Ngày 15/9/2015, Thông tấn xã Việt Nam tròn 70 tuổi. Kỷ niệm 70 năm thành lập cũng là dịp để các thế hệ người làm báo của TTXVN nhìn lại chặng đường phát triển của ngành, tự hào vì sự lớn mạnh không ngừng của cơ quan thông tấn quốc gia - cơ quan báo chí vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. Trên nền móng vững chắc đó, trong gần ba phần tư thế kỷ qua, thông tin của TTXVN luôn đồng hành cùng dân tộc và sự phát triển của đất nước. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và lòng yêu nghề của các cán bộ TTXVN mọi thời kỳ, dòng thông tin chủ lưu của TTXVN trong suốt 70 năm qua không một phút ngưng nghỉ.
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm phòng tin, ảnh của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), ngày 14/2/1967. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
Lịch sử TTXVN được đánh dấu bằng thời khắc thiêng liêng của bảy mươi năm trước, ngày 15/9/1945, khi bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng danh sách Chính phủ Cách mạng lâm thời được Việt Nam Thông tấn xã phát ra thế giới bằng tiếng Việt, Anh và Pháp - sự kiện có ý nghĩa trọng đại không chỉ với TTXVN mà với cả đất nước.
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN thực sự là những nhà báo - chiến sĩ. Họ có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân. Không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử, họ còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy. Lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận, và trên 260 người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Máu của các anh, các chị thấm trong mỗi dòng tin, bài viết, bức ảnh, thước phim được gửi về từ chiến trường khốc liệt. Những thông tin mang giá trị tiếp sức, chia lửa với chiến trường từ các vùng nóng bỏng đạn bom đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, TTXVN cũng chuyển sang giai đoạn mới, phát triển vượt bậc cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và điều hành, sản xuất thông tin và trang thiết bị kỹ thuật. Từ một cơ quan thông tấn với số lượng cán bộ ít ỏi thuở ban đầu, TTXVN nay đã trở thành một tổ hợp truyền thông quốc gia hiện đại với gần 2.500 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên... thuộc 32 đơn vị, trong đó có: 5 đơn vị giúp việc Tổng Giám đốc; 5 ban biên tập tin nguồn gồm Ban Biên tập tin Trong nước, Ban Biên tập tin Thế giới, Ban Biên tập tin Kinh tế, Ban Biên tập Ảnh và Ban Biên tập tin Đối ngoại; Trung tâm Thông tin tư liệu; Truyền hình Thông tấn VNews - kênh thông tin chính luận chuyên biệt, cập nhật thông tin thời sự hàng giờ từ khắp mọi miền trong cả nước và từ nhiều điểm “nóng” trên thế giới; các tòa soạn báo gồm báo Tin Tức, Thể thao và Văn hóa, Khoa học và Công nghệ, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - tờ báo ảnh duy nhất phát hành song ngữ là tiếng Việt và 11 tiếng dân tộc thiểu số, cùng các báo đối ngoại như nhật báo tiếng Anh Việt Nam News, tạp chí tiếng Pháp duy nhất ở Việt Nam Le Courrier du Vietnam, Báo Ảnh Việt Nam (bằng 9 ngữ), Thời báo Việt - Hàn (tờ báo duy nhất ở Việt Nam xuất bản bằng tiếng Triều Tiên), tạp chí tiếng Anh chuyên đề về luật pháp Vietnam Law & Legal Forum, và báo điện tử VietnamPlus - được đánh giá là một trong những báo điện tử hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó là Nhà Xuất bản Thông tấn, 5 trung tâm phục vụ thông tin và 2 doanh nghiệp in... TTXVN sản xuất hơn 60 sản phẩm thông tin thuộc đủ các loại hình: tin văn bản, tin ảnh, tin truyền hình, tin đồ họa, tin âm thanh…, phát hành trên các bản tin, báo in, báo điện tử, truyền hình và truyền thông đa phương tiện.
Các phóng viên TTXVN tại 63 cơ quan thường trú ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở khắp các châu lục luôn nỗ lực không ngừng, khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới. Các đơn vị của TTXVN luôn tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn thử nghiệm, chủ động tìm hướng đi mới để có thể đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, cũng như trực tiếp cung cấp thông tin tới công chúng Việt Nam và trên thế giới.
Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó, TTXVN luôn chú trọng tới công tác xây dựng nguồn nhân lực. Có thể tự hào khẳng định, đội ngũ hơn 1.200 nhà báo hôm nay của TTXVN là những nhà báo vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, làm chủ công nghệ, luôn nêu cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp.
Qua thực tiễn phát triển những năm gần đây, TTXVN nhận thức được đầy đủ hơn những thuận lợi và khó khăn của cơ quan thông tấn quốc gia trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã mở ra một giai đoạn mới của truyền thông nói chung và TTXVN nói riêng, đánh dấu sự ra đời của nhiều loại hình thông tin hiện đại có tốc độ truyền tải nhanh chưa từng có. Thực tế đó đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi các nhà báo thông tấn phải đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp, luôn sẵn sàng và chủ động để đảm bảo tính hiệu quả cao nhất của dòng thông tin chủ lưu, đó là chính xác, kịp thời và đúng định hướng trong “biển” thông tin đa chiều ngày nay.
Trong suốt 70 năm qua, TTXVN luôn đảm bảo cung cấp những thông tin nhanh chóng, toàn diện và chính xác về tình hình trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, là nguồn thông tin phong phú và tin cậy cho các cơ quan báo chí Việt Nam và quốc tế, cũng như trực tiếp tới độc giả trên khắp thế giới. Bằng những sản phẩm thông tin của mình, TTXVN đã đóng góp một cách có hiệu quả vào việc định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị - xã hội. TTXVN đã thực sự trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, mặt trận thông tin, truyền thông.
Mỗi thế hệ có những nhiệm vụ riêng, mỗi thời kỳ có những yêu cầu riêng, nhưng có thể khẳng định trải qua 7 thập kỷ, các “binh chủng” thông tin của TTXVN đã làm nên một “biên niên sử” báo chí về dân tộc Việt Nam anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cù và sáng tạo trong phát triển đất nước, năng động và hòa hiếu trong hội nhập quốc tế ngày nay.
Ngày 15/9/1945 - ngày ra đời của TTXVN - cũng là dấu mốc lịch sử thông tin đối ngoại của ngành và của cả đất nước, khi thông tin về chính thể Việt Nam độc lập đến với nhân dân khắp các châu lục. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng và Chính phủ, TTXVN trong chặng đường phát triển của mình luôn thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực, với sự tham gia của 11 đơn vị thông tin và hệ thống cơ quan thường trú ngoài nước. Thông tin đối ngoại không ngừng được cải tiến về hình thức và ngôn ngữ thể hiện, mang lại cho TTXVN thế mạnh là cơ quan báo chí có sản phẩm được thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ nhất hiện nay, gồm 10 ngữ: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung, Nhật Bản, Nga, Lào, Campuchia và Triều Tiên. Sản phẩm thông tin đối ngoại của TTXVN hiện đã đến được với công chúng tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 70 năm qua, những người làm công tác thông tin đối ngoại của TTXVN luôn ý thức được sứ mệnh cao cả của mình là đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.
Nếu lịch sử của TTXVN gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Nhà nước Việt Nam, thì sự hình thành và phát triển hoạt động hợp tác quốc tế của ngành cũng gắn liền với hoạt động đối ngoại của đất nước, góp phần mang tiếng nói chính thức của Việt Nam đến với đông đảo công chúng khắp thế giới, nâng cao vị thế của đất nước. TTXVN hiện là đối tác của hơn 40 cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới, là thành viên Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương (OANA), và một số tổ chức báo chí khu vực, quốc tế khác. Đó là sự khẳng định vị thế không ngừng lớn mạnh của TTXVN tại các diễn đàn báo chí khu vực và thế giới.
Nối bước các thế hệ đi trước, những người làm báo TTXVN ngày nay luôn phát huy tinh thần sáng tạo, nghị lực và ý chí để tô thắm thêm truyền thống của cơ quan báo chí đầu tiên được Đảng và Nhà nước trao tặng hai danh hiệu anh hùng: Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cùng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhiều cá nhân và đơn vị của TTXVN được vinh danh tại các giải báo chí trong nước và quốc tế.
Những hy sinh, cống hiến của các thế hệ nhà báo thông tấn đã giúp TTXVN luôn giữ vững vị thế là trung tâm thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước trong suốt bảy thập kỷ qua. Dòng chữ “TTXVN” bằng tiếng Việt hay “VNA” bằng tiếng Anh xuất hiện trên mỗi sản phẩm thông tin đã trở thành danh xưng đầy tự hào của tất cả những ai đã bước vào “ngôi nhà thông tấn”. Danh xưng ấy cũng là sự nhắc nhở đối với mỗi cán bộ TTXVN hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành.