Khu 51- Bí ẩn trên sa mạc Mỹ - Kỳ cuối

Sau một thời gian dài hoạt động và đóng góp lớn cho quân đội Mỹ nhưng Khu 51 vẫn phải đối mặt với việc bị cho “về hưu”. Năm 1980, chính phủ Mỹ thông qua chương trình di dời đất nhiễm xạ quanh Groom Lake.

CHIA TAY MỘT GIAI THOẠI

Là căn cứ quân sự bí mật để thử nghiệm phi cơ, đã có rất nhiều chiến đấu cơ và máy bay trinh sát danh tiếng từng “đồn trú” tại Khu 51.

Máy bay U-2 được là một trong những “cư dân đầu tiên” của Khu 51. U-2 có thể đạt độ cao 21 km và hoàn thành xuất sắc các yêu cầu cho nhiệm vụ trinh sát vào thời điểm đó trong nhiều năm trời. Tuy nhiên, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Lockheed Martin nhận ra rằng họ cần nhiều máy bay cao cấp hơn bởi công nghệ tên lửa của Liên Xô đang nhanh chóng vượt trội. Năm 1960, Liên Xô bắn hạ một chiếc U-2 và biến lo lắng này thành sự thật. Các kỹ sư Mỹ sau đó thiết kế máy bay có tên Suntan với khả năng đạt tốc độ 3.200km/giờ, được kỳ vọng là phi cơ kế nhiệm chiếc U-2. Vậy nhưng chính phủ Mỹ sau đó quyết định xóa bỏ dự án vì không thể đáp ứng khoản chi phí khổng lồ.

Các biển cảnh báo được đặt trước Khu 51.

Khu 51 bị sơ tán vào tháng 6/1957 cho hàng loạt cuộc thử nghiệm hạt nhân. Đến tháng 9/1959, CIA đã quay lại, sử dụng địa điểm này để phát triển A-12, tiền thân của máy bay trinh sát Chim đen SR-71. A-12 là máy bay trinh sát có hình dáng giống đĩa bay và làm từ titan. Một bài báo trên tờ Los Angeles Times năm 2009 nghi ngờ rằng hình dáng và tốc độ của A-12 đã khiến nhiều phi công điều khiển máy bay thương mại cho rằng đó là đĩa bay của người ngoài hành tinh. Tiếp sau đó, Khu 51 tiếp tục làm nơi thử nghiệm Chim đen SR-71 của Lockheed có thể đạt độ cao 27.400m, chiếc máy bay trinh sát chiến lược này được mệnh danh là “truyền nhân” của U-2. Năm 1996, khi CIA tiết lộ về chương trình phát triển máy bay Chim đen SR-71 tại địa một điểm bí mật thì cơ quan này chỉ nhắc đến nơi thực hiện là “một sa mạc ở Nevada” mà không nêu rõ cụ thể Khu 51.

Ngoài máy bay tự sản xuất trong nước, chính phủ Mỹ cũng từng âm thầm phân tích phi cơ mà họ thu được của Liên Xô tại Khu 51. Năm 1967, máy bay Mig 21 đầu tiên hạ cánh tại Groom Lake, chương trình kiểm nghiệm, nghiên cứu được tiến hành, nhiều phi công bắt đầu gọi khu vực hạn chế bay trên Groom Lake là “quảng trường đỏ”.

Thiết kế bên ngoài của máy bay A-12.

Tháng 4/1984, Trung tướng Robert M. Bond thuộc Không quân Mỹ thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay gần Khu 51. Mặc dù lực lượng Không quân cho biết chiếc máy bay gặp nạn là chiến đấu cơ đang trong quá trình thử nghiệm nhưng theo hãng thông tấn AP, trên thực tế đây là chiếc MiG-23 của Liên Xô.

Sau một thời gian dài hoạt động và đóng góp lớn cho quân đội Mỹ nhưng Khu 51 vẫn phải đối mặt với việc bị cho “về hưu”. Năm 1980, chính phủ Mỹ thông qua chương trình di dời đất nhiễm xạ quanh Groom Lake. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy đã có đội ngũ di dời đất từ khu vực này. Một vài thành phố gần Khu 51 có ghi nhận số lượng người mắc bệnh ung thư khá cao và nhiều trong số họ đã kiện chính phủ. Những bệnh nhân này khẳng định rằng các cuộc thử nghiệm của chính phủ trong khu vực đã ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.

Cũng trong thập niên 80 của thế kỷ trước, nhân viên tại Khu 51 đã đào các hố lộ thiên to và ném chất độc hại vào đó. Họ sử dụng nhiên liệu máy bay để đốt các chất này và hít phải khá nhiều chất hóa học và khí độc. Theo đơn kiện một số quan chức chính phủ của những nhân viên từng làm việc ở Khu 51, họ đã yêu cầu cấp dụng cụ an toàn như mặt nạ phòng độc nhưng lại bị từ chối do vấn đề ngân sách. Khi những người lao động này đề xuất họ tự mang theo thiết bị cá nhân thì những người quản lý lại tuyên bố rằng vì lý do an ninh, họ không thể đem các thiết bị khác từ bên ngoài vào căn cứ, trừ găng tay. Một vài nhân viên đã đổ bệnh sau khi tiếp xúc nhiều với khí độc, thậm chí có người còn tử vong. 

Tổng thống thứ 42 của Mỹ, ông Bill Clinton vào tháng 9/1995 đã ký sắc lệnh dọn dẹp Khu 51dựa trên kết quả điều tra của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) thực hiện tại địa điểm này. Lệnh được đưa ra coi Khu 51 như “nơi vận hành của Không quân gần Groom Lake, Nevada”. EPA vẫn được cho phép điều tra Khu 51 để đảm bảo nơi này đáp ứng các tiêu chí về môi trường. Tuy nhiên, hầu hết các báo cáo đều được kiểm duyệt và không thể công bố với công chúng. Lệnh đặc biệt của ông Clinton cho phép tiếp tục giữ kín các báo cáo về Khu 51. 

Liệu có dự án mới được tiến hành ở Khu 51 trong thời gian gần đây? Có ý kiến cho rằng quân đội Mỹ tiếp tục tập trung vào công nghệ máy bay không người lái (UAV) tại Khu 51. Các dự án khác cũng nằm trong vòng nghi vấn như máy bay trinh sát Aurora, phi cơ siêu thanh… Ngày nay, Khu 51 vẫn được sử dụng. Dựa trên dữ liệu của Google Earth, nhiều công trình tiếp tục được xây dựng và mở rộng tại đây. Vào các buổi sáng sớm, những người quan sát tinh tường vẫn có thể nhận ra các ánh sáng lạ thoắt ẩn thoắt hiện trên bầu trời quanh Khu 51.
Hà Linh
Khu 51- Bí ẩn trên sa mạc Mỹ - Kỳ 2
Khu 51- Bí ẩn trên sa mạc Mỹ - Kỳ 2

Sự tồn tại của Khu 51 đã được giữ bí mật trong nhiều thập niên và bị bủa vây bởi các giả thiết, đồn đoán về sự tồn tại của vật thể bay không xác định (UFO).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN