Vở nhạc kịch được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, biểu diễn để phục vụ các em thiếu nhi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và chào đón mùa hè 2021.
Kịch bản nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” do nhạc sỹ, nhà báo Trần Lệ Chiến, Phó tổng biên tập Tạp chí âm nhạc (Hội Nhạc sỹ Việt Nam) chuyển thể từ truyện cổ “Bầy chim thiên nga” của nhà văn Đan Mạch nổi tiếng Andersen. Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Ánh Tuyết thực hiện, cùng với ê kíp gồm các nhạc sỹ, hoạ sỹ, biên đạo múa nổi tiếng tham gia dàn dựng cùng dàn nghệ sỹ, diễn viên tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia biểu diễn.
“Bầy chim thiên nga” là câu chuyện đề cao tình cảm anh em trong gia đình. Cuộc sống sẽ luôn tồn tại những khó khăn, thử thách. Nhưng những biến cố trong hành trình đời người lại mang đến cơ hội cho mỗi chúng ta tôi luyện bản thân, vượt lên chính mình. Câu chuyện cũng là bài học quý giá về tình yêu thương, lòng nhân ái, bài học về hạnh phúc, tự do… giúp mỗi chúng ta hiểu rằng: sức mạnh của tình yêu thương có thể chiến thắng điều ác, lan tỏa điều thiện tâm, làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta thêm tươi đẹp và có ý nghĩa…
Dựa theo cốt truyện cổ, ê kíp thực hiện trẻ đã làm mới “Bầy chim Thiên nga” bằng cách xây dựng thành một tác phẩm nghệ thuật mang phong cách nhạc kịch, kết hợp giữa thần thoại và hiện thực để các em thiếu nhi có những cảm nhận thú vị từ một câu chuyện tưởng chừng xưa cũ, nhưng lại mang tới những góc nhìn mới mẻ trong nghệ thuật, đồng thời cũng trao cho các em những bài học cuộc sống ý nghĩa.
Ê kíp thực hiện đã chọn hình thức sân khấu tổng hợp mang phong cách nhạc kịch để kể một câu truyện cổ đã quá quen thuộc với thiếu nhi, giúp các em có một không gian thưởng thức nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn và cũng là cách để các em tiệm cận gần hơn với nghệ thuật chuyên nghiệp tổng hợp với các loại hình: diễn xuất, nhảy hiện đại, múa bale, hát…
Nhà lý luận phê bình, nhạc sỹ Trần Lệ Chiến chia sẻ, việc được mời làm biên kịch cho tác phẩm “Bầy chim Thiên nga” thực sự là một trải nghiệm để chị được trở về với thế giới tuổi thơ. Nội dung kịch bản dựa trên cốt truyện cổ tích, nhưng không quá lệ thuộc vào chi tiết của nội dung một cách máy móc, mà êkíp thực hiện đã đưa vào đó những tình tiết khá thú vị mang hơi thở cuộc sống, mang thông điệp giáo dục, và rất gần gũi với các em, thông qua ngôn ngữ diễn xuất, âm nhạc và lời thoại.
“Là một nhạc sỹ nên việc biên kịch cho vở diễn này cũng cho tôi nhiều cảm xúc để trợ giúp cho ê kíp bằng một tác phẩm “Khúc ca cuộc đời” cho Vỹ thanh: Lễ hội của toàn vương quốc trong ngày gia đình công chúa Li dơ đoàn tụ và viết lời Việt cho ca khúc "I see the light" nói về tình cảm yêu thương gia đình và khát vọng về một tương lai tươi sáng bên những người thân yêu của công chúa Li dơ”, nhạc sỹ Trần Lệ Chiến chia sẻ.
Theo Nghệ sỹ Ưu tú, Đạo diễn Lê Ánh Tuyết, những truyện cổ của đại văn hào Andersen luôn là những giấc mơ cổ tích dành cho các em nhỏ. Trong đó “Bầy chim thiên nga” là một câu chuyện cổ tích có tính nhân văn, gợi trí tưởng tượng phong phú cho khán giả và những bài học trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi các em nhỏ. Đó là tình yêu, sự hy sinh của nàng công chúa xinh đẹp Lidơ dành cho các anh trai và gia đình của mình. Tính văn học đậm đặc trong “Bầy chim thiên nga” đã tạo cho diễn viên có cơ hội được thể hiện kỹ năng nghề nghiệp qua từng vai diễn.
Trong vở có kẻ yếu, người mạnh, có người tốt lẫn kẻ xấu, đặc biệt có công chúa, hoàng tử, bà tiên, phù thủy… là những nhân vật mà các em nhỏ rất thích. Khán giả nhí đến với "Bầy chim thiên nga” không chỉ được đắm mình trong không gian cổ tích, được gặp những nhân vật mà mình yêu thích, mà còn được vui, buồn cùng nàng công chúa Lido và các người anh của nàng. Từ những tình huống của câu chuyện, các em nhỏ sẽ biết phân biệt việc tốt, việc xấu, thêm yêu thương những người thân trong gia đình”, đạo diễn Ánh Tuyết chia sẻ.