‘Ách tắc' sách giáo khoa, Nhà xuất bản, địa phương nói gì?

Dù năm học mới đã bắt đầu, nhiều phụ huynh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn đang tìm mua sách giáo khoa cho con. Trong khi đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đường link giả mạo về bản sách số của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Một số nơi vẫn thiếu sách giáo khoa theo chương trình mới 

Trước những phản ánh của phụ huynh về việc chưa nhận được sách giáo khoa để con kịp học trong năm học mới, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: “Do tình hình dịch  COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách nên việc cung ứng sách giáo khoa (SGK) không giống các năm học trước. Đến trước ngày khai giảng, việc cung ứng SGK ở nhiều địa phương vẫn rất khó khăn. Từ rất lâu, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã triển khai các giải pháp như thiết lập tổng kho tạm thời tại các địa phương ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh để vận chuyển sách từ các nhà in đối tác phát hành, từ đó vận chuyển đến các nhà trường. Chúng tôi cũng đã điều tiết nội bộ để phần nào đáp ứng nhu cầu. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành tạo điều kiện phát hành SGK. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản đề nghị các địa phương hỗ trợ. UBND nhiều tỉnh đã có văn bản yêu cầu đơn vị liên quan hỗ trợ, đảm bảo kịp SGK trước ngày khai giảng". 

Chú thích ảnh
Giao diện bản sách số sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

“Tuy nhiên, do SGK chưa chính thức được công nhận là mặt hàng thiết yếu nên tại một số tỉnh, chúng tôi vẫn phải trao đổi với các cơ quan quản lý để sớm vận chuyển sách đến học sinh. Sau chỉ thị của Thủ tướng trước năm học mới, trong đó có việc chỉ đạo các Nhà xuất bản cung cấp SGK cho học sinh, tôi tin việc vận chuyển SGK đến các học sinh sắp tới sẽ có nhiều thuận lợi”, ông Nguyễn Văn Tùng nói.  

Năm học 2021 - 2022 là năm học thứ hai ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc học sinh tiếp cận SGK theo chương trình mới cũng gặp khó khăn. Theo ghi nhận, nhiều nơi học sinh không thể tiếp cận được với sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.  

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết: “Hiện 90% SGK lớp 2, lớp 6 đã chuyển về các địa phương. Nhiều địa phương đã nhận được, nhưng vẫn còn hiện tượng một số nơi, một số trường thiếu sách cục bộ. Với lượng sách đã chuyển về địa phương, nếu được tạo điều kiện, các đối tác phát hành của chúng tôi sẽ chuyển sách nhanh nhất tới các học sinh”.  

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, do tình hình vận chuyển khó khăn nên nhiều học sinh chưa tiếp cận SGK bản giấy. Nắm được nhu cầu đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đưa toàn bộ SGK lớp 1-12 bản mềm lên trang hanhtrangso. nxbgd.vn. Với trang này, học sinh, giáo viên có thể sử dụng miễn phí phiên bản diện tử của SGK. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn cung cấp cả phiên bản điện tử của cách bài tập, sách giáo viên để có tài liệu tham khảo xây dựng giáo án cũng như có thêm tài liệu để học tập.  

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đường link đưa các phiên bản điện tử SGK, nhưng trước thông tin này ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định: “Nhiều người hỏi chúng tôi đó có phải là SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cung cấp hay không, chúng tôi xin thông tin là tại đường link trôi nổi có cả những bản in thử, những phiên bản không kiểm soát được nội dung, nên không đảm bảo đúng SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Phụ huynh, học sinh nên thận trọng khi sử dụng những bản này vì SGK còn liên quan đến kiến thức  lãnh thổ, bản đồ, nếu không chính xác thì hậu quả sẽ nghiêm trọng... Việc đăng tải chưa có sự cho phép của Nhà xuất bản là sự vi phạm bản quyền đối với sách của Nhà xuất bản".  

Gỡ khó từ cơ sở

TP Hồ Chí Minh là nơi đang thiếu sách giáo khoa do những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.  Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh, với SGK, Sở đang phối hợp cùng bưu điện Thành phố và Viettel Post hoàn tất giao SGK cho các trường. Mỗi trường sẽ có 5 giáo viên được Công an Thành phố cho phép đến trường để hỗ trợ các đơn vị vận chuyển SGK cho học sinh từ ngày 5 đến 6/9. Sở đã sắp xếp xong và giáo viên các trường sẽ nỗ lực hết sức mang SGK đến cho học sinh kịp năm học.

Tại Hà Nội, ở một số nơi vẫn thiếu cục bộ SGK lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sở GD&ĐT Hà Nội đã trao đổi với Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội để thống nhất việc phát hành, vận chuyển SGK lớp 2, lớp 6 đến tay học sinh.

Được biết, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản thống nhất chủ trương về việc cấp mã xác nhận phương tiện phục vụ chuyển phát dụng cụ học tập tại các trường học. Do đó, những đơn vị liên quan tạo điều kiện để phương tiện chở SGK được lưu thông thuận lợi qua các chốt kiểm soát, bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Sách được Nhà xuất bản Giáo dục Viêt Nam vận chuyển đến các trường, sau đó nhà trường đóng bộ và chuyển tới tay học sinh theo đăng ký của phụ huynh.  

Trong trường hợp chưa nhận được sách, ông Nguyễn Văn Tùng đưa ra lời khuyên với phụ huynh: "Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố phiên bản điện tử SGK từ lớp 1 đến lớp 12 và một số sách bổ trợ, sách giáo viên các lớp 1, 2, 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Nhà Giáo dục Việt Nam giữ bản quyền tại địa chỉ website duy nhất: hanhtrangso.nxbgd.vn". 

Chú thích ảnh
Lê Vân/Báo Tin tức
Vận chuyển kịp thời sách giáo khoa tới học sinh trước thềm năm học
Vận chuyển kịp thời sách giáo khoa tới học sinh trước thềm năm học

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều học sinh hiện nay vẫn chưa được trang bị sách giáo khoa cho năm học 2021 - 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với các đơn vị bưu chính, chuyển phát nhanh trong việc vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa tới nhà trường, học sinh và phụ huynh để kịp thời chuẩn bị cho năm học mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN