An toàn trên những chuyến xe đưa đón học sinh - Bài cuối: Cần chế tài cho dịch vụ vận tải đặc thù

Những trường tổ chức các chuyến xe đưa đón vẫn đang trong tình trạng tự xoay sở để đảm bảo an toàn cho học sinh. Chỉ khi có vụ việc xảy ra ngành giáo dục mới thực sự vào cuộc và cũng chỉ dừng ở… văn bản ban hành. Do đó, việc đưa vào quy định pháp luật và giám sát thực hiện là cần thiết đối với loại hình vận tải đặc biệt này.

Quy trình chặt và nhân sự có trình độ

Hiện nay, một số trường trên địa bàn Hà Nội thực hiện được quy trình khép kín trong việc đưa đón học sinh. Một số hiệu trưởng khẳng định, dù có máy móc, camera giám sát nhưng vận hành vẫn là con người. Nếu con người thực hiện đúng quy trình và có giám sát thì sẽ không có sự cố, dù là nhỏ.

Cán bộ quản lý một trường quốc tế tại Hà Nội khẳng định, vấn đề người có trình độ sư phạm, nghiệp vụ trên các xe đưa đón trường đã giải quyết được. Theo vị này, quy trình cần phải tuân thủ là: Học sinh được đón tại nhà hoặc tại điểm gần nhà nhất, cô giám sát theo xe sẽ xuống tận nơi để dắt học sinh lên xe. Mỗi cô giám sát có sổ theo dõi học sinh đi xe, các cô sẽ điểm danh theo ngày. Khi đến trường: Cô giám sát xuống trước đỡ học sinh xuống xe. Học sinh xếp hàng, thực hiện kiểm tra 3 vòng: Vòng 1, cô giám sát lên xe kiểm tra, vòng 2, lái xe kiểm tra lại, vòng 3 là bảo vệ trường kiểm tra lại một lần nữa. Cô giám sát theo xe dẫn học sinh vào nhà ăn. Trường hợp học sinh nghỉ học, cô giám sát theo xe sẽ báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm.

Chú thích ảnh
Trường quốc tế Việt Nam (Khu đô thị Đại Kim, Hà Nội) khẳng định quy trình nghiêm cẩn trên các chuyến xe đưa đón trước sự giám sát của chính phụ huynh đến từ 42 quốc gia khác nhau. Ảnh: ISV.

“Việc kiểm soát còn diễn ra ở mỗi đầu giờ học. Giáo viên chủ nhiệm kiểm tra sĩ số lớp. Nếu có học sinh nghỉ học mà chưa có thông báo của phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp liên lạc với cô giám sát. Nếu cô giám sát thông báo học sinh có đi xe nhưng giáo viên chưa thấy học sinh ở lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ trực tiếp liên lạc với lái xe để kiểm tra học sinh còn ở trên xe không, đồng thời báo cáo Ban Giám hiệu để xin ý kiến chỉ đạo. Đối với việc trả học sinh: Học sinh xếp thành hàng đi ra xe, cô giám sát báo cáo cho trợ lý Ban Giám hiệu về số lượng học sinh. Khi đã đủ học sinh, trợ lý Ban Giám hiệu mới cho xe xuất phát”, một cán bộ trường quốc tế tại Hà Nội chia sẻ.

Thầy Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Trường tổ chức 20 tuyến xe buýt nhưng từ nhiều năm nay, chính những giáo vụ nhà trường đều có trách nhiệm theo xe. Thậm chí, ở tuyến xe nào họ đều thuộc tên những học sinh tuyến xe ấy. Đặc biệt, những học sinh mới vào như lớp 1 càng cần có sự quan tâm của giáo viên chủ nhiệm và nhân viên nhà trường.

Tuy nhiên, những quy trình này mới chỉ dừng lại ở việc các trường tự xoay sở để đảm bảo được sự an toàn cho học sinh mà chưa có có sự giám sát một cách có quy mô, nghiêm cẩn của ngành giáo dục.

Khi đặt vấn đề này ra, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Đầu năm học nào, Sở GD&ĐT cũng ra những văn bản quy định việc đảm bảo an toàn, an ninh trong trường học, trong đó có phần đưa đón. Tuy nhiên, việc ra quy định chuẩn cũng như những hướng dẫn phải do từng nhà trường đưa ra quy định chi tiết đối với lái xe, người đưa đón, giáo viên chủ nhiệm,… để tuân thủ quy trình đó.

“Tôi nghĩ cần phải có khung quản lý. Đó là yêu cầu chất lượng xe, sức khoẻ tài xế, trách nhiệm của người phụ trách đưa đón, tiếp nhận học sinh. Nếu hành vi của lái xe và người quản lý, quy trình quản lý không chặt chẽ sẽ phát sinh nhiều tình huống phức tạp khác”, ông Phạm Ngọc Tuấn nói.

Thậm chí, hội phụ huynh các trường, các lớp cũng có thể tham gia vào kiểm soát công tác đưa – đón học sinh. Anh T.L (Gia Lâm, Hà Nội), có con gái trúng tuyển một trường tốt ở khu vực Mỹ Đình. Sau thời gian dài cả nhà vò đầu bứt tóc trăn trở bởi hành trình đi học xuyên hai đầu thành phố, thì đã quyết định cho con theo xe bus của trường. “Những hôm đầu, con về than thở là chú lái xe chạy quá ẩu để kịp giờ tại các điểm đón. Xe quá ồn, có nhiều bạn nói tục, hoặc chụm đầu xem những đoạn phim youtube “quá lứa tuổi” trên xe mà không có ai nhắc nhở. Tôi đã phản ánh gay gắt với phụ huynh từng cháu và thoả thuận với cả nhóm phụ huynh cũng như lái xe về “quy tắc" cấm nói bậy, cấm xem các chương trình không được phép trên điện thoại khi đi xe; ai vi phạm sẽ không được đi chung nữa. Kết quả là sau 1 năm, nhóm đi xe chung đã hình thành được một môi trường văn minh trên xe buýt” – anh T.L cho biết.

Tăng thanh tra, giám sát và chế tài chịu trách nhiệm

Hiện nay, việc triển khai thanh kiểm tra, giám sát của các ngành liên quan từ trước mới chỉ dừng ở những văn bản chung chung. Cho đến khi sự việc gây chấn động dư luận thì các ngành liên quan mới đặt vấn đề chi tiết.

Để triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường", ngày 14/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường học. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ điều kiện phương tiện, người lái và an toàn giao thông đối với hoạt động vận chuyển học sinh bằng xe buýt, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như thời gian qua.

Ngành Giao thông vận tải phát đi thông điệp về việc rà soát các quy định về an toàn và sức khỏe trẻ em trên xe ô tô, trong đó nhấn mạnh việc nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với xe khách hợp đồng đưa đón học sinh. Về vấn đề xe đưa đón, TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, với xe đưa đón trẻ em, cơ quan chức năng cần có quy định để đảm bảo chặt chẽ hơn, trong bối cảnh nhà nước chưa thể cung cấp riêng loại hình xe buýt đặc thù này.

Đánh giá về cả quy trình này, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về hiệu trưởng các trường. Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn cho học sinh trên những chuyến xe đưa đón, trong khi việc giám sát, kiểm tra của các phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT đối với các tuyến xe buýt đưa đón là chưa thực hiện được bài bản và các chế tài liên quan đến việc này cũng chưa có.

Nhằm có những giải pháp thiết thực hơn, ông Bùi Văn Linh cho biết: Thời gian tới, Bộ GD&ĐT phối hợp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản chỉ đạo các sở GD&ĐT triển khai các nội dung: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng khi ngồi trên ô tô đi học, thăm quan, dã ngoại gặp các tình huống nguy hiểm mà không có người trợ giúp như: Bấm còi gây sự chú ý cho mọi người sung quanh; cách mở cửa xe khi bị khóa và tìm các phương pháp báo hiệu cho những người ở gần biết đến kịp thời ứng cứu; đeo dây bảo hiểm khi ngồi trên xe ô tô theo quy định của pháp luật...

Bộ GD&ĐT cùng với Ban An toàn giao thông, cơ quan đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức rà soát các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh đi học như: Tăng cường công tác kiểm tra phương tiện bảo đảm tiểu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật an toàn khi tổ chức đưa đón học sinh đi học. Tuyệt đối không ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải đưa đón học sinh không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. 

“Các xe ô tô đưa đón học sinh đi học, thăm quan, dã ngoại do nhà trường tổ chức phải có lắp hệ thống camera hoạt động kể cả khi xe tắt máy, để cán bộ phụ trách đưa đón, giáo viên chủ nhiệm kịp thời phát hiện những học sinh vắng mặt”, ông Bùi Văn Linh nói.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an để nghiên cứu hướng dẫn khuyến khích sử dụng/ áp dụng một số qui định về quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đảm bảo an toàn, dấu hiệu nhận biết, các vị trí biển báo bến đón trả học sinh đối với dịch vụ hoạt động đưa đón học sinh, đáp ứng yêu cầu an toàn tuyệt đối cho học sinh. Từ đó, lựa chọn các nội dung phù hợp đề xuất đưa vào phần kiến nghị để sửa đổi Luật Giao thông đường bộ trong thời gian tới đây.

Cho tới nay, về hoạt động của xe đưa - đón học sinh, các Bộ, ngành mới chỉ dừng lại ở mức ban hành văn bản. Sau bài học xót xa của cháu bé tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe, các văn bản được quy định được chi tiết hơn. Tuy nhiên, trong hoạt động đưa đón học sinh này của các nhà trường, đơn vị nào thực hiện giám sát, thanh tra và nếu không thực hiện thanh tra, giám sát sẽ bị xử phạt ra sao, vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp từ phía các cơ quan chức năng.

Có thể thấy, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trên những chuyển xe đưa đón phải là quy trình khép kín, có trách nhiệm của các nhà trường ở tất cả các khâu, bao gồm: Chất lượng xe, lái xe, nhân sự chính đưa đón, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường. Quy trình này bắt buộc phải có sự minh bạch và giám sát thường xuyên của: sự thanh kiểm tra ngành giáo dục, Uỷ ban an toàn giao thông, của chính phụ huynh.

Tuy nhiên, trước thực tế mạnh trường nào trường nấy làm, phụ huynh chưa được minh bạch trong quy trình đưa đón, đảm bảo an toàn tinh thần, thể chất cho con em trên các chuyến xe, thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của ngành giáo dục và các ngành liên quan trong việc thanh kiểm tra các quy trình này. Thậm chí, phải có các chế tài nếu việc thanh tra, kiểm tra của ngành giáo dục không được thực hiện. Cần có cơ chế giám sát, phản biện từ chính những phụ huynh, xã hội, để tăng cường đảm bảo an toàn cho trẻ trên những chuyến xe. Mục tiêu cuối cùng là học sinh được đến trường một cách an toàn chứ không phải đến trường rồi… không bao giờ trở về như sự việc xót xa vừa qua. 

Lê Vân/ Báo Tin tức
An toàn trên những chuyến xe đưa đón học sinh - Bài 2: 'Hở' cả văn bản lẫn thực tế
An toàn trên những chuyến xe đưa đón học sinh - Bài 2: 'Hở' cả văn bản lẫn thực tế

Dù đây đó đã có các quy định nhằm đảm bảo công tác đưa đón học sinh, nhưng việc thực thi tại các nhà trường vẫn còn nhiều vấn đề đáng báo động, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN