Cuối giờ chiều qua (4/6), Bộ GD-ĐT đã họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra. Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo tốt nghiệp THPT 2012 đã trả lời những băn khoăn, thắc mắc của báo giới xung quanh kỳ thi này.
Điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là giao quyền chủ động về các địa phương, Thứ trưởng có nhận định gì về cách làm này?
Sau khi thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT- TTg ngày 8/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “hai không”, kỳ thi tốt nghiệpTHPT đã được chấn chỉnh, tổ chức nghiêm túc, có nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, kết quả giáo dục phổ thông trong thời gian vừa qua có sự tiến bộ đã giúp cho giáo viên, học sinh tự tin hơn trong kỳ thi tốt nghiệp. Chính vì vậy, Bộ chủ trương giao thêm quyền chủ động cho các địa phương. Việc giao quyền đã có tác dụng rất tốt, thuận lợi cho địa phương, phát huy vai trò trách nhiệm của các địa phương. Ví dụ, việc duyệt kết quả tốt nghiệp vẫn là sở GD - ĐT. Chỉ có trước khi thông báo kết quả tốt nghiệp, sở phải báo cáo Bộ rồi mới được thông báo kết quả đó tới thí sinh.
Bộ đang trong quá trình đổi mới, kiểm tra, đánh giá đào tạo nói chung. Những điểm mới ấy sẽ được áp dụng trong nhà trường. Ví dụ, thí sinh phổ thông nghiên cứu khoa học sẽ được xét cộng điểm ưu tiên hoặc miễn thi. Đấy là một cách đánh giá. Tôi tin là không nước nào không tổ chức thi. Mục đích thi không phải đánh trượt thí sinh mà đánh giá hiệu quả kỳ thi có sát với chất lượng học sinh hay không. Tôi muốn nhấn mạnh, hiệu quả của kỳ thi là giúp đánh giá chất lượng giáo dục chứ không phải đánh giá chất lượng của kỳ thi.
Theo ghi nhận của PV thì vẫn có những nơi phao thi xuất hiện ở khu vực thi và nhiều thí sinh ngang nhiên nói về việc quay cóp. Vậy phải chăng có sự nới lỏng, giám thị bỏ qua những thí sinh đó, thưa Thứ trưởng?
Bộ GD - ĐT quy định: Chậm nhất đến ngày 18/6, các hội đồng chấm thi xét và đề nghị Giám đốc sở GD - ĐT sơ duyệt kết quả tốt nghiệp, công bố kết quả tạm thời của kỳ thi. Trước ngày 25/6, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh. |
Có những thí sinh vẫn cầm tài liệu tranh thủ học trước khi thi và sau khi thi giở tài liệu ra vì lo lắng về kết quả thi của mình. Vì vậy tài liệu vứt ra ngoài khu vực thi không phải là phao thi. Phao thi mang đến nhiều nhưng vấn đề là ở trong các hội đồng coi thi có được sử dụng hay không. Tất nhiên các nhà trường cần phải rút kinh nghiệm các việc này. Có phản ánh rằng thí sinh quay được hình ảnh quay cóp trong phòng thi, Bộ GD - ĐT luôn tiếp nhận những thông tin đó. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Thứ trưởng cho biết, việc chấm thi sẽ được tiến hành ra sao và bao giờ thí sinh có thể biết được kết quả thi tốt nghiệp?
Nhằm đảm bảo khách quan trong việc chấm thi, năm nay Bộ GD - ĐT chỉ đạo các sở GD - ĐT phải chấm chéo bài thi trong phạm vi từng sở, giáo viên không được chấm bài thi của học sinh mình. Để công bằng, chính xác, Bộ GD - ĐT cũng yêu cầu các hội đồng chấm thi phải tăng cường chấm chung một số bài trước, để các giám khảo thống nhất về biểu điểm, cách vận dụng thang điểm đối với bài thi và đặc biệt là với những bài thi có tính khoa học trong các môn khoa học xã hội. Bộ GD - ĐT cũng yêu cầu công tác thanh tra chấm thi cũng làm kỹ 2 việc: Thanh tra thực hiện quy trình chấm thi. Và thứ 2 là chấm kiểm tra lại, nếu thấy chưa chính xác phải kịp thời có ý kiến để hội đồng, giám khảo rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Lê Vân - Đan Phương