Huế đỏ cờ bayTôi không bao giờ quên đêm đi bộ gần 30 km từ cầu Mỹ Chánh vào Huế. Mũi đi trước này có các phóng viên Lâm Hồng Long, Ngọc Quả, Đức Kiều, Trần Tuấn... và tôi. Khi rút chạy, quân Sài Gòn đã phá hủy cây cầu này nên xe ô tô không thể nào qua được. Một quyết định khá mạo hiểm vì đây là vùng địch vừa rút, không có giao liên dẫn đường, không ai biết phía trước sẽ ra sao.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng-TTXVN
|
Chúng tôi đến gần thành phố vào lúc trời rạng sáng. Huế đang trong một ngày hội. Cờ cách mạng tung bay trên Phu Văn Lâu, trên các tòa nhà lớn, trên các đường phố, trên những ghe tàu tấp nập sông Hương. Theo phân công, tôi đi cùng nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Chúng tôi cùng các bạn sinh viên chạy xe dọc hai bờ sông, rồi vòng về khu An Cựu, qua khu Vĩ Dạ, ngược lên phía cầu Bạch Hổ rồi vào thanh nội.
Về đến Phu Văn Lâu, tôi chọn một góc riêng, lấy sổ công tác, kê lên ba lô ngồi viết bài “Sáng xuân Huế đỏ cờ bay”. Đấy là ấn tượng mạnh nhất của tôi về Huế trong buổi sáng đầu tiên ấy. Tôi viết liền một mạch ba trang giấy mỏng một ghi chép nhỏ, gần như không dừng lại.
Anh em trong nhóm gom các bài viết, phim ảnh gửi ra Đông Hà. Các bài được phát ngay ra Hà Nội chiều hôm ấy! Đấy là những thông tin đầu tiên của Thông tấn xã và cũng là của báo chí của chúng ta về Huế giải phóng - một sự kiện tiếp theo Buôn Ma Thuột, mở đầu cho một mùa xuân lịch sử.
Đà Nẵng giải phóngNgày 29/3, bác Lâm Hồng Long, các anh Ngọc Đản, Hoàng Thiểm và tôi lên đường vào Đà Nẵng trên hai chiếc Honda vừa mượn đuợc của Ủy ban quân quản.
Cuối giờ chiều, chúng tôi mới vào đến thành phố và thực sự bị choáng bởi quy mô của đô thị lớn thứ hai ở miền Nam này.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi ra sân bay Đà Nẵng, ghé trụ sở Bộ Tư lệnh quân đoàn 2, rồi vào lãnh sự quán Mỹ. Cuối buổi sáng, chúng tôi đến Ủy ban quân quản thành phố để có thông tin về tình hình chung.
Các phóng viên trong tổ mũi nhọn Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, Trần Mai Hưởng của TTXVN và Mạnh Hùng (báo QĐND) gặp lại các chiến sĩ xe tăng 846, gồm trưởng xe Nguyễn Quang Hòa, pháo thủ Nguyễn Bá Tứ (bên phải) và lái xe Trần Bình Yên (bên trái). |
Cũng trong sáng hôm đó, chúng tôi gặp tổ xung kích của tổng xã đi thẳng từ Hà Nội vào Đà Nẵng, trong tổ có các anh Vũ Tạo, Hứa Kiểm và Đinh Quang Thành, do anh Quỳ lái trên một chiếc com măng ca. Sau đó, tôi cùng anh Quỳ mang phim ảnh và tài liệu về Đông Hà. Đến Lăng Cô thì đường tắc. Tôi đành một mình đi xe máy ngược ra trên con đường dày đặc xe cộ phóng về Đông Hà. Có đoạn qua cây cầu hỏng ở gần Huế, tôi nhờ các o du kích khiêng xe xuống đò chở qua sông.
Về đến Đông Hà, bàn giao phim ảnh xong tôi ngồi viết ngay bài “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng”. Việc phát bài bằng xe thông tin trục trặc do thời tiết xấu, tôi phải cùng anh em quay tay để phát lại bằng moóc đến hơn 12 giờ đêm mới xong! Ngay sớm hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài tường thuật về Đà Nẵng giải phóng của tôi trong buổi thời sự sáng. Khỏi phải nói, chúng tôi mừng như thế nào. Giọng chị phát thanh viên mới náo nức, tự hào và có sức lan toả làm sao: “Ba giờ chiều ngày 29/3, Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam hoàn toàn giải phóng...”.
Vào Dinh Độc lậpChúng tôi hành quân theo đội hình của mũi đột kích thọc sâu, gồm Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn bộ binh 66. Chiếc xe com măng ca Liên Xô cũ kỹ của tổ phóng viên lọt thỏm giữa những chiếc tăng T54, xe thiết giáp, xe tải quân sự GMC to lớn.
Rạng sáng ngày 30/4, mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi qua cầu xa lộ lớn trên sông Đồng Nai từ sớm. Nhiều đoạn trên xa lộ, chiếc xe nhỏ của chúng tôi áp vào sườn xe tăng, lúc bên phải, lúc bên trái để tránh đạn bắn thẳng. Mục tiêu là Dinh Độc lập. Khi vào đến thành phố, ngoài tôi, trên xe có các nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, điện báo viên Lê Thái, phóng viên báo QĐND Mạnh Hùng, anh Toàn, cán bộ tuyên huấn sư đoàn. Các anh Ngọc Đản, Hoàng Thiểm đi theo xe thiết giáp. Lái xe Ngô Bình có phần lúng túng vì thành phố quá lớn và rất nhiều ngả đường. Sau mấy lần được chỉ dẫn, chúng tôi cũng đến nơi. Những chiếc xe tăng đi đầu đã đến đó trước. Vừa vào trong dinh, tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của dinh. Một hình ảnh rất đẹp. Nắng trưa rực rỡ. Xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Sư đoàn 304 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo.
Tôi đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó (các anh Vũ Tạo và Mạnh Hùng cũng chụp cảnh này). Bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng chiếm Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/75” do tôi chụp sau này được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân lịch sử! Đấy chính là chiếc xe mang số hiệu 846, nằm trong đội hình thọc sâu của Lữ đoàn 203 do đại đội phó đại đội 4 kiêm trưởng xe Nguyễn Quang Hòa chỉ huy cùng các anh Trần Bình Yên, lái xe, Nguyễn Văn Quý, pháo thủ số 1 và Nguyễn Bá Tứ, pháo thủ số 2 (người ở trên tháp pháo trong ảnh).
Mới đây, tôi cùng các anh trong tổ phóng viên mũi nhọn đã có dịp gặp gỡ với các chiến sĩ trên chiếc xe tăng này và một số đồng đội của các anh. Một cuộc gặp gỡ rất cảm động sau 40 năm của những người chiến sĩ và những nhà báo cùng có mặt tại Dinh Độc lập trong một thời khắc trọng đại! (Nhiều điều có thể kể về cuộc gặp gỡ này nhưng xin nêu ở đây hai chi tiết: Trưởng xe Nguyễn Quang Hòa kể lại, ngay trong chiều 30/4/75, xe 846 đã rời Dinh Độc lập theo lệnh điều động và những ngày sau đó không quay lại địa điểm này nữa! Trong một lần thăm lại Dinh Độc lập nhiều năm sau chiến tranh, anh Nguyễn Bá Tứ khi xem bức ảnh này phóng to treo ở đây đã nhận ra xe 846 và hình ảnh của mình trên tháp pháo. Anh rất vui mừng báo cho anh Hòa và các đồng đội biết điều này...).
Ngày 30/4/75, Dinh Độc lập thực sự là nơi hội quân của nhiều phóng viên VNTTX - TTXGP trong một thời điểm lịch sử. Các anh Trần Mai Hạnh và Văn Bảo trong tổ đi theo Tổng Biên tập Đào Tùng là những phóng viên viết và gửi được bài và ảnh đầu tiên, qua đường truyền của TTXGP từ Sài Gòn qua Tây Ninh ra Hà Nội!
40 năm qua! Ký ức về về một mùa xuân lịch sử, những ngày tháng đã xa nhưng mãi xanh, luôn sống động trong tôi.
Trần Mai Hưởng
Kỳ tới: Nhớ lại một thời khắc huy hoàng