển của kinh tế từ 6,5-7% trong giai đoạn tới sẽ góp phần giải quyết được công ăn việc làm".


Quỳnh Hoa (TTXVN)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề ra những giải pháp cho ngành giáo dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề ra những giải pháp cho ngành giáo dục

Phần trả lời của hai bộ trưởng trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 16/11 đã bao quát được các vấn đề, dám nhận nhận trách nhiệm về mình, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để hành động. Đó là nhận định chung của đa số đại biểu bên hành lang Quốc hội về phần trả lời của các bộ trưởng trong phiên chất vấn sáng 16/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN